Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Lãnh đạo tỉnh đối thoại trực tuyến với chủ đề " Xây dựng Nông thôn mới những vấn đề cần quan tâm"
Ngày cập nhật 22/06/2015

Thực hiện Quy chế tổ chức đối thoại trực tuyến trên môi trường mạng giữa lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hôm nay, ngày 11/6/2015, tại Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính cùng với lãnh đạo các sở: ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh; ôngNguyễn Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Chung Thành, Phó Giám đốc Sở Tài chính sẽ đối thoại trực tuyến với các địa phương, đơn vị và nhân dân về chủ đề "Xây dựng nông thôn mới và những vấn đề cần quan tâm”.

Vâng, thưa ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trước khi bắt đầu đối thoại ông có điều gì chia sẻ cùng với các cá nhân, tổ chức đang theo dõi và tham gia buổi đối thoại trực tuyến hôm nay không ạ?

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính:

Xin chào tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đang theo dõi và tham gia buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế hôm nay.

Xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng ở tất cả các địa phương trong cả nước, là cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết 26, Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới, là nhân tố quan trọng quyết định đến sự thành công của chương trình này.

Cùng với  các địa phương khác trong cả nước, 5 năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tích cực triển khai Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên phạm vi rộng và bước đầu mang lại những kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn những năm qua có những bước phát triển nhất định; hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng tích cực; bộ mặt nông thôn của tỉnh nói chung bước đầu có những khởi sắc, thay đổi; đời sống của người dân về cả vật chất lẫn tinh thần từng bước  được cải thiện. Đặc biệt là bộ mặt nông thôn các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã có những thay đổi tiến bộ. Năm 2014 thu nhập bình quân khu vực nông thôn toàn tỉnh đã đạt mức 20,7 triệu đồng, tăng 24,4% so với 2013 (trong đó một số địa phương đạt mức cao như Phong Điền: 31,12 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn toàn tỉnh giảm từ 14,9% năm 2010 còn 6,64 % năm 2014, (trong đó Hương Trà: 4,6%, Hương Thủy: 4,8%)…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt đạt được, Chương trình Xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục như: một số địa phương còn lúng túng, bị động và có tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, chưa chủ động huy động các nguồn lực xã hội; sự quan tâm phối hợp thực hiện Chương trình giữa các địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, có nơi, có lúc thiếu sâu sát, thiếu thường xuyên và chặt chẽ, trách nhiệm chưa cao; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng đi vào cuộc sống còn hạn chế, còn chậm; một số bộ phận người dân chưa hiểu rõ ràng và đúng đắn về Chương trình Xây dựng nông thông mới…

Buổi đối thoại hôm nay được UBND tỉnh tổ chức đểlắng nghe đầy đủ, toàn diện hơn về công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đồng thời trực tiếp giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại các địa phương nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Trên tinh thần trao đổi, cầu thị và hết sức trách nhiệm, qua buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế lần này, chúng tôi - các nhà quản lý sẽ sẵn sàng tiếp nhận và giải đáp những kiến nghị, vướng mắc gửi về cuộc đối thoại này một cách thỏa đáng, đáp ứng sự mong mỏi, quan tâm của quý vị./.

Đầu tiên là câu hỏi của bạn Thân Trọng Bảo Khâm, TP Huế: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được xem là “bà đỡ” để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà người dân rất mong đợi. Xin hỏi ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ông có thể cho biết bức tranh tổng thể của nông thôn mới tỉnh ta, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh để nhân dân được rõ?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính:

Tổng quan về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế

Vùng nông thôn Thừa Thiên Huế vốn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn về nhiều mặt, là một trong những tỉnh bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Năm 2010 toàn tỉnh bình quân chỉ từ 8,5 tiêu chí/xã; trong đó có 7 xã 4-5 tiêu chí, xã có số tiêu chí cao nhất là Hương Giang (Nam Đông) và Phú Thượng (Phú Vang) cũng mới đạt 14 tiêu chí.

Sau gần 5 năm thực hiện, nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương và Tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp và đặc biệt là sự nổ lực của người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt một số kết quả tích cực như: nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến khá sâu sắc và rõ nét; đã huy động hệ thống chính trị các cấp tham gia vào Chương trình xây dựng nông thôn mới; Đời sống của đồng bào nông thôn từng bước được nâng cao cải thiện một phần nhờ vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh tăng từ 12,6 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 20,7 triệu đồng/năm (năm 2014). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của tỉnh giảm từ 14,9% (năm 2010) còn 6,5% năm (năm 2014). Bình quân giảm gần 2%/năm; Hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khá cơ bản, diện mạo có bước khởi sắc; tổng nguồn lực huy động trong 5 năm cho Chương trình đạt hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó có nguồn lực đáng kể từ người dân; nhiều địa phương hoàn thành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, số tiêu chí nông thôn mới đạt tăng đáng kể hàng năm. Tính đến nay, số tiêu chí bình quân ước đạt 14,2 tiêu chí/xã, cao hơn 4,2 tiêu chí so với bình quân cả nước, xếp thứ 6/63 tỉnh thành cả nước. Đã có 6 xã của 4 huyện hoàn thành 19/19 tiêu chí và đã được công nhận đạt chuẩn. Đặc biệt toàn tỉnh không còn xã nào dưới 7 tiêu chí.

Trên cơ sở tiến độ kết quả thực hiện đến cuối năm 2014, Tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2015, phấn đấu nỗ lực để bảo đảm mục tiêu chung 20% số xã đạt chuẩn vào cuối năm 2015 và 50% số xã đạt chuẩn vào năm 2020.

Về thuận lợi và khó khăn

Về thuận lợi: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nội dung, nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Xây dựng nông thôn mới để giải quyết những bức xúc của nhân dân, đem lại lợi ích cho người dân một cách thiết thực. Trong thời gian qua, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành phong trào của cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, được cán bộ và người dân hết sức quan tâm và hưởng ứng.

Trong quá trình triển khai, Chương trình đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, của các Bộ, Ban, Ngành của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến huyện, xã đều tập trung để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, mục tiêu của Chương trình đề ra.

Đã ban hành được hệ thống văn bản chính sách để thực hiện các nội dung của Chương trình.

Nhận thức của các cấp, các ngành đặc biệt là của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến bước đầu.

Về khó khăn: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một Chương trình phát triển kinh tế xã hội có tính tổng hợp, có quy mô rộng lớn, lại mới bắt đầu triển khai trong thời gian ngắn nên không khỏi có nhiều khó khăn, thách thức:

- Một số địa phương công tác tuyên truyền vận động người dân - chủ thể của Chương trình nông thôn mới - tham gia còn hạn chế, do vậy, nhận thức về thực hiện Chương trình chưa thực sự đúng đắn, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước ở một số bộ phận dân cư, kể cả ở một số cán bộ các cấp;

- Về triển khai các nội dung chương trình ở nhiều địa phương vẫn còn bất cập: Chất lượng quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã chưa cao, coi trọng về đầu tư hạ tầng; mục tiêu đề ra không có nguồn lực đảm bảo và lộ trình thực hiện không phù hợp; chưa đề ra được các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nhất là đối với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo; Huy động nguồn vốn từ các thành phần khác còn hạn chế, huy động nguồn vốn từ người dân gặp nhiều khó khăn do mức sống của người dân thấp, nhất là những thôn bản, xã ở miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc;

- Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp về địa bàn nông thôn để phát triển sản xuất kinh doanh;

- Công tác phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn để nâng cao thu nhập, tuy đã có bước tiến bộ, đã hình thành một số mô hình trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, tuy nhiên số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp một số nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, miền núi, bãi ngang vẫn mang tính truyền thống là chính, vì vậy hiệu quả và thu nhập còn thấp, không ổn định.

- Công tác đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn đã được các cấp ngành quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên chất lượng đào tạo cũng như việc sử dụng lao động tại chỗ sau đào tạo nghề vẫn là vấn đề khó của nhiều địa phương; 

- Nhiều tiêu chí liên quan đến dân sinh và hạ tầng chưa hoàn thành như tiêu chí Hộ nghèo, Giao thông, Môi trường, Trường học, Cơ sở vật chất văn hoá,... đây cũng chính là các tiêu chí cần nhiều nguồn lực đầu tư.

Từ những kết quả đạt được, những hạn chế bất cập, những nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm… thời gian đến Tỉnh sẽ có kế hoạch, giải pháp phù hợp để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

 

 

Câu hỏi của bạn Lê Thị Thái, Phong Hòa, Phong Điền: Được biết, xã Phong Hòa đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015. Là người dân chúng tôi được hưởng lợi gì từ việc được công nhận là xã nông thôn mới?

 
 

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Căn cứ vào mục tiêu chung của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, khi hoàn thành 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia thì xã nông thôn mới sẽ đạt được những kết quả sau: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn cơ bản hoàn thiện, đồng bộ; Sản xuất phát triển, môi trường sinh thái được bảo vệ; An ninh trật tự được giữ vững; Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên... Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là Chương trình "của  dân, do dân và người dân hưởng lợi; dân là chủ thể, Nhà nước hướng dẫn và hỗ trợ". Do đó, khi xã Phong Hòa nói riêng và các xã khác nói chung xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới thì tất cả người dân trong xã sẽ được hưởng thụ kết quả trên.

