Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 02/2015
Ngày cập nhật 05/02/2015

Tháng 02/2015 rất nhiều chính sách mới thuộc các lĩnh vực Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng; Thuế-Phí-Lệ phí; Công nghiệp; Xuất nhập khẩu; Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề; Khoa học-Công nghệ.. có hiệu lực thi hành. Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế xin giới thiệu đến độc giả.

 

▀▄ Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

NGÂN HÀNG ĐƯỢC DÙNG TỐI ĐA 60% VỐN NGẮN HẠN ĐỂ CHO VAY TRUNG, DÀI HẠN

Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 60% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn; trong khi đó, tỷ lệ này đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 200%. Đây là nội dung của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh quy định về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, Thông tư này cũng quy định cụ thể giới hạn góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Theo đó, mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại, công ty tài chính và các công ty con, công ty liên kết vào một doanh nghiệp không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào doanh nghiệp (bao gồm cả vốn cấp, vốn góp vào các công ty con, công ty liên kết) tối đa là 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng; với công ty tài chính thì mức tối đa là 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

Ngoài ra, Thông tư này cũng yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính) phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, cụ thể, đối với ngân hàng thương mại Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ này là 90%; với ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 80%. Riêng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới thành lập trong 03 năm đầu tiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ quy định tỷ lệ cụ thể khác với tỷ lệ nêu trên. Đặc biệt, ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không phải thực hiện tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi nếu vốn điều lệ, vốn được cấp còn lại sau khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định và góp vốn, mua cổ phần lớn hơn dư nợ cho vay.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC MUA CỔ PHẦN TCTD VIỆT NAM CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 38/2014/TT-NHNN ngày 08/12/2014 quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.

Đồng thời khẳng định, sẽ xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận việc mua cổ phần của TCTD Việt Nam dẫn đến mức sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên hoặc trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của 01 TCTD Việt Nam trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Hồ sơ bao gồm: Bảng kê khai tình hình sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan tại các TCTD Việt Nam tính đến thời điểm nộp hồ sơ; văn bản xác nhận của ngân hàng về số dư tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư nước ngoài hoặc tài liệu khác chứng minh có đủ nguồn tài chính hợp pháp để mua cổ phần; lý lịch tự khai; cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với TCTD Việt Nam và cam kết sở hữu từ 10% vốn điều lệ của TCTD Việt Nam tại thời điểm nộp hồ sơ (trường hợp nhà đầu tư mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của TCTD đó)...

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có văn bản chấp thuận việc mua cổ phần, nhà đầu tư nước ngoài phải chuyển đủ số tiền đã đăng ký mua cổ phần vào tài khoản đầu tư gián tiếp phong tỏa bằng đồng Việt Nam tại 01 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được hoạt động ngoại hối và cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật Việt Nam và chỉ được sử dụng số tiền này cho mục đích mua cổ phần của TCTD đã đăng ký. Trường hợp mua cổ phần của TCTD đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, trước khi giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ tiền trên tài khoản để thực hiện giao dịch theo quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.

QUẢN LÝ TIỀN THU TỪ CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 17/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung khoản 5, Điều 1 Quyết định số 14/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Tại Quyết định này, Thủ tướng nhất trí điều chỉnh việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Trong đó quy định cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương được để loại toàn bộ số tiền thu được từ bán tài sản trên đất và 70% số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên tài khoản tạm giữ sau khi trừ các chi phí có liên quan do Sở Tài chính xác định. Bộ Tài chính thực hiện nộp 30% số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào ngân sách địa phương nơi có cơ sở nhà đất. Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương, được để lại toàn bộ số tiền thu được từ bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, công ty Nhà nước cũng được sử dụng số tiền bán tài sản trên đất; riêng số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, công ty Nhà nước được để lại 50% (đối với cơ sở nhà, đất trên địa bàn các thành phố là đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I); 70% (đối với địa bàn các tỉnh còn lại); Bộ Tài chính (đối với công ty Nhà nước thuộc Trung ương quản lý) hoặc Sở Tài chính (đối với công ty Nhà nước thuộc địa phương quản lý) thực hiện nộp 50% (đối với cơ sở nhà, đất trên địa bàn đô thị loại đặc biệt hoặc loại I) hoặc 30% (đối với địa bàn các tỉnh còn lại) vào ngân sách địa phương.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2015.

