Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Lê Trường Lưu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số Sở, ngành liên quan.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua 3 năm triển khai, việc thực hiện Nghị quyết số 13 đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có những chỉ đạo kịp thời, tạo ra những chuyển biến lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng từ nhận thức đến hành động cụ thể. Các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển kết cấu hạ tầng nhìn chung được thực hiện đầy đủ. Nhiều đề án quy hoạch và xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể được rà soát điều chỉnh theo lộ trình đề ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với mục tiêu nâng cao tính khả thi, đồng bộ và hiện đại.
Một số công trình giao thông quan trọng được đầu tư, nâng cấp và hoàn thành, đảm bảo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm khác có quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là hạ tầng giao thông ở các vùng kinh tế trọng điểm được ưu tiên bố trí vốn đầu tư dứt điểm để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.
Nhiều dự án hạ tầng năng lượng đã được đầu tư, tăng thêm năng lực cho hệ thống năng lượng quốc gia. Hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều công trình hạ tầng các đô thị được đầu tư, tạo sự chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị lớn.
Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng được quan tâm đầu tư xây dựng hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế và từng bước hình thành siêu xa lộ thông tin. Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện. Hạ tầng y tế đang được khẩn trương đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thực sự phát huy tác dụng, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống nhân dân được nâng lên.
|
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
|
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, trong đó xác định 4 nhóm lĩnh vực tập trung ưu tiên đầu tư, gồm: Hạ tầng đô thị; Hạ tầng giao thông; Hạ tầng Văn hóa, Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ; Hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đối khí hậu.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế cho các đô thị động lực, hạ tầng giao thông mang tính chất liên kết vùng. Qua đó, nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như nâng cấp đường lăn bến đỗ sân bay quốc tế Phú Bài, đường phía tây thành phố Huế, hệ thống cầu phá Tam Giang, hạ tầng các khu công nghiệp…; nhiều di tích lịch sử, văn hóa được tu bổ đã phát huy giá trị và phục vụ tốt cho lĩnh vực du lịch; việc xây dựng kết cấu hạ tầng đã gắn với công tác chỉnh trang đô thị và bảo vệ môi trường.
Nhằm hỗ trợ tỉnh đạt được các mục tiêu về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo sức bật cho địa phương trong giai đoạn tới, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành quan tâm định hướng các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quốc gia trên địa bàn; bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho 03 dự án trọng điểm gồm: đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 1, cầu và đường Nguyễn Hoàng (qua sông Hương, thành phố Huế), đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền; quan tâm đầu tư hoàn thiện các thiết chế y tế, giáo dục và đào tạo để Thừa Thiên Huế thực sự là trung tâm dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực của khu vực miền Trung…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần tập trung mạnh vào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành nhằm tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ về xây dựng kết cấu hạ tầng-một trong những khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương quản lý thật chặt chẽ vốn đầu tư công; coi việc thực hiện đột phá chiến lược về đầu tư cho kết cấu hạ tầng là một nhiệm vụ trọng tâm và phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhất là trong hoàn thiện thể chế, cân đối, tính toán, huy động các nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng.
|