 

Bạn Lê Thanh Tín, Công chức Văn phòng thống kê - UBND xã Vinh Thái - Phú Vang - Thừa Thiên Huế hỏi: Với 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, có thể nói mục đích cuối cùng là ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phục vụ lợi ích của nhân dân, tuy nhiên đối với các xã còn khó khăn trên địa bàn tỉnh, trong nhiều năm qua việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông thôn, gắn với nông thôn, gắn với tạo công ăn việc làm cho người dân, nhằm mục đích ổn định và nâng cao thu nhập và gắn với sinh kế lâu dài vẫn còn rất hạn chế, trước thực tế đó, tỉnh đã có những biện pháp, giải pháp nào chưa? nếu có thì cụ thể như thế nào?

Tương tự, bạn đọc có địa chỉ email duyhoang.hk@gmail.com hỏi: Trong xây dựng nông thôn mới rất cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, tuy nhiên hiện nay tại các địa phương vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Xin hỏi tỉnh có cơ chế và chính sách như thế nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường:

Đúng là trong xây dựng nông thôn mới rất cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, theo chúng tôi yếu tố doanh nghiệp rất quan trọng vì nó giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập một cách bền vững cho người dân. Do đó UBND tỉnh rất quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh cũng đã thu hút được các doanh nghiệp như Công ty CP Thái Lan, Công ty AGRY, Công ty Thiên An Hải, Công ty TNHH 1 Thành viên thực phẩm và đầu tư SOCOCEV (đầu tư máy chế biến tinh bột sắn)… đầu tư các dự án vào nông nghiệp nông thôn, đồng thời UBND tỉnh đã có văn bản đăng ký danh mục dự án hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh đã rất quan tâm đưa các danh mục dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 
 

Tuy nhiên để thu hút được doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều hơn nữa thì cần phải có cơ chế chính sách và minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013, Theo đó doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tùy theo các ngành, lĩnh vực kinh doanh cụ thể (quy định chi tiết tại các văn bản trên. Ví dụ: Được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động; doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 1.000 con trở lên thì được ngân sách hỗ trợ đến 3 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng trong hàng rào và đến 5 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào,...). 

UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 05/01/2013 về việc ban hành quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 12/10/2012 về việc ban hành Quy trình thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; hiện nay đang dự thảo sửa đổi, bổ sung quyết định này để phù hợp với các văn bản pháp luật mới và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến ban hành vào quý III/2015. 

 

 

 

Câu hỏi của bạn Phan Thị Thủy, Phú Vang: Xin hỏi những nguồn vốn nào được sử dụng cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới? nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn như thế nào?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Chung Thành:

1. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 sử dụng các nguồn vốn:

a. Vốn ngân sách

- Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai và sẽ tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo trên địa bàn: khoảng 23%.

- Vốn trực tiếp cho chương trình để thực hiện các nội dung: công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã, trường học đạt chuẩn, trạm y tế, nhà văn hóa; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới; xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản: khoảng 17%.

b. Vốn tín dụng (bao gồm tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng thương mại): khoảng 30%.

c. Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác: khoảng 20%.

d. Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư: khoảng 10%

 
 

2. Nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn như sau:

a) Đối với tất cả các xã, hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước cho: công tác quy hoạch; xây dựng trụ sở xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã.

b) Đối với các xã thuộc các huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, hỗ trợ tối đa 100% từ ngân sách nhà nước cho: xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn, trạm y tế, nhà văn hóa xã ... (Thừa Thiên Huế không có huyện nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP).

Đối với các xã còn lại (trong đó có các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế), ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần để xây dựng các công trình nói trên.

 c. Mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương căn cứ điều kiện kinh tế xã hội để bố trí phù hợp với quy định tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương khó khăn chưa tự cân đối ngân sách, địa bàn đặc biệt khó khăn và những địa phương làm tốt. 

Câu hỏi của UBND xã Điền Hòa, Phong Điền: Đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh quan tâm tiếp tục đầu tư nguồn vốn nhà nước, tỉnh cùng với địa phương để duy trì và nâng cấp xây mới 16 tiêu chí đã đạt được, đặc biệt quan tâm 03 tiêu chí chưa hoàn chỉnh đó là:

- Về Trường học: hiện nay còn thiếu 03 phòng học trường Trung học cơ sở, các phòng chức năng của các trường.

- Hệ thống giao thông nội đồng, giao thông theo cơ chế đặc thù và hệ thống thủy lợi, trạm bơm tưới, kênh tưới cho vùng cao.

- Xây dựng  các thiết chế cơ sở văn hóa (nhà văn hóa thôn)

Đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để xây dựng tường rào, sân trạm y tế xã và các hạng mục còn lại cần đầu tư xây dựng để đạt chuẩn.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Trước hết phải xác định Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới không phải là Chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước. Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới dựa trên cơ sở huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội, vận động toàn xã hội tham gia, trong đó người dân đóng vai trò chủ thể.

Trong điều kiện nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nhà nước còn hạn chế, trong lúc nhu cầu đầu tư cho toàn tỉnh còn rất lớn, việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các xã cần phải thực hiện tốt theo phương châm: Ưu tiên đầu tư vào các công trình, hạng mục phục vụ thiết thực cho sản xuất và dân sinh, trước mắt có ưu tiên cho các xã khó khăn, các xã gần về đích trong năm 2015.

Xã Điền Hòa là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, tuy nhiên trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã có nhiều nỗ lực, theo báo cáo của địa phương xã đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí còn lại chưa đạt đó là: Tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa (các nhà văn hóa thôn: do thôn và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng là chính), tiêu chí Hộ nghèo và tiêu chí Môi trường. Xã Điền Hòa đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Đối với các kiến nghị đầu tư hạ tầng của UBND xã Điền Hòa, đề nghị xã cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới; chọn lựa những tiêu chí, nội dung, hạng mục thiết yếu nhất để đạt chuẩn nông thôn mới (ở mức tối thiểu). Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư công theo từng giai đoạn để trình UBND huyện báo cáo UBND tỉnh xem xét 

Câu hỏi của bạn Thái Sơn, số 2 Võ Liêm Sơn, TP Huế: Nam Đông đang thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới. Hiện đã đạt nhiều tiêu chí nhưng đang lo lắng về tiêu chí thu nhập, xã cao nhất vẫn chưa đạt 20 triệu đồng/người/năm. Tỉnh có những chủ trương, giải pháp gì để cho người dân Nam Đông phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, sớm cán đích huyện nông thôn mới. Xin Cảm ơn!

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính:

Huyện Nam Đông được tỉnh chọn làm một trong hai huyện điểm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngay từ lúc thực hiện xây dựng nông thôn mới đến nay, được sự quan tâm và hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cùng với sự nỗ lực phấn đấu và phát huy tính tự lực, tự cường của cán bộ và nhân dân huyện Nam Đông, đã huy động được nhiều nguồn lực để lồng ghép thực hiện xây dựng nông thôn mới, trong đó có phần đóng góp đáng kể của người dân. Đến nay Nam Đông đã có 2 xã được công nhận xã nông thôn mới, 3 xã đang hoàn thiện hồ sơ để xét công nhận và 3 xã đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các tiêu chí còn lại trước ngày 31/12/2015 để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015.

 
 
 

Đối với tiêu chí thu nhập, so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tính đến ngày 31/12/2014 đã có 7 xã đạt tiêu chí, 3 xã chưa đạt là Thượng Long, Thượng Lộ và Hương Hữu, cả 3 xã này đều đăng ký phấn đấu đạt tiêu chí này vào cuối năm 2015.

Để tiêu chí thu nhập đạt và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Nam Đông, cùng với nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, tổng thể… tỉnh, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo một số vấn đề trọng tâm sau:

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, như xây dựng các tuyến giao thông thiết yếu vào khu sản xuất, các hồ chứa, đập dâng, hệ thống thủy lợi… Quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp của nông dân, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người dân kết nối với doanh nghiệp, với thị trường, được tham gia vào chuổi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao.

- Hàng năm hỗ trợ các xã để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng nguồn vốn trực tiếp của Chương trình với số kinh phí bình quân từ 120 triệu - 150 triệu đồng/xã. Đồng thời lồng ghép các nguồn vốn khác như: Vốn Chương trình 135, vốn sự nghiệp của ngành nông nghiệp và vốn của các chương trình, dự án khác... để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất tăng thu nhập thông qua thực hiện, nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp như: Chăn nuôi gà, vịt xiêm; nuôi cá nước ngọt; nuôi ong, nuôi bò sinh sản bán thâm canh; trồng chuối; trồng sầu riêng, trồng cam (Valencia, Sài Gòn, Vinh); trồng mít Viên Linh... (Quá trình thực hiện huyện Nam Đông đã chọn ra 2 mô hình phù hợp nhất là nuôi bò và trồng cam).

- Tùy theo điều kiện của từng xã để thực hiện hỗ trợ thành lập các nhóm sản xuất, tổ hợp tác (nuôi ong, vườn ươm cây giống...) tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Năm 2013 đã hỗ trợ cho Công ty chế biên mủ Cao su xây dựng một tuyến đường giao thông đi vào công ty để bước đầu hình thành mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. 

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email minhngo06@yahoo.com: Thực trạng hiện nay hầu hết các xã được quy hoạch xây dựng nông thôn mới đều có kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và dân sinh. Chủ trương của tỉnh trong việc đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nông thôn như thế nào?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường:

- Đúng là thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và dân sinh do bất cập giữa yêu cầu của thực tế và khả năng cân đối ngân sách, tỉnh cũng đang rất trăn trở về việc này. Trong bối cảnh đó tỉnh chủ trương như sau:

- Việc đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh các kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn sẽ thực hiện từng bước theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và theo từng chương trình dự án cụ thể trên cơ sở huy động tối đa tất cả các nguồn lực (nguồn vốn từ Các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình mục tiêu, các dự án ODA, NGO và ngân sách địa phương) để đảm bảo thực hiện các mục tiêu cụ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới từ nay đến năm 2020.