 

▀▄ Thuế-Phí-Lệ phí:

LỆ PHÍ CẤP MỚI GCN ĐĂNG KÝ BÁN HÀNG ĐA CẤP LÀ 400.000 ĐỒNG/GIẤY

Ngày 18/12/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2014/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó nêu rõ, doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, sửa đổi, bổ sung và gia hạn GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải nộp phí thẩm định; khi được cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn GCN thì phải nộp lệ phí theo quy định.

Trong đó, mức thu phí thẩm định cấp mới, gia hạn và thẩm định sửa đổi, bổ sung GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp lần lượt là 05 triệu đồng/lần thẩm định và 03 triệu đồng/lần thẩm định. Mức thu lệ phí cấp mới, gia hạn GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 400.000 đồng/giấy và mức thu lệ phí sửa đổi, bổ sung, cấp lại GCN đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 200.000 đồng/giấy.

Doanh nghiệp có thể nộp phí, lệ phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cơ quan thu phí, lệ phí hoặc chuyển vào tài khoản của cơ quan thu phí, lệ phí mở tại Kho bạc Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2015.

  

▀▄ Xuất nhập khẩu:

36 PHẾ LIỆU ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU LÀM NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT

Ngày 19/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Danh mục bao gồm 36 loại phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất. Trong đó có thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; các nguyên tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử, ở dạng đĩa, tấm mỏng, hoặc các dạng tương tự; thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu, mảnh vụn khác; thủy tinh ở dạng khối; tơ tằm phế liệu, kể cả kén không thích hợp để quay tơ, xơ sợi phế liệu và xơ sợi tái chế; đồng, nhôm phế liệu và mảnh vụn...

Quyết định này không áp dụng đối với hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh phế liệu qua lãnh thổ Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 05/02/2015.

 

▀▄ Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

XỬ LÝ TIỀN VỐN, TÀI SẢN TRƯỜNG ĐẠI HỌC DÂN LẬP KHI CHUYỂN ĐỔI SANG TƯ THỤC

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 45/2014/TT-BGDĐT ngày 17/12/2014 quy định về việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục; trong đó đáng chú ý là quy định về xử lý tiền vốn, tài sản, đất đai của trường dân lập khi chuyển sang trường tư thục.

Cụ thể, khi chuyển đổi sang trường đại học tư thục, vốn góp ban đầu và trong quá trình hoạt động của tổ chức, cá nhân vào trường đại học dân lập được quy ra đồng Việt Nam tại thời điểm góp vốn, được bảo toàn giá trị tại thời điểm chuyển đổi và được chuyển thành cổ phần. Đối với tài sản do biếu, tặng hoặc cấp phát và được hình thành từ kết quả hoạt động của trường đại học dân lập là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia và được chuyển thành tài sản chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục.

Cũng theo Thông tư này, tổ chức xin thành lập trường dân lập sẽ được ưu tiên góp vốn bằng nguồn vốn ngoài nguồn ngân sách Nhà nước để trở thành cổ đông của trường tư thục; trường hợp không góp vốn sẽ không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục. Tương tự, các cá nhân có công trong quá trình thành lập, phát triển trường và các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập chưa góp vốn cũng được ưu tiên góp vốn để trở thành cổ đông của trường tư thục.

Về vốn điều lệ của trường tư thục khi chuyển đổi từ trường dân lập, Thông tư đã bỏ quy định mức vốn tối thiểu 50 tỷ đồng, đồng thời khẳng định, vốn điều lệ của trường khi chuyển đổi là vốn của các tổ chức, cá nhân góp ban đầu và góp trong quá trình hoạt động của trường đại học dân lập sau khi được Hội đồng quản trị trường quyết định phương thức bảo toàn giá trị vốn góp theo quy định của pháp luật.

Thông tư này thay thế Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT ngày 16/07/2010 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.

