Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tìm lại những chiến công lịch sử hào hùng Đồi A Bia
Ngày cập nhật 26/10/2014
Bia di tích, chiến thắng Đồi A Bia (A Lưới)

Hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (1975-2015). Trong những ngày qua, Ban Truyền hình tiếng dân tộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã đến thăm và làm việc với Thường trực Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy và đồng chí Hồ Mạnh Khóa - Nguyên Chỉ huy trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện.

Đặc biệt, đoàn làm phim đã trực tiếp phỏng vấn anh hùng Hồ Vai, anh hùng Kăn Lịch và đồng chí Lê Văn Trừ - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy; đồng chí Lê Anh Miêng – UVTV - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy về những đóng góp to lớn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; sự trưởng thành và đi lên của mảnh đất A Lưới hồi sinh sau 39 năm đổi mới. Đoàn làm phim đến Đồi Thịt Băm (Đồi A Bia) để tìm lại những vết tích chiến tranh một thời oanh liệt của quân và dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc anh em A Lưới nói riêng, đặc biệt bộ phim tài liệu nói về những đóng góp to lớn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến của đất nước. Đưa dẫn đoàn có đồng chí Hồ Đàm Giang – HUV – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy; đồng chí Hồ Mạnh Khóa - nguyên Chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy Quân sự huyện, đồng chí Trần Văn Đôn – Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc.

Với QĐNDVN nói chung và nhân dân các dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói riêng, những kết quả thu được trong trận đánh lịch sử ở Đồi A Bia đã cổ vũ và thúc đẩy phong trào đánh phá "bình định" đang phát triển ở các địa phương. Chiến thắng A Bia đã đi vào trang sử truyền thống của QĐNDVN và các dân tộc thiểu số huyện A Lưới và là mốc mở đầu cho giai đoạn khôi phục lại thế trận xuống đồng bằng, lập lại thế ba vùng chiến lược sau Tết Mậu Thân 1968, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp giải phóng đất nước.

Ông Hồ Mạnh Khóa - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện (nhân chứng sống) kể lại: Từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 20 tháng 5 năm 1969 ở Thừa Thiên Huế, trận chiến nổ ra khi Mỹ tập trung lực lượng gần 2.000 quân dưới sự yểm trợ mạnh của hỏa lực phi pháo để đánh chiếm quả đồi (núi A Bia, phía Mỹ gọi là Cao điểm 937) do 2 tiểu đoàn Bộ đội chiếm giữ. A Bia là điểm cao đột xuất (937m) nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt-Lào (cách 1,9 km). Đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400 m. Toàn bộ núi là một dải gồ ghề, hoang dã bao phủ bởi rừng với những tán tre mọc dày đặc với cỏ voi cao ngất. Các dân tộc địa phương A Lưới gọi A Bia là "núi muông thú ẩn mình". 

Trận đánh diễn ra bằng bộ binh, xe tăng, máy bay; các đơn vị của QĐND Việt Nam, dân quân địa phương đã dựa vào địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt của rừng núi để đánh bại mọi cuộc càn quyét của quân địch. Dù được yểm trợ mạnh bởi pháo binh và không quân, các cuộc tấn công của Mỹ đã nhiều lần bị đẩy lùi bởi sự phòng ngự có hiệu quả của Bộ đội địa phương, các trận đánh trên cao điểm 937 xảy ra tháng 5 năm 1969; ngọn đồi này đã được lính Mỹ gọi là "Đồi Thịt Băm", như một cách thể hiện độ khốc liệt và thương vong cao của lính Mỹ. Chiến thắng A Bia làm chấn động dư luận nước Mỹ.

Đồi A Bia ngày nay, với 853 bậc thang và chiều dài 1.567m. Hiện đồi A Bia là di tích lịch sử cấp quốc gia trên dãy Trường Sơn huyền thoại, thu hút nhiều du khách...mảnh đất chịu nhiều gian khổ trong chiến tranh, nơi túi bom của quân thù, vùng trắng bởi chất độc da cam, nhưng cũng là mảnh đất ghi dấu những trận đánh oanh liệt với sự hy sinh anh dũng của biết bao chiến sĩ.

Chia tay đoàn làm phim, nhân dân các dân tộc A Lưới nói riêng, và cả nước nói chung luôn mong đợi bộ phim Tài liệu này sẽ được khởi chiếu trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015).

Một số hình ảnh đoàn làm phim tại A Bia

Hồ Đàm Giang - Ban Tuyên giáo Huyện ủy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 564