- Trước mắt ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất (đặc biệt là ở vùng chuyên canh tập trung, làng nghề tiểu chủ công nghiệp,...) nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. 

Câu hỏi của bạn Trần Công Văn, Phú Vang: Được biết, xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nông nghiệp theo thị trường và ổn định đầu ra cho người nông dân. Tuy nhiên, theo tôi nhận thấy việc kết hợp giữa 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học với doanh nghiệp) chưa thật sự chặt chẽ nên việc sản xuất không theo quy hoạch, không nắm vững thông tin thị trường, không đảm bảo đầu ra cho nông sản nên điệp khúc được mùa mất giá liên tục đối với nhiều mặt hàng. Ngay cả rau xanh, mía, ớt, lúa... trên địa bàn tỉnh cũng vậy. Xin hỏi tỉnh có giải pháp hữu hiệu gì cho vấn đề này?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Trong xây dựng nông thôn mới thì phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân là mục tiêu số 1, là nội dung quan trọng; trong đó cần phải nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nông nghiệp theo thị trường và ổn định đầu ra cho người sản xuất. Việc liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp) và sản xuất theo cánh đồng lớn là vấn đề rất quan trọng, là điều kiện để phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Thời gian qua, Tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nội dung liên kết, hợp tác này (ở Phú Vang một số HTX nông nghiệp đã thực hiện khá tốt đối với sản xuất lúa như HTX Phú Lương, HTX Phú Hồ…)

- Để thực hiện tốt việc hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, đề nghị các địa phương quan tâm các giải pháp:

+ Rà soát quy hoạch phát triển sản xuất của địa phương (xã, huyện). Trong đó xác định cho được cây, con chủ lực phù hợp điều kiện tự nhiên, xã hội và lợi thế của từng xã. Phù hợp với quy hoạch sản xuất của từng vùng, của huyện và của tỉnh.

+ Trên cơ sở xác định cây con chủ lực để tổ chức sản xuất hàng hóa, có chính sách hỗ trợ phù hợp, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá thương hiệu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

+ Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp là tổ chức có vai trò quan trọng trong đại diện cho người dân thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. 

Câu hỏi của bạn Nguyễn Xuân Bách, TP Huế: Đề nghị chương trình nói rõ hơn về các chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Chung Thành:

Hiện nay, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, một số chính sách hỗ trợ được thực hiện như sau:

a) Chính sách hỗ trợ từ ngân sách

Như đã nói ở trên, ngân sách sẽ hỗ trợ 100% hoặc một phần cho: công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; trường học đạt chuẩn; trạm y tế; nhà văn hoá xã; công trình thể thao; công trình cấp nước sinh hoạt; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã...

b) Chính sách hỗ trợ tín dụng

Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ việc cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn, cung ứng các dịch vụ phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm nông-lâm-thủy sản... được ưu tiên vay vốn để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; phát triển ngành nghề tại nông thôn; đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; sản xuất công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn...

c) Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tùy theo từng ngành, lĩnh vực kinh doanh cụ thể, như: miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ngoài ra, tại địa phương, Tỉnh cũng đã ban hành cơ chế, chính sách huy động nguồn lực thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới tại Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 28/9/2012; quy định các hoạt động, định mức hỗ trợ để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn tại Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND ngày 24/10/2014. 

Câu hỏi của UBND thị xã Hương Trà: Hiện nay, việc lồng ghép các chương trình, dự án vào chương trình nông thôn mới chưa được triển khai hiệu quả do chưa có sơ sở pháp lý nên việc huy động và lồng ghép vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới chưa cao. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành có hướng chỉ đạo để việc lồng ghép được thuận lợi và có hiệu quả trong thời gian tới.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường:

Việc lồng ghép các chương trình dự án vào chương trình nông thôn mới được Chính phủ và tỉnh quan tâm ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình, cụ thể:

1. Tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định phải đa dạng hóa các nguồn vốn để triển khai thực hiện:

- Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm: Chương trình giảm nghèo; chương trình quốc gia về việc làm; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình 135; hỗ trợ đầu tư trụ sở xã; đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học; kiên cố hóa kênh mương; phát triển đường giao thông nông thôn; phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, làng nghề…; vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của chương trình, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ.

- Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình.

- Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ngân sách Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật;

- Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể, do HĐND xã thông qua;

- Các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các dự án đầu tư;

- Huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác.

2. Ở tỉnh cũng đã khẳng định phải huy động (lồng ghép) các nguồn vốn để thực hiện chương trình nông thôn mới tại Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 28/9/2012. Tại các cuộc họp Ban chỉ đạo chương trình, giao ban với các địa phương, tỉnh cũng đã triển khai việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chương trình. Qua quá trình thực hiện việc lồng ghép cho thấy việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực góp phần cải thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới để hoàn thanh các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt việc lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện chương trình. 

Câu hỏi của bạn Phan Thanh Xuân, Khu 7, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy: Tỉnh có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa không? Nếu có xin cho biết cụ thể.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Công tác dồn điền, đổi thửa ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện cách đây 10 năm. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện khá tốt chủ trương dồn điền, đổi thửa. Việc dồn điền, đổi thửa đã gắn với kiến thiết đồng ruộng, xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng.

Trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa trung bình một hộ gia đình có từ 4 đến 9 thửa đất với diện tích nhỏ, manh mún nên việc sản xuất của người dân rất khó khăn và hiệu quả thấp. Sau khi thực hiện hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa bình quân hộ gia đình chỉ còn 2 đến 4 thửa đất, thuận tiện cho sản xuất. 

Tuy vậy, quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình vẫn còn nhỏ nên khó khăn trong tổ chức sản xuất. Hiện nay tỉnh không có chính sách hỗ trợ nhưng khuyến khích và tạo điều kiện để người dân thực hiện dồn điền, đổi thửa; tập trung ruộng đất theo quy định của pháp luật để tổ chức sản xuất, sử dụng đất hiệu quả hơn./. 

Câu hỏi của bạn Trần Trọng Hướng, Khoa Lý luận Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Trường chính trị Nguyễn Chí Thanh: Xin chào ông, xin hỏi ông 2 câu hỏi sau đây:

- Tỉnh có các chính sách gì mới để tập trung các nguồn lực nhằm tăng cường phát triển sản xuất, an sinh xã hội để giữ vững các tiêu chí trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

- Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã tính đến các giá trị văn hóa, không gian văn hóa, thiết chế văn hóa vật thể và phi vật thể chưa? Hiện nay một số nhà Gươl được bê tông hóa có phù hợp không? nhiều nhà đang xuống cấp cách xử lý thế nào? Xin cám ơn ông.

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính:

Về vấn đề thứ nhất, hiện nay để hỗ trợ các địa phương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND đã có chính sách hỗ trợ đầu tư tại Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 28/9/2012, hỗ trợ phát triển sản xuất tại Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND ngày 24/10/2014.

Bên cạnh đó Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư tùy theo các ngành, lĩnh vực kinh doanh cụ thể. UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vấn đề thứ hai, tôi xin trả lời như sau:

1. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã tính đến các giá trị văn hóa, không gian văn hóa, thiết chế văn hóa vật thể và phi vật thể chưa ?

   - Trả lời: Có.

   Trong thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn toàn tỉnh. Phong trào đã phát triển mạnh mẽ và được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hưởng ứng tham gia. Qua đó đã giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn ngày một phong phú.

Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chương trình ký kết với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban dân tộc tỉnh để phát triển và bảo tồn văn hoá vùng đồng bào dân tộc như: Chương trình “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá - thông tin ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số”, Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số - miền núi giai đoạn 2011-2015”. Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, ngành Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội nông dân Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về phát triển văn hóa nông thôn… Tất cả các chương trình phối hợp đều được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở.

Trong xây dựng đời sống văn hóa nông thôn đã cụ thể hóa Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2015, định huớng đến năm 2020”, Chiến lược phát triển Văn hoá tỉnh Thừa Thiên Huế, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế…

Qua thời gian triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hoá nông thôn trên địa bàn Thừa Thiên Huế cơ bản đã kế thừa những kết quả, thành tựu đã đạt được của phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, kết hợp giữa xây dựng những giá trị văn hoá mới với việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, các giá trị văn hoá Huế. Nâng cao được nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hoá của người dân ở nông thôn. Huy động và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao ở cơ sở.

2. Về số nhà Gươl xây dựng bằng chất liệu bê tông hiện có đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thiết chế văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh. Tuy nhiên một số nơi khi xây dựng đã không tham khảo ý kiến rộng rãi, đặc biệt là người dân bản địa nên không đáp ứng nhu cầu về vị trí, chất liệu mà người dân địa phương mong muốn. Về vấn đề này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời có ý kiến để các cấp, các ngành và địa phương xử lý. Trong công tác bảo tồn văn hóa vật thể là nhà Gươl truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, huyện A Lưới và Nam Đông đã và đang xây dựng đề án bảo tồn.

3. Về việc xử lý nhà Gươl xuống cấp, cần có những giải pháp sau:

- Đầu tư kinh phí sửa chữa, bổ sung trang thiết bị hoạt động.

- Kiện toàn Ban quản lý hoặc Ban chủ nhiệm để quản lý, tổ chức hoạt động tại nhà văn hóa thôn, bản.

- Khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở theo chất liệu, kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện tốt và phổ biến sâu rộng các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới, gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng làng, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Từng bước hoàn thiện hệ thống các công trình văn hóa, thể thao trên địa bàn xã, nhất là Trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa làng (thôn, bản).

- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn. 