BỎ YÊU CẦU KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN MẦM NON LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Theo Nghị định số 124/2014/NĐ-CP ngày 29/12/2014 của Chính phủ sửa đổi khoản 6 Điều 31 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/09/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, từ ngày 16/02/2015, giáo viên là người nước ngoài dạy tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục phổ thông sẽ không bắt buộc phải có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy như trước đây.

Ngoài ra, Nghị định cũng khẳng định, giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài việc phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm, còn phải có bằng tốt nghiệp đại học phù hợp với chuyên ngành giảng dạy trở lên nếu liên kết đào tạo trình độ cao đẳng; bằng thạc sĩ đối với liên kết đào tạo trình độ đại học hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, sư phạm kỹ thuật hay bằng tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành giảng dạy và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương (trường hợp liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề)...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2015.

ĐƯỢC DẠY CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG BẰNG TIẾNG NƯỚC NGOÀI

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác, cho phép các trường dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài các chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, nhất là các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc kiểm tra, thi cuối năm học, cuối cấp học của các chương trình, môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài nêu trên phải được thực hiện bằng tiếng Việt. Đồng thời, học sinh phổ thông cũng có thể làm thêm bài kiểm tra, bài thi bằng tiếng nước ngoài để được hưởng chế độ khuyến khích trong học tập theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng quy định, những chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài đã được kiểm định và công nhận về chất lượng có thể được giảng dạy một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng nước ngoài; ưu tiên với các chương trình, môn học thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản hoặc một số ngành, nghề và lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu, phục vụ hội nhập quốc tế.

Cũng theo Quyết định này, để được dạy chương trình giáo dục, đào tạo bằng tiếng nước ngoài, giáo viên phải có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tối thiểu cao hơn 02 bậc so với yêu cầu năng lực ngoại ngữ đối với học sinh đạt được sau khi học xong cấp học (đối với giáo viên phổ thông) hoặc phải có năng lực ngoại ngữ tối thiểu bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (trường hợp dạy tại các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp). Riêng đối với những người được đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ toàn thời gian ở nước ngoài thì được miễn yêu cầu về năng lực ngoại ngữ như trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015.

 

▀▄ Khoa học-Công nghệ:

BỔ SUNG 14 CÔNG NGHỆ CẤM CHUYỂN GIAO VÀO VIỆT NAM

Ngày 17/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, quyết định bổ sung thêm 14 công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, từ ngày 01/02/2015, số công nghệ cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam là 30 công nghệ, thay vì 16 công nghệ như trước đây, bao gồm: Công nghệ sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng quy mô nhỏ; công nghệ sản xuất xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2; công nghệ sản xuất động cơ hai kỳ dùng cho xe cơ giới; công nghệ sản xuất ti vi, máy tính cá nhân sử dụng tia điện tử để tạo hình ảnh theo công nghệ analog; công nghệ sản xuất phân bón hỗn hợp NPK theo phương pháp thủ công (chảo quay, trộn thô); công nghệ sử dụng các loài sinh vật phi bản địa bao gồm động vật, thực vật và vi sinh vật thuộc Danh mục các loài ngoại lai xâm hại...

Số công nghệ hạn chế chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam cũng tăng từ 11 công nghệ lên 23 công nghệ từ ngày 01/02/2015. Trong đó, đáng chú ý là những công nghệ như: Công nghệ sản xuất ván sợi theo phương pháp ướt; công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa thạch tín; công nghệ in tráng phim sử dụng hóa chất độc hại; công nghệ sản xuất trang sức đồ gỗ, lâm sản chứa lưu huỳnh hoặc tồn tại hợp chất hữu cơ bay hơi hàm lượng cao và công nghệ sản xuất xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 3...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.

 

▀▄ Hôn nhân-Gia đình:

TIỀN TRÚNG THƯỞNG, XỔ SỐ LÀ TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ, CHỒNG

Ngày 31/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình; trong đó đáng chú ý là quy định về chế độ tài sản của vợ chồng.

Theo đó, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác và khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng được coi là tài sản riêng của vợ, chồng.

