|
|
Liên kết website
Chính phủ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sở, ban, ngành UBND huyện, thị xã UBND phường, xã
| | |
|
Tháng ba nghe các chị kể chuyện! Ngày cập nhật 20/04/2015
Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, Hội LHPN thị xã Hương Trà vinh dự chọn 03 nữ đại biểu trực tiếp tham gia giải phóng xuân 1975 dự buổi gặp mặt do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Người đầu tiên tôi muốn kế đến đó là chị Hồ Thị Chẻo hiện ở tại tổ dân phố 4 phường Hương Xuân tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1959. Chị có dáng người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn nên chị được chọn làm chiến sỹ liên lạc. Bằng sự mưu trí, dũng cảm của mình chị đã chuyển các công văn, tài liệu đến các đồng chí chỉ huy để hợp lực tác chiến, giúp đồng đội tránh được các cuộc vây bắt của địch. Chị kể có nhiều lần trong người dấu những tài liệu mật, quan trọng phải chuyển ngay nhưng địch vây ráp quá dữ chị phải ngụy trang thành người đi làm cỏ, người đi ở đợ giữ em khi đó mới qua mắt được tụi địch. Mỗi lần thành công, trót lọt là lần ấy chị thở phào nhẹ nhõm. Từ một chiến sỹ liên lạc dần dần được chỉ huy quan tâm bố trí chị làm cán bộ văn phòng Huyện ủy, Trưởng phòng bưu điện. Bất cứ nhiệm vụ nào được phân công chị cũng hoàn thành một cách xuất sắc, được anh em trong đơn vị nể phục. Qua những lần tham gia trực tiếp chiến đấu các chiến trường ở các xã trên địa bàn huyện Hương Trà lúc bấy giờ không may bị địch bắt và giam cầm tại nhà lao Thừa Phủ. Mặc dù bị địch tra tấn dã man nhưng chị vẫn kiên trung đi theo Đảng, làm theo Đảng nhất quyết không hé răng một lời nào chờ đến ngày được thả tự do. Sau ngày quê hương được giải phóng chị được phân công vào Thường trực Hội nông dân huyện Hương Điền. Trải qua các biến cố thăng trầm trong chiến tranh chị rắn rỏi hơn, quyết đoán trong mọi công việc. Trở về cuộc sống đời thường hôm nay chị lại tảo tần sớm hôm chăm lo cho các con khôn lớn trưởng thành.
Người thứ hai tôi muốn nói đến đó là chị Trần Thị Hường hiện ở tại tổ dân phố 2 phường Hương Văn.
Năm 1965 khi mới tròn 18 tuổi chị trốn gia đình đi theo các anh cán bộ nằm vùng ở địa bàn xã Hương Thạnh huyện Hương Điền. Chị nằng nặc xin được làm liên lạc, dân vận. Mới đầu nhìn chị người chỉ huy cũng ái ngại vì thấy chị có vẻ thư sinh, ăn nói dịu dàng không biết chị có trụ nổi trong môi trường khắc nghiệt của súng đạn và chết chóc. Như đoán được phần nào lo lắng của họ chị kiên trì thuyết phục và nhận nhiệm vụ bố trí cán bộ nằm vùng lên hậu cứ và về đồng bằng. Chị nhớ lại: mới tham gia cách mạng chưa biết nhiệm vụ được làm sẽ như thế nào? Ai là cán bộ nằm vùng đây? Không dám đem thắc mắc của mình đi hỏi chị âm thầm theo dõi và làm theo trái tim của mình mách bảo. Vừa dẫn đường đưa cán bộ lên cứ xuống đồng bằng vừa phải làm công tác dân vận. Vậy là sau 4 năm thực hiện công việc chị luôn được cấp trên trao danh hiệu “Chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng”. Mặc dù được khen nhưng chị vẫn thích cầm súng trực tiếp chiến đấu hơn. Chị nói: Khi đó thấy được xông pha ra trận là oai lắm, không phân biệt trai, gái chi hết. Lòng căm thù giặc tàn phá quê hương mình ngấm vào da thịt vì vậy chị xin chỉ huy cho tham gia đánh trận tại Phước Yên, Quảng Thọ. Tại trận đánh này chị bị địch bắt giam tại nhà giam Phú Tài, Cần Thơ. Sau ngày giải phóng một lẫn nữa chị được cống hiến cho quê hương, là cô mậu dịch viên của Ty Thương nghiệp Hương Điền cho đến ngày nghỉ hưu.
Người thứ ba là chị Nguyễn Thị Sen hiện ở tại tổ dân phố 6 phường Hương Chữ tham gia cách mạng từ năm 1965 công tác tại đoàn 05 và đoàn 09 Thừa Thiên. Được phân công làm công tác tải thương, chăm sóc thương binh. Chị cho biết việc chăm sóc thương binh đòi hỏi sự khéo léo, nhẹ nhàng cộng với một phần “bạo gan” mới làm được. Mới đầu tiếp xúc với các đồng đội bị thương nặng họ vừa la, vừa vùng vẫy chị không tài nào làm tốt công việc của mình. Nhiều lần nãn lắm chị cứ nghĩ về gia đình thôi. Được mọi người động viên và hàng ngày chứng kiến những cái chết cận kề trong gang tấc trong lòng trỗi lên một tình thương vô hạn, tự trấn an mình để chị trở thành người y tá mát tay từ lúc nào không nhớ nữa.
Trên đây là 03 trong số những nữ chiến sỹ tham gia cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ của quê hương Hương Trà. Chiến tranh đã lùi xa, 40 mùa xuân đã trôi qua nhưng trong lòng các chị vẫn khắc ghi những tháng ngày cống hiến cho quê hương đất nước, niềm vui xen lẫn niềm tiếc thương cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh không trở về trong ngày đoàn tụ. Cuộc sống dẫu vẫn còn bộn bề lo toan nhưng các chị luôn giữ vững khí phách của người cộng sản, sống gương mẫu, chan hòa và đầy trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương.
Các chị xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Thu Hương Các tin khác
| |
|
| Thống kê truy cập Truy câp tổng 448.206 Truy câp hiện tại 454
|
|