Tiếp theo là câu hỏi của UBND huyện Phú Vang:

1. Các xã gặp khó khăn trong việc đối ứng nguồn vốn khi có dự án đưa về do cơ chế vốn theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 28/9/2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Quy định tạm thời cơ chế, chính sách  huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế  giai đoạn 2012-2015 có tỷ lệ vốn đối ứng của các xã còn cao so với năng lực tài chính của các địa phương.

2. Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND ngày 24/10/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quy định các hoạt động và định mức hỗ trợ để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014-2015 có định mức hỗ trợ thấp so với chi chí đầu tư để thực hiện các mô hình và việc quy định các hoạt động cũng chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện các mô hình của các hộ dân và địa phương. Lãnh đạo tỉnh có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn này cho huyện.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường về nội dung thứ nhất:

Xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành cơ chế chính sách, do đó việc huy động nội lực của cộng đồng và các nguồn lực khác trong xã hội là rất quan trọng. Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ngân sách (Trung ương, tỉnh) chỉ chiếm 40%.

Theo Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND, tỷ lệ nguồn lực huy động để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn là ngân sách trung ương, tỉnh đầu tư từ 60-90% (bình quân 85%) tổng mức đầu tư xây dựng công trình, ngân sách cấp huyện, xã, vận động nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác từ 10-40% (bình quân 15%) tùy theo địa bàn và loại công trình đầu tư. Do đó quy định tỷ lệ huy động như vậy là phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Về cơ chế huy động nguồn lực đã thể hiện rõ trong Điều 4, Quyết định số32/2012/QĐ-UBND (nguồn lực của cấp huyện, xã: Trích tối thiểu 20% phần ngân sách cấp huyện được hưởng từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; trích tối thiểu 80% phần để lại cho ngân sách xã từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã;  nhân dân đóng góp phần đất và tài sản trên đất (trừ nhà ở), ngày công, vật tư, tiền; …).

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang về nội dung thứ hai:

Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc quy định các hoạt động và định mức hỗ trợ để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014 - 2015 được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện hành của Nhà nước như Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông, Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Liên Bộ Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với hoạt động khuyến nông,... các nội dung hoạt động hỗ trợ quy định trong Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh được tổng hợp từ đề xuất của cơ sở.

Trước khi ban hành, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có văn bản lấy ý kiến tham gia của các địa phương. UBND tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp để các địa phương tham gia trực tiếp. Về mức hỗ trợ, nếu tính trên hộ gia đình: hộ nghèo, hộ cận nghèo hỗ trợ đến 80% chi phí, tối đa 12,0 triệu đồng/hộ; hộ khác 50% chi phí, tối đa 7,0 triệu đồng/hộ cũng không phải là thấp. Có mô hình không khống chế tối đa mà hỗ trợ theo Dự án như thực hành nông nghiệp tốt theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản,...

Quyết định này chỉ thực hiện trong 02 năm 2014 - 2015.

UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Đến nay đã hoàn thành dự thảo, đã lấy ý kiến tham gia của các sở ngành, địa phương và đang hoàn chỉnh để báo cáo UBND tỉnh.

 

 

Câu hỏi của bạn Hoàng Ngọc Phú, Quảng Điền: Thực hiện chương trình nông thôn mới, năm 2014, chúng tôi (người dân huyện Quảng Điền) được nhà nước hỗ trợ xi măng và một phần chi phí vật liệu để đầu tư xây dựng đường bê tông giao thông nông thôn với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, bà con đóng góp ngày công lao động để thi công làm đường. Chúng tôi nhận thấy đây là chủ trương rất đúng đắn của nhà nước, có hiệu quả, nhất là trong việc phát huy sức mạnh của cộng đồng và sự giám sát của người dân. Vậy xin được hỏi năm 2015 tỉnh có tiếp tục thực hiện chủ trương này không và khi nào chúng tôi được hỗ trợ xi măng để bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, liên xóm nhằm xây dựng chương trình nông thôn mới?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Chung Thành:

Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương và bê tông hóa giao thông nông thôn, thời gian qua tỉnh đã được trung ương cho vay ưu đãi để thực hiện đầu tư các công trình. Trên cơ sở nguồn vay từ trung ương, tỉnh đã hỗ trợ và cho các huyện vay để đầu tư các chương trình nói trên, trong đó tập trung cho chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn phục vụ nông thôn mới. Năm 2014 tỉnh đã cho các huyện vay 16 tỷ đồng để mua xi măng và vật liệu khác để đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương.

Năm 2015, trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu vay của trung ương và nhu cầu đầu tư của các huyện, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm, cho các huyện vay để mua xi măng, vật liệu cùng với sự đóng góp của nhân dân để bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn. Hiện nay, Sở Tài chính đã có văn bản trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh phê duyệt phân bổ kinh phí này cho các huyện, trong đó có huyện Quảng Điền. Dự kiến trong tháng 6 năm 2015, kinh phí này sẽ được phê duyệt để các huyện mua xi măng và cùng với nhân dân thực hiện đầu tư bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, liên xóm. 

Câu hỏi của UBND xã Vinh Thanh: Vinh Thanh là xã ven biển của huyện Phú Vang, vừa được UBND tỉnh thống nhất cho xây dựng đề án phát triển nông thôn mới vào tháng 3 năm 2015. Đề nghị các cấp lãnh đạo giải đáp 02 vấn đề sau, giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc này:

a) Có nhiều tiêu chí, UBND xã không thể xây dựng lộ trình thực hiện và hoàn thành khi mà nguồn lực thuộc thẩm quyền của các ngành khác, đó là:

- Về hệ thống điện: hệ thống trạm biến áp thiếu, nhiều tuyến đường và khu vực phát triển dân cư mới không được đầu tư, nhiều đường dây hạ áp xuống cấp không được nâng cấp đảm bảo kỹ thuật.

- Về tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia: Vinh Thanh có đường ống chính dẫn nước máy từ Chi nhánh Cấp nước Phú Bài đến xã năm 2005, nhưng đến nay việc triển khai rẽ nhánh đường ống nước chính, công ty cấp nước không quan tâm thực hiện, địa phương không biết đến bao giờ mới đạt được tiêu chí này.

b) Có nhiều tiêu chí, mức hỗ trợ của nhà nước quá thấp, địa phương không thể đầu tư như Nhà văn hóa và khu thể thao xã chưa đạt chuẩn: Ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng, phần còn lại là xã đối ứng nhưng nếu xã có nhu cầu đăng ký thực hiện thì năm nào được cấp vốn?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường:

- Ngày 11/3/2015 UBND tỉnh đã có Công văn số 1068/UBND-NN về việc lập quy hoạch và đề án xây dựng xã nông thôn mới trên cơ sở định hướng phát triển đô thị, trong đó bổ sung xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang vào danh sách các xã tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới có định hướng phát triển thành đô thị theo lộ trình xây dựng nông thôn mới gắn với định hướng phát triển đô thị. Do vậy UBND xã phải lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới trên cơ sở định hướng phát triển đô thị, trong quy hoạch sẽ đề xuất lộ trình thực hiện và nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

- Về hệ thống điện: Sau khi quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới xã Vinh Thanh được phê duyệt, căn cứ vào đề xuất các danh mục đầu tư về hệ thống điện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành có liên quan (Công thương, Kế hoạch và Đầu tư,…) làm việc với Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế để có lộ trình, phương án đầu tư hệ thống điện sinh hoạt cho địa phương.

- Về hệ thống cấp nước sinh hoạt: Hiện nay UBND tỉnh rất quan tâm đầu tư nước sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân, tuy nhiên do nguồn vốn khó khăn nên không thể đầu tư ngay cho tất cả các vùng mà phải thực hiện từng bước. Với xã Vinh Thanh sẽ được thực hiện theo Chương trình phát triển ngành nước Việt Nam vay vốn ADB vào thời gian năm 2016-2017.    

- Về tiêu chí nhà văn hóa: Hiện tại, Ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng để thực hiện đầu tư Nhà văn hóa trung tâm xã phần còn lại là huyện, xã đối ứng. Căn cứ vào quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới được duyệt, UBND xã sắp xếp nhu cầu đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Căn cứ nguồn vốn ngân sách cho chương trình hàng năm, nhu cầu đầu tư của các địa phương và lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới của xã, UBND tỉnh sẽ xem xét bố trí vốn thực hiện. Tuy nhiên vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, do đó đề nghị xã nên tập trung thực hiện trước các tiêu chí phục vụ sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

  

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email tktuyen70@gmail.com, UBND huyện Phú Vang: Khó khăn hiện nay của các xã xây dựng nông thôn mới là những tiêu chí cần nguồn kinh phí lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông… trong khi đó đóng góp từ việc huy động vốn từ người dân còn gặp nhiều khó khăn do mức sống của người dân còn thấp, nhất là các xã nghèo. Xin hỏi lãnh đạo tỉnh có giải pháp gì để tháo gỡ những vấn đề này?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính:

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhu cầu đầu tư để hoàn thành các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh còn rất lớn, trong khi khả năng huy động nguồn lực từ nhà nước cũng như nhân dân còn rất hạn chế, nhất là đối với những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Một trong những giải pháp đầu tiên, cơ bản và lâu dài là quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất và dịch vụ ở nông thôn, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để nâng cao hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đời sống kinh tế được nâng lên, thì người dân mới có điều kiện để tham gia đóng góp, hỗ trợ trở lại cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương một cách bền vững.

Giải pháp thứ hai là các ngành, các cấp địa phương cần tăng cường hơn nữa việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Ngoài nguồn lực từ ngân sách, cần xây dựng triển khai các chính sách khuyến khích thu hút, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, tuyên truyền kêu gọi người dân xa quê tham gia xây dựng nông thôn mới,...