Cũng theo Nghị định này, tài sản chung của vợ chồng bao gồm: Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng)... Đối với quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu, phải được đăng ký theo quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình. Với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng. Trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có thể yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định chi tiết về các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình bị cấm áp dụng. Cụ thể, cấm áp dụng chế độ hôn nhân đa thê; tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò... để dẫn cưới) hay đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn... Việc đăng ký kết hôn không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện; kết hôn trước độ tuổi quy định; cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo hay tập tục buộc con rể ở rể sau khi kết hôn để trả công cho bố, mẹ vợ nếu không có tiền cưới và đồ sính lễ... cũng là những hủ tục cần vận động để xóa bỏ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2015.

 

▀▄ Thông tin-Truyền thông:

NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI CHỈ ĐƯỢC CHƠI GAME TƯƠNG TÁC TỐI ĐA 3 GIỜ/NGÀY

Ngày 29/12/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng với nhiều nội dung mới, đáng chú ý.

Trước hết, Thông tư nêu rõ, khi tạo tài khoản sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử G1 (loại trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi và thông qua hệ thống máy chủ của doanh nghiệp), người chơi phải cung cấp thông tin cá nhân gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; địa chỉ đăng ký thường trú; số Chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có). Để xác thực thông tin của người chơi, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải triển khai hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân hoặc hệ thống mã số cá nhân quốc gia.

Đồng thời, nhằm giảm tác động tiêu cực của loại trò chơi này đối với người chơi, đặc biệt là bộ phận thanh thiếu niên, Thông tư này nhấn mạnh, doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử phải có hệ thống thiết bị đảm bảo tổng thời gian sử dụng tất cả các trò chơi điện tử G1 của mỗi người chơi dưới 18 tuổi tối đa 180 phút/ngày. Trên diễn đàn của trò chơi và trên màn hình thiết bị của người chơi phải luôn luôn hiển thị khuyến cáo: “Chơi quá 180 phút một ngày sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe” ở vị trí dễ nhận biết.

Ngoài ra, lần đầu tiên Thông tư đưa ra quy định về việc không được mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau. Mặt khác, vật phẩm ảo, đơn vị ảo và điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử; không có giá trị quy đổi ngược thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2014.

THÍ ĐIỂM THUÊ DỊCH VỤ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Ngày 30/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, cho phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được căn cứ vào nhu cầu, điều kiện thực tế, huy động được tối đa nguồn lực và đầu tư của doanh nghiệp, xã hội cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin và thuyết minh tính hiệu quả giữa việc thuê dịch vụ so với đầu tư, xây dựng, vận hành ứng dụng công nghệ thông tin để lựa chọn hình thức thuê dịch vụ hoặc đầu tư, mua sắm, xây dựng để thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó, ưu tiên lựa chọn hình thức thuê dịch vụ.

Việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng dịch vụ, về công nghệ, quy trình cung cấp dịch vụ, tính liên tục, liên thông, kết nối, đồng bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong mỗi Bộ, ngành, tỉnh, thành phố và trên toàn quốc; bảo đảm an toàn, bảo mật và tính riêng tư về thông tin, dữ liệu của cơ quan Nhà nước; thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ và phần mềm đặt hàng riêng để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ (nếu có) là tài sản thuộc sở hữu của bên thuê; nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm chuyển giao đầy đủ các thông tin, dữ liệu, mã nguồn của phần mềm đặt hàng riêng nói trên và các công cụ cần thiết khi kết thúc hợp đồng để cơ quan Nhà nước vẫn có thể khai thác sử dụng liên tục kể cả trong trường hợp thay đổi nhà cung cấp dịch vụ.

Đặc biệt, hình thức thuê dịch vụ tập trung trong phạm vi của Bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng sẽ được xem xét áp dụng đối với các dịch vụ công nghệ thông tin có tính chất, tính năng giống nhau mà nhiều cơ quan, đơn vị cùng nhu cầu sử dụng...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2015.

