Theo báo cáo của Cục thú y, trong năm 2014 đã có nhiều trường hợp phát sinh ổ dịch Lở mồm long móng (LMLM) do các chương trình, dự án cung cấp con giống gia súc để phát triển chăn nuôi. Đặc biệt từ đầu tháng 11/2014 đến nay, dịch LMLM đã liên tục xuất hiện tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Lào Cai và Yên Bái. Nguyên nhân chủ yếu là do vận chuyển con giống gia súc từ nơi khác đến làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh LMLM cho gia súc tại địa phương, nhiều gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy.
Qua kiểm tra thực tế của Bộ Nông nghiệp (Cục thú y) cho thấy một số chương trình, dự án cung cấp con giống gia súc và công tác kiểm dịch vận chuyển con giống gia súc tại một số địa phương còn nhiều tồn tại, bất cập, cụ thể: Một số chương trình, dự án cung cấp con giống gia súc khi đưa vào địa phương nhưng không thông báo cho cơ quan thú y sở tại biết để tổ chức cách ly kiểm dịch, giám sát dịch bệnh theo quy định; Nhiều gia súc được thương lái thu gom, chất lượng con giống không đảm bảo, không có nguồn gốc rõ ràng nhưng vẫn được hợp thức để vận chuyển đi làm giống; Qui trình kiểm dịch thiếu chặt chẽ nên vẫn còn hiện tượng chủ gia súc tự mua thẻ tai, ghi mã số, tự bấm thẻ tai cho trâu bò, làm giả dấu niêm phong chì phương tiện, tẩy xóa và làm giả giấy kiểm dịch để vận chuyển gia súc đi tiêu thụ; Mầm bệnh LMLM lưu hành rộng rãi trên đàn gia súc đã khỏi bệnh lâm sàng nhưng không được quản lý chặt chẽ hoặc tiêu hủy theo quy định, trong khi đó nhiều gia súc được vận chuyển đi làm giống không đảm bảo mức miễn dịch bảo hộ theo quy định (không được tiêm phòng vắc xin, tiêm nhưng không đảm bảo kỹ thuật, tiêm nhưng chưa đủ thời gian để tạo miễn dịch chủ động) nên dễ bị nhiễm mầm bệnh; Công tác quản lý tại cơ sở chưa chặt chẽ nên không thực hiện nuôi cách ly, giám sát, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bổ sung sau khi giống gia súc nhập vào địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch LMLM hiện nay, kết hợp với các điều kiện thời tiết bất lợi, nguy cơ mầm bệnh tiếp tục phát tán làm dịch lây lan diện rộng là rất cao. Thực hiện Công điện số 10091/CĐ-BNN-TY ngày 17/12/2014 của của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch LMLM; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 09/01/2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật và sản phẩm động vật.
Để chủ động phòng, chống dịch LMLM, ngày 22/01/2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn số 69/SNNPTNT-CCTY về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh LMLM. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Sở, ngành thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế thực hiện các nội dung sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo cơ sở thực hiện các nội dung theo tinh thần Chỉ thị số 9897/CT-BNN-TY ngày 09/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
2. Các địa phương đang có dịch LMLM tạm dừng ngay việc tiếp nhận bò giống từ các chương trình, dự án hỗ trợ con giống gia súc cho đến khi kiểm soát được dịch.
3. Tổ chức rà soát toàn bộ các chương trình, dự án cung cấp con giống hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển chăn nuôi trên địa bàn; đưa thành viên Trạm Thú y địa phương tham gia vào chương trình, dự án để hướng dẫn cung cấp con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh.
4. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân nhập giống vật nuôi vào địa phương.
- Khai báo với Chi cục Thú y hoặc Trạm Thú y sở tại về địa điểm, số lượng, tình trạng sức khỏe động vật khi vận chuyển đến.
- Thực hiện việc nuôi cách ly động vật ít nhất 07 ngày trước khi nhập đàn hoặc đưa về các hộ chăn nuôi.
- Kiểm tra, theo dõi lâm sàng trong suốt quá trình nuôi cách ly:
- Tiêm phòng vacxin bổ sung các bệnh khác theo quy định. Trong trường hợp gia súc mới tiêm phòng vacxin LMLM lần đầu 1 mũi thì phải tiêm mũi thứ 2 cách mũi đầu 30 ngày.
- Trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Nếu phát hiện động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải tổ chức bao vây ổ dịch, xử lý động vật mắc bệnh, khử trùng tiêu độc triệt để theo quy định.
- Trong thời gian nuôi cách ly, nghiêm cấm: Đưa động vật đến hộ gia đình hoặc cho nhập đàn tại cơ sở chăn nuôi khi chưa hết thời gian nuôi cách ly và chưa được sự đồng ý của cơ quan Thú y; Chăn thả động vật ra ngoài khu vực nuôi cách ly.
- Yêu cầu chủ vật nuôi hoặc tổ chức, cá nhân cung ứng động vật phải thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực nuôi cách ly trước và sau mỗi đợt nhập và xuất động vật.
- Trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm thì phải báo ngay cho Chi cục Thú y, trạm Thú y sở tại để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh.
5. Chỉ đạo rà soát, tiêm phòng bổ sung tại các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp; tăng cường giám sát chặt địa bàn trọng điểm dịch, nơi có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời khi còn trong diện hẹp; củng cố hệ thống báo cáo dịch nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời và cập nhật thường xuyên.
6. Chi cục Thú y, Trạm Thú y các huyện, thị xã chấn chỉnh tuân thủ các quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật theo quy định tại Thông tư số 22/2009/TT-BNN, ngày 28/4/2009 về việc hướng dẫn yêu cầu về giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi; nghiêm cấm các hành vi hợp thức nguồn gốc con giống gia súc và không thực hiện kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
7. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp trong phòng, chống dịch; về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động phòng chống cho đàn gia súc nhằm phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho xã hội, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Đề nghị các Sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung trên.