Giải pháp thứ ba là sử dụng nguồn lực hợp lý. Đối với các tiêu chí liên quan đến hạ tầng từng xã, từng huyện cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chọn lựa những công trình, dự án cần thiết nhất với mục tiêu đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới ở mức tối thiểu. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch đầu tư theo thứ tự ưu tiên với nguồn lực có khả năng huy động được.

Cần nói thêm tại Quyết định 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, quy định: Chính quyền địa phương không quy định bắt buộc nhân dân đóng góp, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân bàn bạc mức tự nguyện đóng góp từng dự án, đề nghị Hội đồng nhân dân xã thông qua.

 

Câu hỏi của bạn Bùi Văn Long, Phú Mỹ, Phú Vang: Được biết hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có số ít xã có bãi rác theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn lại hầu hết các bãi rác chưa được xử lý, chôn lấp theo đúng quy trình kỹ thuật mà được chất thành đống rồi đốt theo phương thức thủ công gây ô nhiễm môi trường. Do đó việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường là rất khó khăn. Xin hỏi, tỉnh có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này? Đây cũng là quan tâm của bạn đọc có địa chỉ email: longhuynh261@gmail.com.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

- Trước hết hạn chế đốt thủ công chất thải rắn, xây dựng thêm một số bãi rác chôn lấp hợp vệ sinh như: Tứ Hạ (Hương Trà), Hồng Thượng (A Lưới), Quảng Lợi (Quảng Điền), Lộc Thủy (Phú Lộc), Hương Phú (Nam Đông)… cho các xã xa các bãi rác tập trung.

- Đối với những xã gần bãi rác lớn của tỉnh thực hiện mô hình thu gom có sẵn để vận chuyển về bãi rác tập trung của huyện, thị xã. Sau đó, sẽ được vận chuyển về các bãi xử lý rác lớn của tỉnh để xử lý theo công nghệ tiên tiến. Ví dụ như rác của 5 xã Ngũ Điền thuộc huyện Phong Điền đang được thu gom về một lò đốt rác theo công nghệ Việt Nam (đã vận hành thử) hoặc là một lò đốt rác của Công ty Actree sẽ đầu tư tại Thủy Phương, thị xã Hương Thủy đốt được tất cả các loại rác,…

- Hỗ trợ cho các địa phương mua thùng đựng rác, xuồng đựng rác chuyển đến các khu vực tập kết, sau đó rác được vận chuyển đến các bãi rác lớn để xử lý cho các xã liền vùng, liền khu vực.

Một giải pháp quan trọng là các địa phương phải tổ chức cho được các Tổ, Đội thu gom rác (mô hình này ở huyện Quảng Điền làm khá tốt). 

Câu hỏi của bạn Hồ Văn Hoàng, A Lưới: Xin chương trình cho biết lĩnh vực và đối tượng được ưu tiên vay vốn trong chính sách tín dụng xây dựng nông thôn mới?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Chung Thành:

Theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì:

a) Lĩnh vực cho vay vốn gồm:

- Cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp;

- Cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn;

- Cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn;

- Cho vay chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối;

- Cho vay để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thuỷ sản;

- Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn;

- Cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn;

- Cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.

b) Đối tượng cho vay là:

- Hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn;

- Cá nhân;

- Chủ trang trại;

- Các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn nông thôn;

- Các tổ chức và cá nhân cung ứng các dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và thuỷ sản;

- Các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp, có cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn.

Câu hỏi của bạn Nguyễn Hồng Vinh, Thành phố Huế: Để đạt chuẩn Nông thôn mới phải đạt tiêu chuẩn chợ nông thôn, vì vậy thời gian qua nhiều địa phương trong cả nước ồ ạt xây chợ mới ở cấp xã một cách khang trang, bề thế nhưng thật sự không phù hợp với tập quán và nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân nên chợ xây ra rồi bỏ không. Ở Thừa Thiên Huế cũng nhiều chợ xã trong tình trạng như vậy tại Quảng Điền, Phú Vang..., nhìn rất phản cảm và gây lãng phí trong đầu tư. Xin hỏi tỉnh có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013 điều chỉnh một số tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí chợ nông thôn đã được điều chỉnh lại là "Chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định". Có nghĩa là không nhất thiết xã nào cũng có chợ, chỉ những xã quy hoạch có chợ thì mới xây dựng chợ đạt chuẩn theo quy định.

Tại Thừa Thiên Huế trong 04 năm qua, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ ưu tiên tập trung hỗ trợ đầu tư chủ yếu cho các công trình hạ tầng kinh tế xã hội liên quan đến sản xuất dân sinh như: Đường giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa xã,... 

Về một số chợ xây dựng trong thời gian trước đây bằng các nguồn vốn của các chương trình khác nhau, trong đó có một số chợ hiệu quả sử dụng chưa cao thì cần rà soát đánh giá cụ thể. Đối với những chợ đã xây dựng theo quy hoạch phù hợp thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân chuyển từ chợ cũ sang chợ mới, từ họp chợ rải rác tập trung về chợ mới và có chính sách thu hút phù hợp. Trong trường hợp chợ không phù hợp quy hoạch thì cần tính toán chuyển mục đích sử dụng.

 

Câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Hiền, huyện Nam Đông: Xin cho biết ngoài cơ chế hỗ trợ đường giao thông nông thôn như hiện nay, tỉnh có cơ chế hỗ trợ đường nội thôn, nội đồng, ngõ xóm không?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường:

Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên cơ sở lồng ghép tất cả các nguồn lực đang được triển khai ở nông thôn, do đó cùng với các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh thì phải huy động tối đa nguồn lực của địa phương (huyện, xã) và các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã.

Hiện nay ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh tập trung hỗ trợ các đường giao thông như đường trục xã, đường trục thôn, đường trục chính nội đồng. Các đường ngõ xóm, nội thôn tỉnh sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ huyện được vay ngân sách và địa phương (huyện, xã) huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện (như ngân sách của địa phương, vận động sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp hỗ trợ…). 

Câu hỏi của bạn Văn Thị Hồng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền: Xây dựng nông thôn mới được xã tuyên truyền mạnh, song các đầu tư hạ tầng hỗ trợ sản xuất, ứng dụng các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã còn quá ít, chuyển biến đời sống kinh tế trong nông dân chưa rõ, các tiêu chí của xã còn quá thấp nên nhiều người dân băn khoăn về tính khả thi của chương trình. Ngoài ra, do quan điểm của Tỉnh là tập trung đầu tư cho các xã gần đạt chuẩn còn các xã nghèo khó đạt chuẩn như Quảng Thái thì đầu tư sau càng làm cho người dân băn khoăn hơn vì nghèo rồi mà lại không được ưu tiên đầu tư. Xin tỉnh làm rõ vấn đề này để tháo gỡ băn khoăn trong nhân dân?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính:

Trước hết phải xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không phải là Chương trình đầu tư của Nhà nước, mà xây dựng nông thôn mới trên cơ sở huy động hóa nguồn lực đầu tư, vận động toàn xã hội tham gia, trong đó người nông dân đóng vai trò chủ thể.

Về phía hỗ trợ từ Nhà nước nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn có sự lồng ghép của các chương trình, dự án khác trên địa bàn. Vì vậy việc lồng ghép trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện ở các cấp là hết sức quan trọng để đạt được các tiêu chí nông thôn mới.

Tuy nhiên, vì đây là Chương trình phát triển tổng thể kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, nên cần phải có thời gian, cũng như đảm bảo các điều kiện cần thiết, thì mới hoàn thành được.

Về quan điểm chỉ đạo: Trong điều kiện nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nhà nước còn hạn chế, điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, để thực hiện 19 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí quốc gia thì cần phải thực hiện tốt theo phương châm: Ưu tiên đầu tư vào các công trình phục vụ thiết thực cho sản xuất và dân sinh. Cụ thể là: đường giao thông nông thôn; hệ thống thủy lợi; hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập;...

Trong công tác chỉ đạo điều hành, tỉnh không có quan điểm đầu tư cho các xã gần đạt chuẩn, các xã nghèo khó đạt chuẩn như xã Quảng Thái thì đầu tư sau như bạn đặt vấn đề, mà ngược lại đối với các xã nghèo, vùng khó khăn thì cần phải quan tâm hơn, cần được rút ngắn khoảng cách trong quá trình phát triển giữa các vùng miền, giữa các xã với nhau, tạo cơ sở cho phát triển bền vững của cả tỉnh. 

Câu hỏi của bạn Hồ Văn Bảy, huyện A Lưới: Tiêu chí số 18 về xây dựng nông thôn mới có nội dung: “Cán bộ công chức xã đạt chuẩn theo quy định”, tỉnh có chủ trương, giải pháp như thế nào cho việc đầu tư đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã để đạt chuẩn? 

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Cán bộ xã đạt chuẩn được xét theo Quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển công chức xã, phường, thị trấn.

Về việc đào tạo cán bộ xã đạt chuẩn: Trước hết, xã phải rà soát cụ thể lực lượng cán bộ công chức của xã, đối chiếu theo Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012, để xác định từng vị trí, chức danh xem cần phải đào tạo bồi dưỡng cụ thể theo chuyên ngành, lĩnh vực phù hợp. Trên cơ sở kết quả rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, đăng ký với phòng, ban có liên quan của huyện, để cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng; cũng có thể liên hệ với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo, để cử cán bộ đi học, để từng bước hình thành đội ngũ công chức xã đạt chuẩn theo quy định.