 

▀▄ Y tế-Sức khỏe:

CHỦ CƠ SỞ DỊCH VỤ ĂN UỐNG PHẢI CÓ GIẤY XÁC NHẬN KIẾN THỨC ATTP

Ngoài việc phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ theo yêu cầu; có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP); chủ cơ sở dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn phải cam kết bảo đảm ATTP với cơ quan quản lý trước khi tổ chức hoạt động và định kỳ 03 năm là nội dung nổi bật quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 11/12/2014 hướng dẫn quản lý ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Để được cấp Giấy xác nhận kiến thức về ATTP, cá nhân phải tham gia buổi kiểm tra kiến thức về ATTP và trả lời đúng 80% số câu hỏi trở lên ở mỗi phần câu hỏi kiến thức chung và chuyên ngành. Giấy xác nhận kiến thức về ATTP có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày cấp; cá nhân đã được cấp Giấy xác nhận sẽ được thừa nhận khi làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống khác.

Riêng đối với những người kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được cấp Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, trước khi hết thời hạn 03 tháng phải làm thủ tục cấp Giấy xác nhận kiến thức về ATTP.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng có quy định cụ thể về phân cấp quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ quản lý cơ sở có quy mô kinh doanh trên 200 suất ăn/lần phục vụ; UBND (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh quản lý cơ sở có quy mô kinh doanh từ 50 - 200 suất ăn/lần phục vụ; trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô kinh doanh dưới 50 suất ăn/lần phục vụ hoặc kinh doanh thức ăn đường phố.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2015.

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC THANH TRA Y TẾ

Ngày 25/12/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra y tế, thay thế Nghị định số 77/2006/NĐ-CP ngày 03/08/2006.

Theo đó, ngoài các cơ quan thanh tra Nhà nước cấp Trung ương và cấp tỉnh như trước đây (tức Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế), từ ngày 27/02/2015, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra y tế còn bao gồm: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Cục Quản lý Dược; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Quản lý Môi trường y tế; Cục Y tế dự phòng; Cục An toàn thực phẩm; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Các Cục, Tổng cục này có nhiệm vụ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành như: Xây dựng kế hoạch, thanh tra hàng năm thuộc phạm vi được giao, gửi Thanh tra Bộ Y tế tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra sau khi được phê duyệt; phối hợp với Thanh tra Sở Y tế trong việc hướng dẫn Chi cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm; phối hợp Thanh tra Sở Y tế theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của các Chi cục được giao... Việc thanh tra chuyên ngành phải được tiến hành theo đoàn thanh tra hoặc do thanh tra viên, công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tiến hành độc lập và phải tuân theo các quy định của pháp luật về thanh tra chuyên ngành.

Cũng theo Nghị định này, công chức thanh tra chuyên ngành phải là công chức thuộc biên chế của Tổng cục, các Cục và Chi cục thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; khi tiến hành thanh tra, công chức thanh tra chuyên ngành được xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/02/2015.

 

▀▄ Cán bộ-Công chức-Viên chức:

TĂNG MỨC TRÍCH KHEN THƯỞNG CÁN BỘ KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC LÊN 5%

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 02/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 02/01/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 về chế độ tiền lương, chế độ trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước và chế độ ưu tiên đối với Kiểm toán viên Nhà nước.

Cụ thể, từ ngày 16/02/2015, căn cứ vào kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, hàng năm, Kiểm toán Nhà nước sẽ được trích 5% số tiền đã phát hiện và kiến nghị (bao gồm: Các khoản tăng thu ngân sách Nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác đã thực nộp vào ngân sách Nhà nước; các khoản thực chi ngân sách sai chế độ đã nộp lại ngân sách Nhà nước hoặc đã xử lý giảm chi, giảm thanh toán vào ngân sách năm sau) để chi khuyến khích, thưởng cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước thay cho mức trích 2% như trước đây. Trong đó, mức chi thưởng không được vượt quá 0,8 lương cấp bậc, phụ cấp chức vụ, vượt khung và phụ cấp nghề nghiệp; số kinh phí còn lại sau khi chi khuyến khích, thưởng sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2015 và bãi bỏ Nghị định số 32/2011/NĐ-CP ngày 16/05/2011.

 

▀▄ Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

TĂNG THỜI HIỆU GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ LAO ĐỘNG LÊN 180 NGÀY

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo.

