Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh: thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh và phí tham quan di tích
Ngày cập nhật 27/10/2014

Sáng 24/10, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2011 – 2016 HĐND tỉnh chính thức khai mạc. Kỳ họp dưới sự chủ trì của đồng chí: Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Văn An, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Bích Thủy, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh.

 


 

 

Tại kỳ họp quan trọng này, HĐND tỉnh đã thảo luận và thông qua các Nghị quyết về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2020; điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, kiện toàn nhân sự HĐND và UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh hướng phát triển kinh tế xanh

Theo Tờ trình của UBND tỉnh, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thực hiện theo quan điểm phát triển công nghiệp bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh.

Mục tiêu điều chỉnh tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) thời kỳ 2011-2020 đạt 12-13%, trong đó giai đoạn đến năm 2020 tăng trưởng 14,0 - 14,5%, giai đoạn năm 2021 – 2030  tăng trưởng 14,5 - 15,0%; tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp (VA) giai đoạn đến năm 2020 là 12,1%; giai đoạn năm 2021 - 2030 là 12,7%.

Lựa chọn các ngành công nghiệp chủ lực ưu tiên phát triển đến giai đoạn đến năm 2020: ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, thực phẩm và đồ uống; ngành công nghiệp dệt may và công nghiệp hỗ trợ dệt may; ngành công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; ngành khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; ngành tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch và tiêu dùng. Giai đoạn năm 2021 đến 2030: Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường.

Các sản phẩm chủ yếu cần ưu tiên phát triển giai đoạn đến năm 2020 như phát triển sản phẩm thực phẩm, đồ uống; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may; phát triển các sản phẩm của ngành công nghiệp điện, điện tử, tin học và công nghệ cao; các sản phẩm của công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; phát triển sản xuất các sản phẩm dược phẩm, hóa mỹ phẩm và sản xuất tá dược, thiết bị ngành y tế; phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng, hàng lưu niệm phục vụ du lịch.

Giai đoạn năm 2021 đến 2030 sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm thực phẩm, đồ uống; phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của vùng, công nghiệp hỗ trợ dệt may, sản phẩm may thời trang, xây dựng trung tâm thiết kế thời trang; phát triển các sản phẩm công nghệ cao, điện, điện tử, tin học; đầu tư sản xuất các sản phẩm dược phẩm cao cấp, hóa mỹ phẩm và sản xuất tá dược, thiết bị y tế; sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, sản phẩm mỹ thuật và trang trí nội thất; phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học; ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Định hướng phát triển các khu kinh tế, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, khu kinh tế cửa khẩu A Đớt để kêu gọi, xúc tiến đầu tư.

Hình thành các khu công nghiệp chức năng, ưu tiên thu hút đầu tư các ngành nghề và sản phẩm chủ yếu vào các KCN theo đúng chức năng chính của 6 KCN ( KCN Phú Bài, KCN Tứ Hạ, KCN Phong Điền, KCN La Sơn, KCN Quảng Vinh, KCN Phú Đa).

Dự ước tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn (2014-2020): 27.996 tỷ đồng. Dự kiến phân bổ vốn ngân sách nhà nước: 560 tỷ (chiểm 2%) chủ yếu đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào KCN, cụm công nghiệp; vốn doanh nghiệp và vốn vay tín dụng (23%): 6.439 tỷ đồng; vốn liên doanh, liên kết và vốn đầu tư nước ngoài (75%): 20.997 tỷ đồng.

 

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết trình lại kỳ hợp

 

Điều chỉnh mức thu phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế                                               

Theo đề xuất của UBND, với giá trị, tầm vóc và quy mô của quần thể di tích Cố đô Huế ngày càng được bảo tồn, trùng tu hoàn thiện, thì việc điều chỉnh tăng giá vé tham quan tại các khu di sản văn hóa Huế là rất cần thiết (đặc biệt giá vé tham quan khách nước ngoài được áp dụng hơn 18 năm nay kể từ năm 1993 đến nay, mà chưa một lần được điều chỉnh) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, và chủ động hơn trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế.

Hiện tại giá vé tham quan các khu di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh tại một số điểm trong nước như: khu di tích Phố Cổ Hội An, khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam); khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) và một số di tích của các nước trong khu vực như Hoàng cung Thái Lan, Angkor Wat (Campuchia) đều có mức giá cao hơn so với giá vé tham quan hiện đang áp dụng tại các khu di tích lịch sử văn hóa Huế. Trong lúc đó, các khu di sản như Hoàng Cung Huế và các khu di tích lăng tẩm vua Nguyễn: lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh…. là các di tích cấp quốc gia đặc biệt, có quy mô, tầm vóc quốc tế và biểu hiện cao nhất của nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật trong hệ thống quần thể di tích Cố đô Huế, nhưng giá vé tham quan hiện nay đang áp dụng cho khách quốc tế chỉ từ: 40.000đ - 105.000đ/người/điểm/lượt; khách Việt Nam là từ 30.000đ - 75.000đồng/người/điểm/lượt, thấp hơn khá nhiều so với các khu di tích khác trong nước và các nước trong khu vực. 

Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh đã thảo luận và biểu quyết thông qua mức thu tối đa phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn từ năm 2015-2020 (áp dụng thống nhất cho cả khách nước ngoài và khách Việt Nam): Đối với Hoàng Cung Huế (Đại Nội - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) người lớn là 210 ngàn đồng, trẻ em là 60 ngàn đồng; các khu di tích: lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định người lớn là 150 ngàn đồng trẻ em là 40 ngàn đồng; các khu di tích: lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, lăng Đồng Khánh, điện Hòn Chén, cung An Định, đàn Nam Giao, Kỳ đài Huế người lớn 70 ngàn đồng, trẻ em 20 ngàn đồng. Trên cơ sở mức thu tối đa nêu trên, giao UBND tỉnh quy định mức thu phí cụ thể. Thời điểm áp dụng: 01/4/2015.

 

 

www.thuathienhue.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 546