Đối với Tỉnh, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 25/4/2013 về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã giai đoạn 2013-2015. Tính đến đến cuối năm 2014 đã có 1.765 lượt cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách xã tham gia đào tạo, bồi dưỡng, với tổng kinh phí 4.231 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia và ngân sách tỉnh. Năm 2015 theo kế hoạch sẽ đào tạo, bồi dưỡng cho 1.286 lượt người, với kinh phí 2.530 triệu đồng; Giai đoạn 2016-2020 dự kiến đào tạo, bồi dưỡng cho 2.450 lượt người, với kinh phí 5.170 triệu đồng.

Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ công chức xã học tập, đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn; nhưng trước hết mỗi cán bộ công chức phải tự mình phát huy nội lực, tự liên hệ học tập, bồi dưỡng để hoàn thiện, đảm bảo được chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Câu hỏi của bạn Ngô Minh Thọ, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền: Tôi thấy xã Quảng Phú vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng thực tế trên địa bàn xã có nhiều thôn đường giao thông nông thôn do làm từ  hơn 15 năm trước nên xuống cấp nhiều. Cho hỏi nhà nước có chính sách hỗ trợ cùng nhân dân sửa chữa, làm mới lại đường bê tông nông thôn nội đồng, ngõ xóm không?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường:

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số xã trong đó có xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tức là đã đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo mức tối thiểu của quy định chung tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đầu tư từ các chương trình dự án phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với các công trình đã đầu tư (bao gồm các công trình đã đầu tư trước đây và các công trình mới đầu tư) thì sẽ thường xuyên thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng theo quy định, các công trình xuống cấp (hư hỏng) thì sẽ được đầu tư nâng cấp theo các chương trình dự án phù hợp. 

Câu hỏi của UBND thị xã Hương Trà và UBND huyện Phú Lộc: Các năm qua việc thông báo vốn sự nghiệp phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn còn chậm không theo kịp thời vụ sản xuất. Kính đề nghị các ngành có hướng chỉ đạo tháo gỡ để sử dụng kịp theo thời vụ sản xuất đặc biệt là các mô hình trồng trọt, thủy sản. Đây cũng là quan tâm của bạn Bạch Văn Khai, huyện Phú Lộc.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Đúng là có chậm. Vấn đề này một mặt do một số huyện, thị xã lập kế hoạch chậm. Năm 2014, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị các địa phương chậm nhất là đến 30/10/2014 có văn bản đề xuất gửi Sở, nhưng có địa phương đến giữa tháng 12/2014 mới có. Do vậy, đến cuối tháng 12/2014, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn mới tổ chức được các buổi làm việc với các địa phương để rà soát, thống nhất. Việc đề xuất ban đầu của các địa phương lại phân tán, nhiều mô hình, thiếu tập trung.

Mặt khác, sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng có phần thiếu kịp thời.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị các địa phương, các sở, ngành cần quan tâm thực hiện đảm bảo thời gian. Cũng xin đề nghị các địa phương quan tâm trong báo cáo tiến độ triển khai và thực hiện mô hình.

Đối với các mô hình đã bố trí trong năm 2015, nhưng không triển khai được do đã trễ vụ, đề nghị các địa phương có thể xem xét đề xuất chuyển sang làm mô hình, nội dung khác phù hợp hoặc cuối năm làm thủ tục chuyển nguồn sang sử dụng vào năm 2016. 

Câu hỏi của bạn Trần Đức Long, Phú Vang: Đề nghị chương trình hướng dẫn một số nội dung chính về công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các công trình thực hiện vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Chung Thành:

Theo quy định hiện hành, các công trình sử dụng nguồn vốn xây dựng cơ bản hoặc vốn sự nghiệp mang tính chất xây dựng cơ bản đều phải quyết toán vốn hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành. Do đó, các công trình thực hiện vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc quyết toán vốn hàng năm và quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện như sau:

1. Quyết toán vốn đầu tư hàng năm

Thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Thông tư số 210/2010/TT-BTC ngày 20/12/2010 của Bộ Tài chính quy định việc quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm và Thông tư số 108/2008/TT-BTC về xử lý ngân sách cuối năm và lập báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm. Theo đó, kết thúc niên độ ngân sách, các chủ đầu tư thực hiện việc lập và gửi báo cáo quyết toán năm đến các cơ quan được phân cấp quản lý để tổ chức thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm.

2. Quyết toán dự án hoàn thành

- Đối với các công trình do Ban quản lý xã làm chủ đầu tư hoặc các công trình được cơ quan có thẩm quyền cấp trên giao Ban quản lý xã làm chủ đầu tư được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 28/2012/TT-BTC ngày 24/02/2012 của Bộ Tài chính quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn. Theo đó, khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng phải lập báo cáo quyết toán và được thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo đúng chế độ quy định về quản lý tài chính hiện hành.

Lưu ý: Quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành phải được niêm yết công khai tại Trụ sở UBND cấp xã và gửi cho các cơ quan: Chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước, Phòng tài chính Kế hoạch cấp huyện (nơi giao dịch) và Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

- Đối với các dự án (công trình khác) không được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách xã và không thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND xã thì thực hiện theo Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước. 

Câu hỏi của bạn đọc Phan Văn Sơn, thị xã Hương Trà: Đến khi nào thì tỉnh sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một Chương trình dài hạn, tuy nhiên theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới). Trên cơ sở đó, Thừa Thiên Huế cũng đề ra mục tiêu đạt tối thiểu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Sau năm 2020, sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng số xã còn lại. Mục tiêu của giai đoạn 2020 - 2030 sẽ được đặt ra trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2010 - 2020 và các dự báo về nguồn lực, các điều kiện liên quan thực hiện Chương trình.

Cần lưu ý rằng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay mới chỉ là bước khởi đầu, các tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu. Vì vậy, xã đã đạt chuẩn cần xây dựng kế hoạch nâng chất lượng các tiêu chí để các tiêu chí nông thôn mới đạt mức cao hơn, bền vững hơn. Vì vậy quá trình xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục và lâu dài nhằm phát triển nông thôn ngày càng giàu mạnh, văn minh...

Tham khảo: Xây dựng nông thôn mới thành công ở một số nước như Hàn Quốc nhanh nhất mất 26 năm, Nhật Bản 73 năm, Mỹ 96 năm, Anh 116 năm... 

Câu hỏi của bạn Bùi Minh Quốc, UBND huyện Phú Vang: Có ý kiến cho rằnghiện nay các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới còn đặt nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đến chỉ tiêu phát triển sản xuất tạo việc làm để nâng cao thu nhập cho người dân? Xin hỏi quan điểm và chỉ đạo của tỉnh về vấn đề này như thế nào?

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính:

Việc phản ánh nói trên là đúng thực tế

Một trong những tồn tại trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta trong thời gian qua là nhiều nơi còn nặng về tư duy dự án (kể cả trong nhận thức của một số cán bộ và nhân dân), vì vậy trong xây dựng và triển khai thực hiện còn nặng về lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng mà chưa thực sự chú trọng đến lĩnh vực phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được xác định: Bảo đảm xây dựng các tiêu chí nông thôn mới chất lượng và phát triển bền vững, lấy phát triển sản xuất làm gốc, lấy tiêu chí tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo vừa là mục tiêu vừa là động lực để đẩy mạnh thực hiện chương trình đi vào chiều sâu, có tính bền vững, xây dựng nông thôn mới trù phú - xanh sạch đẹp gắn liền với bản sắc truyền thống của nông thôn Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu cuối cùng của Chương trình là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới là phải làm cho đời sống kinh tế của người dân giàu có hơn, đời sống văn hóa lành mạnh và giữ gìn bản sắc dân tộc, chứ không phải xây dựng nông thôn mới chỉ với mục tiêu là làm điện, đường, trường, trạm,...

Nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Về cơ bản và lâu dài chỉ có phát triển sản xuất, trên cơ sở đời sống kinh tế được nâng lên, thì người dân mới có điều kiện để tham gia đóng góp, hỗ trợ trở lại cho Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương một cách bền vững.

Do vậy thời gian đến tỉnh sẽ quan tâm chỉ đạo và ưu tiên, lồng ghép nguồn lực để tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển dịch vụ nông thôn, đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân... trong thực hiện Chương trình.

 

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email: nongdanviet_tth@yahoo.comDo tham gia làm chuyên gia tư vấn cho một số dự án Phi Chính phủ về hỗ trợ năng lực cộng đồng ở những vùng nông thôn, tôi nhận thấy cái quan trọng nhất đối với nông dân là làm cho họ có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập để giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, nhưng thực tế ở những xã vùng sâu vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao, trong khi đây là tiêu chí quan trọng trong 19 tiêu chí Nông thôn mới. Cho hỏi tỉnh có giải pháp cụ thể gì cho vấn đề này?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Tiêu chí thu nhập và tiêu chí giảm hộ nghèo là những tiêu chí quan trọng nhất trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hai tiêu chí này vừa là mục tiêu vừa là động lực trong thực hiện Chương trình. Đồng thời cũng là hai tiêu chí khó nhất trong thực hiện, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Theo chuẩn đối với khu vực Bắc Miền Trung trong đó có Thừa Thiên Huế, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 và tỷ lệ nghèo đạt dưới 5%.

Để góp phần hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo, trong giai đoạn 2010 - 2015 tỉnh đã có nhiều chủ trương, kế hoạch và giải pháp để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân và đã đạt được kết quả đáng kể: Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn toàn tỉnh giảm từ 14,9% năm 2010 còn 6,64 % năm 2014.