Nghị định quy định thời hiệu khiếu nại về lao động lần đầu là 180 ngày (trước đây là 90 ngày), kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân dạy nghề, của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị khiếu nại; thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý với quyết định đó. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì trở ngại khách quan thì thời gian này không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Ngoài ra, Nghị định này cũng mở rộng thêm quyền cho người khiếu nại. Cụ thể, người khiếu nại được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; trừ những thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước hoặc bí mật của người bị khiếu nại; được đưa ra chứng cứ về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về chứng cứ đó; yêu cầu người giải quyết khiếu nại áp dụng biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do việc thi hành quyết định, hành vi bị khiếu nại…

Đặc biệt, Nghị định đã điều chỉnh thủ tục thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu; trong đó quy định thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; trong khi đó, thời hạn này trước đây là 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, thời hạn giải quyết khiếu nại vẫn được giữ nguyên là 30 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, với những vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.

HỖ TRỢ 1 TRIỆU/THÁNG HỌC NGHỀ CHO LAO ĐỘNG ĐÃ ĐÓNG BHTN

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Cụ thể, từ ngày 01/01/2015, sẽ áp dụng chung mức hỗ trợ học nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng cho người lao động tham gia BHTN thay vì mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa đối với các khóa học nghề đến 03 tháng và tối đa 600.000 đồng/người/tháng đối với các khóa học nghề trên 03 tháng như trước đây.

Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề. Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề, thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề. Riêng đối với những lao động tham gia khóa học nghề có chi phí cao hơn mức hỗ trợ nêu trên, phần vượt quá người lao động tự chi trả.

Trường hợp lao động đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trước ngày 01/01/2015 và có nhu cầu học nghề sau ngày 01/01/2015 vẫn được áp dụng mức hỗ trợ nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2015.

 

▀▄ Hành chính:

CÔNG KHAI VIỆC TUYỂN DỤNG, ĐÀO TẠO, KHEN THƯỞNG CÁN BỘ NHÀ NƯỚC

Việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; hợp đồng làm việc, thay đổi chức danh nghề nghiệp, vị trí làm việc; chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức; giải quyết chế độ, nâng bậc lương, nâng ngạch, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức... trong cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập phải được công khai để cán bộ, công chức và viên chức biết là nội dung quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài các nội dung về tuyển dụng, đào tạo, khen thưởng như trên, những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết còn bao gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng; kinh phí hoạt động hàng năm, bao gồm các nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn tài chính khác; các vụ việc tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị đã được kết luận; bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật và kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị...

Căn cứ vào đặc điểm, tính chất hoạt động và nội dung phải công khai, chậm nhất là 03 ngày làm việc (trường hợp đặc biệt tối đa là 05 ngày), cơ quan, đơn vị có thể áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai như: Niêm yết tại cơ quan, đơn vị; thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị; thông báo bằng văn bản gửi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; thông báo cho người phụ trách các bộ phận của cơ quan, đơn vị và yêu cầu họ thông báo đến cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các bộ phận đó; thông báo bằng văn bản đến cấp ủy trực tiếp, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị hoặc đăng trên Trang thông tin nội bộ của cơ quan đơn vị.

Nghị định này thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/09/1998 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2015.

 

▀▄ Doanh nghiệp:

CÔNG TY NÔNG, LÂM NGHIỆP THUA LỖ 3 NĂM LIÊN TIẾP SẼ BỊ GIẢI THỂ

Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Cụ thể, công ty nông nghiệp sẽ bị giải thể nếu kinh doanh thua lỗ trong 03 năm liên tiếp vì lý do chủ quan của công ty, có số lỗ lũy kế bằng ¾ vốn Nhà nước tại công ty trở lên; được khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm trên diện tích chiếm từ ¾ tổng diện tích đất công ty được giao, thuê hoặc có quy mô diện tích dưới 500ha, phân tán, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.

Ngoài việc kinh doanh thua lỗ 03 năm liên tiếp vì lý do chủ quan và được khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai, sản phẩm trên diện tích chiếm từ ¾ tổng diện tích đất công ty được giao, thuê như đối với công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp còn bị giải thể khi có quy mô diện tích dưới 1.000ha, phân tán, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Trường hợp quy mô diện tích dưới 500ha đối với công ty nông nghiệp và 1.000ha đối với công ty lâm nghiệp, liền vùng, tập trung và sản xuất kinh doanh hiệu quả, xét thấy cần giữ lại thì cơ quan chủ sở hữu xem xét và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Về sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp, Chính phủ khẳng định, sẽ duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với công ty nông nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là trồng, chế biến cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, sẽ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trên cơ sở sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường; phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo đảm quyền lợi của người lao động...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2015.