Trong giai đoạn 2012 - 2015 riêng Chương trình Nông thôn mới đã bố trí 19.789 triệu đồng, xây dựng được 302 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ phát triển thương hiệu....

Ngoài ra Tỉnh và các huyện, thị đã bố trí một phần kinh phí sự nghiệp hỗ trợ cho người dân để triển khai sản xuất thử nghiệm nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát triển ngành nghề thủ công, truyền thống... có hiệu quả, phù hợp với điều kiện tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Một số mô hình bước đầu có hiệu quả cao và có thể nhân rộng như: Nuôi bò bán thâm canh, nuôi ong ở Nam Đông; phát triển cây chuối hàng hóa ở A Lưới; nuôi gà, lợn lót đệm sinh học, nuôi cá Hồng Mỹ, trồng rau sạch theo VietGap ở Quảng Điền; trồng cỏ nuôi bò, trồng tre lấy măng ở Phong Điền,... Chương trình cũng đã hỗ trợ xây dựng 02 nhãn hiệu hàng hóa: Gạo chất lượng Thủy Thanh và Rau má Quảng Thọ, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các cấp, ban, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất và dịch vụ nông thôn các địa phương, đặc biệt là ở các xã còn tiêu chí thu nhập và tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo chưa đạt.

Mặt khác, các địa phương phải quan tâm đến việc giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, tập trung vào vấn đề phát triển sản xuất hàng hóa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Giải pháp cụ thể:

- Rà soát phân loại đối tượng nghèo và trên cơ sở phân loại để có giải pháp hỗ trợ phù hợp như: Nghèo do thiếu đất sản xuất thì đào tạo nghề phi nông nghiệp cho người dân phù hợp với công việc hiện có tại địa phương; nghèo do thiếu vốn thì hỗ trợ đầu tư vốn, cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất...

- Hỗ trợ để người dân phát triển sản xuất nâng cao thu nhập từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, giảm nghèo bền vững bằng việc đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Đường vào khu sản xuất, giao thông nội đồng, tram bơm tưới tiêu, hồ đập, hệ thống thủy lợi...

- Tùy điều kiện tự nhiên và xã hội của từng xã để phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất phù hợp có hiệu quả như: Trồng cam, trồng chuối, trồng tre lấy măng, nuôi cá nước ngọt, nuôi trồng thủy sản, nuôi ong, nuôi bò sinh sản bán thâm canh, nuôi gà, ngang, chim cút....

- Hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm "bà đỡ" giúp xã viên tổ chức sản xuất và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại…

- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức thói quen trong sản xuất, tiêu dùng của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc.

Có thể nhận định rằng, các tiêu chí được cho là khó thực hiện ở các xã đang từng bước được tháo gỡ. Tuy nhiên, việc tháo gỡ hoàn toàn các tiêu chí khó cũng như việc hoàn thành ngay các tiêu chí cũng cần phải có thời gian do còn phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư; sự đồng lòng của người dân và sự tham gia hỗ trợ tích cực của toàn xã hội. 

Câu hỏi của bạn Nguyễn Hoài Phương, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền:Xin hỏi tại sao cũng là vùng nông thôn nhưng xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) không được quy hoạch xây dựng nông thôn mới, dẫn đến một số dự án đầu tư phát triển nông thôn ở đây không được triển khai, đặc biệt là hỗ trợ bê tông hóa đường thôn như một số xã khác trong huyện?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường:

Không phải xã Quảng Thành không được quy hoạch xây dựng nông thôn mới, vấn đề là ở chỗ làm sao chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Quảng Thành phù hợp với việc xây dựng thị trấn Thanh Hà trong tương lai, do đó UBND tỉnh đã có Công văn số 2991/UBND-NN ngày 22/7/2011 đồng ý chủ trương lồng ghép xây dựng quy hoạch chung thị trấn Thanh Hà (xã Quảng Thành) trong quá trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hiện nay quy hoạch này đã hoàn thành, đang lập các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quy hoạch này có thể hiện quy hoạch hệ thống đường giao thông của xã.

Thực tế trong các năm vừa qua, UBND tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình dự án (Giảm nghèo bền vững, vốn vay ưu đãi, dự án VIE/033,…) để triển khai một số dự án đầu tư phát triển nông thôn cụ thể như: đường Hậu Phường - Đạt Sét; đường Thủy Điền - Phú Lương A; đường An Thành - Thanh Phước; đường đập Mưng - Tây Thành - Phú Ngạn.      

Do chưa hoàn thành quy hoạch nên chưa có cơ sở để tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã. Do đó đề nghị cần phải sớm hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch. 

Câu hỏi của UBND thị xã Hương Trà: Đề nghị hướng dẫn thực hiện đánh giá tiêu chí điện theo Quyết định số 3192/QĐ-BCT ngày 03/4/2015 của Bộ Công thương vềban hành Phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về Điện nông thôn trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vì đa số hiện nay điện ở nông thôn do ngành điện trực tiếp quản lý.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Quyết định số 3192/QĐ-BCT ngày 03/4/2015 của Bộ Công Thương đã hướng dẫn cụ thể phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện. Nội dung quyết định bao gồm cả phần phụ lục gồm 16 trang, rất dài nên không thể tóm tắt để hướng dẫn trong buổi đối thoại này. Đề nghị UBND thị xã Hương Trà cũng như các địa phương khác nếu chưa rõ cần giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu để tham mưu cho UBND thị xã tổ chức đánh giá. Nếu có khó khăn hoặc chưa rõ cần tranh thủ hướng dẫn của Sở Công thương.

Khi tổ chức đánh giá tiêu chí này, UBND xã cần phối hợp với đơn vị quản lý, vận hành lưới điện cung cấp (Điện lực cấp huyện, Hợp tác xã điện...) cùng thực hiện việc đánh giá để bảo đảm tính chính xác các nội dung theo quy định. Phòng chuyên môn cấp huyện là đơn vị chịu trách nhiệm chính thẩm tra kết quả đánh tiêu chí số 4 của xã khi lập hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Câu hỏi của bạn đọc Trần Ngọc Nam, địa chỉ email:namcodo_huevn@gmail.com: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV, hết nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỉnh ta sẽ có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Quảng Điền và Nam Đông. Tuy nhiên đến nay mục tiêu đó sẽ không thể đạt được, thậm chí tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới của huyện điểm Quảng Điền còn thấp hơn so với huyện khác. Vậy cho hỏi đâu là nguyên nhân của tồn tại này? Liệu chúng ta có duy ý chí đề ra chỉ tiêu quá cao, không sát với thực tế?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, mục tiêu đến năm 2015 cả nước có 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020 có 50% xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Sau hơn 4 năm thực hiện đến nay trên bình diện chung Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả đáng kể, được xếp mức khá cao trên 63 tỉnh, thành toàn quốc.

Cụ thể:

Tính đến 31/12/2014:

- Số tiêu chí đạt bình quân: 14 tiêu chí/1 xã; xếp thứ 6 toàn quốc, cao hơn 4 tiêu chí so với bình quân cả nước (10 tiêu chí/xã); 

- Số xã đạt 19/19 tiêu chí: 9 xã, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%, (cả nước 8,8%)

- Số xã đạt 15 - 18 tiêu chí: 26 xã, tỷ lệ 27% (cả nước 14,5%)

- Toàn Tỉnh không còn xã dưới 07 tiêu chí (cả nước còn 945 xã, tỷ lệ 11%)

Theo kế hoạch cuối năm 2015, toàn tỉnh sẽ phấn đấu đạt bình quân 14,5 - 15 tiêu chí/xã và có tối thiểu 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 21,7% cao hơn mức phấn đấu bình quân cả nước là 20%.

Như vậy có thể thấy kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế bảo đảm đạt mục tiêu chung do Chính phủ đề ra.

Khi triển khai thực hiện Chương trình, theo chỉ đạo của Trung ương mỗi xã chọn 1 - 2 thôn, mỗi huyện chọn 1 - 2 xã và mỗi tỉnh chọn 1 đến 2 huyện chỉ đạo điểm.

Việc chọn 02 huyện Nam Đông và Quảng Điền để chỉ đạo điểm và phấn đấu thực hiện xuất phát từ mục đích: Lựa chọn 01 huyện vùng cao và 01 huyện đồng bằng để chỉ đạo, thực hiện. Từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện Chương trình ở những nơi khác ở giai đoạn sau hiệu quả hơn.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một Chương trình kinh tế xã hội mới, có tính tổng hợp, nhiều lĩnh vực và đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Trong giai đoạn 2010 - 2015, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nguồn lực hỗ trợ của trung ương rất thấp, nguồn lực của địa phương hạn chế; nguồn vốn ngân sách huyện và xã đầu tư vào chương trình không đáng kể, nhưng bằng nhiều giải pháp cụ thể, và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, huyện, xã và sự đồng thuận của người dân đến nay kết quả thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh nói chung và 02 huyện điểm là tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu chung Chính phủ đề ra (theo các chỉ số chung nói trên).

Về cụ thể, huyện Nam Đông được chọn là huyện miền núi có điểm xuất phát khá cao, năm 2010 bình quân đạt 10,3 tiêu chí; đến nay bình quân Nam Đông đã đạt 16,7 tiêu chí; có 5 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trong đó có 02 xã đã được UBND tỉnh quyết định công nhận, 03 xã đang lập thủ tục.