CHUYỂN TRỤ SỞ, DOANH NGHIỆP GIÁM ĐỊNH THƯƠNG MẠI KHÔNG PHẢI ĐĂNG KÝ DẤU NGHIỆP VỤ

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 01/2015/TT-BCT ngày 12/01/2015 của Bộ Công Thương quy định thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, thay thế Thông tư số 06/2006/TT-BTM ngày 11/04/2006.

Cụ thể, khi chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương, thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại chỉ phải thông báo bằng văn bản về việc đã đăng ký dấu nghiệp vụ tại nơi chuyển đi đến cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ nơi chuyển đến trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chuyển đến mà không phải làm thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ.

Trường hợp thay đổi, bổ sung dấu nghiệp vụ trong chứng thư giám định, thương nhân phải đăng ký với cơ quan đăng ký dấu nghiệp vụ nơi đăng ký kinh doanh. Hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đăng ký dấu nghiệp vụ; các mẫu dấu nghiệp vụ hoặc bản thiết kế các mẫu dấu nghiệp vụ mà thương nhân đăng ký và bản chụp kèm theo bản chính Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đầu tư để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực nếu nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc bản scan từ bản gốc các giấy tờ nêu trên trong trường hợp thủ tục hành chính có áp dụng nộp hồ sơ qua mạng điện tử.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/02/2015.

 

▀▄ Đất đai - Nhà ở:

TỪ 25/2, XÁC ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM ĐẤU GIÁ QSD ĐẤT THEO GIÁ NHÀ NƯỚC

Theo Thông tư số 02/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 05/01/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 48/2012/TT-BTC ngày 16/03/2012 hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, từ ngày 25/02/2015, sẽ có thay đổi đáng kể trong việc xác định giá khởi điểm đấu giá QSD đất.

Cụ thể, thay vì xác định sát với giá chuyển nhượng QSD đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường theo mục đích sử dụng mới của thửa đất đấu giá, từ ngày 25/02/2015, giá khởi điểm đấu giá QSD đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc để cho thuê đất trả tiền 01 lần cho cả thời gian thuê được tính bằng diện tích đất nhân giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định. Giá khởi điểm đấu giá QSD đất để cho thuê đất trả tiền hàng năm được tính bằng diện tích đất nhân đơn giá khởi điểm; trong đó, đơn giá khởi điểm bằng giá theo Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định nhân hệ số điều chỉnh giá đất, nhân với mức tỷ lệ (%) đơn giá thuê đất.

Cũng theo Thông tư này, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền quyết định giá khởi điểm đấu giá QSD đất để giao đất có thu tiền sử dụng hay cho thuê đất; hoặc ủy quyền hay phân cấp cho Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá khởi điểm đấu giá QSD đất theo thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2015.

 

▀▄ Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

CÁCH THỨC GHI THÔNG TIN TRÊN XUẤT BẢN PHẨM

Ngày 29/12/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.

Thông tư này nêu rõ, đối với xuất bản phẩm dưới dạng in, trên bìa một không ghi tên tác giả, tên người dịch, tên người phiên âm, tên người biên soạn đối với sách có nội dung nguyên văn văn kiện Đảng; văn bản quy phạm pháp luật; văn bản kinh, giáo luật của tôn giáo đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; phải ghi tên, địa chỉ trụ sở chính của cơ sở in; tên, địa chỉ từng cơ sở trực tiếp chế bản in, gia công sau in; phải ghi “Sách chuyên quảng cáo” trên bìa bốn đối với sách chuyên về quảng cáo…

Đối với lịch blốc, lịch tờ, các thông tin về thứ, ngày, tháng, năm dương lịch phải ghi đúng với Bảng lịch Nhà nước Việt Nam, có thể in thêm một số thông tin khác nhưng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, không ghi thông tin có tính khuyến nghị, khuyến cáo không có cơ sở khoa học; tất cả thông tin phải được in bằng tiếng Việt, trường hợp sử dụng các ngôn ngữ khác có cùng nội dung thì tiếng Việt phải in cỡ chữ lớn hơn.

Ngoài ra, Thông tư cũng yêu cầu cơ sở in thực hiện một hoặc các công đoạn chế bản, in, gia công sau in xuất bản phẩm phải có thiết bị tương ứng với từng công đoạn. Cụ thể, phải có ít nhất một trong thiết bị: Máy ghi phim, máy ghi kẽm, máy tạo khuôn in đối với công đoạn chế bản; có máy in đối với công đoạn in và phải có máy dao xén giấy và ít nhất một trong các thiết bị: Máy đóng sách, máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in đối với công đoạn gia công sau in.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2015.

 

▀▄ Thương mại:

PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA TRÁI PHÉP QUA BIÊN GIỚI

Tại Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, Chính phủ nhấn mạnh tới trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giữa cơ quan hải quan với các cơ quan Nhà nước hữu quan và UBND các cấp.

Theo đó, cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành của cơ quan hữu quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình vi phạm, hàng hóa vi phạm; phương thức, thủ đoạn vi phạm mới liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thông tin về tình hình buôn bán, vận chuyển hàng hóa buôn lậu trên thị trường nội địa; thông tin về hàng hóa, đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...; trong đó, việc trao đổi, cung cấp, sử dụng và bảo mật thông tin phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Về phối hợp trong tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, truy đuổi, dừng phương tiện vận tải, Chính phủ quy định, các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương  tiện để truy đuổi, dừng phương tiện vận tải; bắt giữ đối tượng, hàng hóa, phương tiện vận tải khi nhận được yêu cầu hỗ trợ của cơ quan hải quan trong trường hợp truy đuổi liên tục từ trong địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ chỉ đạo phối hợp hoạt động của các cơ quan Nhà nước hữu quan tại địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn; đồng thời hỗ trợ cơ quan hải quan trong việc bố trí kho tạm giữ hàng hóa, phương tiện vi phạm; tạo điều kiện trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để cơ quan hải quan nâng cao năng lực kiểm soát việc thực thi pháp luật, xây dựng ngành hải quan từng bước chính quy, hiện đại...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2015.

GIẢM THỜI GIAN TRẢ LỜI HỒ SƠ ĐĂNG KÝ DẤU NGHIỆP VỤ GIÁM ĐỊNH CÒN TỐI ĐA 7 NGÀY

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Nghị định số 125/2014/NĐ-CP ngày 29/12/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ giám định thương mại tại Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 và Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006.

Theo đó, từ ngày 20/02/2015, thời gian trả lời hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ giám định thương mại sẽ giảm từ 10 ngày xuống còn tối đa 07 ngày làm việc, từ ngày tiếp nhận bộ hồ sơ đề nghị đăng ký đầy đủ theo quy định. Sở Công Thương nơi thương nhân đăng ký kinh doanh có trách nhiệm đăng ký con dấu nghiệp vụ sử dụng trong chứng thư giám định của thương nhân vào sổ đăng ký dấu nghiệp vụ và thông báo cho thương nhân bằng văn bản; trường hợp không chấp nhận việc đăng ký dấu nghiệp vụ, phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Hồ sơ đăng ký dấu nghiệp vụ bao gồm: Đơn đề nghị đăng ký dấu nghiệp vụ; mẫu con dấu nghiệp vụ trong chứng thư giám định mà thương nhân dự định đăng ký và bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (trường hợp nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện); bản chụp kèm Giấy chứng nhận để đối chiếu nếu nộp hồ sơ trực tiếp hoặc bản scan từ bản gốc trong trường hợp thủ tục hành chính có áp dụng nộp hồ sơ qua mạng điện tử.

Đặc biệt, trong thời hạn 03 tháng từ ngày 20/02/2015, thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại chưa đăng ký dấu nghiệp vụ sẽ phải thoàn thành thủ tục đăng ký dấu nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2015.

 

www.thuathienhue.gov.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 3.492