Huyện Quảng Điền là huyện vùng đồng bằng, có điểm xuất phát thấp. Năm 2010 khi bắt đầu thực hiện chương trình bình quân chỉ 7,4 tiêu chí/xã (cả tỉnh 8,5 tiêu chí) đến cuối năm 2014 đã đạt 14,2 tiêu chí/xã, tăng 6,8 tiêu chí, cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh (14 tiêu chí). Có 01 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu năm 2015 có thêm 2 - 3 xã đạt chuẩn. Kết quả này là một sự nỗ lực lớn của địa phương và là tiền đề để Quảng Điền thực hiện thành công Chương trình trong giai đoạn tới.

 

Câu hỏi của bạn đọc Lê Văn Anh, huyện A Lưới: Để đạt chuẩn Nông thôn mớitheo quy định là phải đạt 19 tiêu chí trong đó có tiêu chí về hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên đối với một số xã vùng cao A Lưới cơ cấu kinh tế nông nghiệp là vườn rừng thì có phải thực hiện tiên chí về hệ thống thủy lợi không?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Theo Điều 5 Thông tư số 41/2013/TT-BNN ngày 04/10/2013 về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã ðạt tiêu chí thủy lợi khi ðáp ứng ðủ 02 yêu cầu:

a) Đạt tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương theo quy định (trừ các vùng không áp dụng kiên cố hoá);

b) Có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh.

Giải thích từ ngữ:

a) Kiên cố hoá là gia cố kênh mương bằng các vật liệu (đá xây, gạch xây, bê tông, composite) để bảo đảm kênh mương hoạt động ổn định, bền vững. Trường hợp tưới tiêu bằng đường ống cố định cũng được coi là kiên cố hoá.

- Tỷ lệ kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá được tính bằng tỷ lệ % (phần trăm) giữa tổng số km kênh mương đã được kiên cố hoá so với tổng số km kênh mương cần được kiên cố hoá theo quy hoạch.

….

b) Hệ thống thủy lợi trong phạm vi xã, do xã quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Có hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng theo quy hoạch và thiết kế được duyệt, được bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên bảo đảm phát huy trên 80% năng lực thiết kế;

- Phục vụ sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; Tạo nguồn để cơ bản đáp ứng yêu cầu nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoạt động sản xuất phi nông nghiệp trên địa bàn;

- Có tổ chức (Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác) quản lý khai thác và bảo vệ công trình, đảm bảo kênh mương, cống, kè, đập, bờ bao được vận hành có hiệu quả bền vững, phục vụ cho sản xuất, dân sinh, được đa số người dân hưởng lợi đồng thuận.

Đối chiếu với quy định trên thì khi xem xét xã đạt chuẩn nông thôn mới của các xã thuộc huyện A Lưới vẫn xem xét về tiêu chí thủy lợi. Tuy nhiên là một huyện vùng núi nên khi xem xét có tính đến yếu tố đặc thù.

 

Câu hỏi của bạn Trần Văn Thanh, TP Huế: Tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất hoạt động có hiệu quả, tuy nhiên các sản phẩm của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất này chưa có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, chưa tạo được quan hệ liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh trong tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Tỉnh có giải pháp gì nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm và thị trường tiêu thụ, để người dân có thể làm giàu từ nông nghiệp?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân nói chung và của Hợp tác xã, tổ hợp tác xã nói riêng, trong thời gian qua Tỉnh đã và đang triển khai thực hiện các biện pháp như sau:

Về giải pháp chung

Chỉ đạo rà soát quy hoạch phát triển sản xuất của địa phương (xã, huyện). Trong đó xác định cho được cây, con chủ lực phù hợp điều kiện tự nhiên, xã hội và lợi thế của từng xã. Phù hợp với quy hoạch sản xuất của từng vùng, của huyện và của tỉnh.

Trên cơ sở xác định cây con chủ lực để tổ chức sản xuất hàng hóa, có chính sách hỗ trợ phù hợp, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá thương hiệu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp là tổ chức có vai trò quan trọng trong đại diện cho người dân thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Giải pháp cụ thể:

Hỗ trợ đầu tư cho các hợp tác xã, làng nghề mua sắm các trang thiết bị máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm (cụ thể đã đầu tư cho HTX Mây tre đan Bao La xã Quảng Phú, làng nghề nước mắm Tân Thanh xã Quảng Công, máy đánh bóng gạo HTX Phú Hồ, máy đóng gói trà rau má HTX Quảng Thọ…).

Hỗ trợ đầu tư xúc tiến thương mại bằng hình thức đưa sản phẩm tham gia hội chợ, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu (Nhãn hiệu Gạo chất lượng HTX Thủy Thanh 2…)

Đầu tư và chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác thực hiện xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VIETGAP để đưa hang hóa vào các siêu thị (như rau sạch Quảng Thành, lúa chất lượng cao ở các HTX Thủy Thanh, Phú Hồ…)

 

Câu hỏi của bạn đọc có địa chỉ email lvthien@gmail.com: Hôm nay tôi được biết có chương trình Đối thoại trực tuyến, cho tôi xin hỏi 2 vấn đề sau:

1. Theo tôi được biết việc huy động nguồn vốn đầu tư của địa phương cho chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, giải quyết vấn đề này như thế nào?

2. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xin hỏi tỉnh có chính sách và biện pháp gì để giữ chuẩn, nâng chuẩn đối với các xã đã đạt nông thôn mới, tránh tình trạng lại bị tụt hậu do thỏa mãn với đích đã đạt được?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Về vấn đề thứ nhất, đúng là một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhu cầu đầu tư để hoàn thành các tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh còn rất lớn, trong khi khả năng huy động nguồn lực từ nhà nước cũng như nhân dân còn rất hạn chế, nhất là đối với những xã nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Một trong những giải pháp đầu tiên, cơ bản và lâu dài là quan tâm hơn nữa phát triển sản xuất và dịch vụ ở nông thôn, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để nâng cao hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đời sống kinh tế được nâng lên, thì người dân mới có điều kiện để tham gia đóng góp, hỗ trợ trở lại cho Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương một cách bền vững.

Giải pháp thứ hai là các ngành, các cấp địa phương cần tăng cường hơn nữa việc lồng ghép các Chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Ngoài nguồn lực từ ngân sách, cần xây dựng triển khai các chính sách khuyến khích thu hút, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, tuyên truyền kêu gọi người dân xa quê tham gia xây dựng nông thôn mới,...

Giải pháp thứ ba là sử dụng nguồn lực hợp lý. Đối với các tiêu chí liên quan đến hạ tầng từng xã, từng huyện cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chọn lựa những công trình, dự án cần thiết nhất với mục tiêu đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới ở mức tối thiểu. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch đầu tư theo thứ tự ưu tiên với nguồn lực có khả năng huy động được.

Về vấn đề thứ hai - Biện pháp chính sách giữ vững đạt chuẩn đối với các xã đã đạt chuẩn.

Đúng như bạn đặt vấn đề, hiện nay ở tỉnh ta đã có 6 xã đạt chuẩn và được công nhận. Tuy nhiên như các bạn đã biết, phần lớn các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới hiện nay mới chỉ là bước khởi đầu, các tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu. Vì vậy,xã đã đạt chuẩn cần xây dựng kế hoạch nâng chất lượng các tiêu chí để các tiêu chí nông thôn mới đạt mức cao hơn, bền vững hơn.

Quá trình xây dựng nông thôn mới là một quá trình liên tục và lâu dài nhằm phát triển nông thôn ngày càng giàu mạnh, văn minh... nên không thể thỏa mãn với thành công ban đầu.

Về phía tỉnh quan điểm chỉ đạo là đối với các xã đã đạt chuẩn 19/19 cần xây dựng kế hoạch hàng năm và trung hạn về nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Trên cơ sở đó xem xét tiếp tục hỗ trợ để thực hiện, nhất là các tiêu chí về nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống văn hóa của dân cư nông thôn.

  

Câu hỏi của bạn Bạch Văn Khaihuyện Phú Lộc: Người dân rất mong đợi thực hiện cơ chế đặc thù theo Quyết định số 32 của UBND tỉnh, để nhân dân đóng góp công, của và tổ chức thực hiện kênh mương, đường ra vùng sản xuất, đường trục thôn, nhưng hiện nay chưa được tỉnh hỗ trợ xi măng. Đề nghị tỉnh có giải pháp, cho ý kiến.

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Chung Thành:

Thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và bê tông hóa giao thông nông thôn, thời gian qua tỉnh đã được Trung ương cho vay ưu đãi để thực hiện đầu tư các công trình. Trên cơ sở nguồn vay từ Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ và cho các huyện vay để đầu tư các chương trình nói trên, trong đó tập trung cho chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn phục vụ nông thôn mới.

Năm 2015, trên cơ sở phân bổ chỉ tiêu vay của Trung ương và nhu cầu đầu tư của các huyện, tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương cho các huyện vay để đầu tư các công trình giao thông, kênh mương. Hiện nay, Sở Tài chính đã có văn bản trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh phê duyệt phân bổ kinh phí này cho các huyện, trong đó có huyện Phú Lộc. Trên cơ sở đề nghị của huyện Phú Lộc và cân đối chỉ tiêu cho vay của Trung ương thì trong đợt này huyện Phú Lộc được phân bổ chỉ tiêu vay thực hiện các công trình giao thông chuyển tiếp từ năm 2014 chuyển sang.

 

Câu hỏi của bạn Hoàng Văn Giang, xã Lộc An, huyện Phú Lộc: Xã Lộc An đang xây dựng nông thôn mới nhưng các cơ sở vật chất văn hoá còn yếu, không có nhà văn hóa, cho tôi hỏi tỉnh có kế hoạch bố trí để xã làm Nhà văn hoá trung tâm xã trong năm 2015 không, nếu có thì lúc nào triển khai, nếu không thì vì sao lại không?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

 Trong điều kiện nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nhà nước còn hạn chế, trong lúc nhu cầu đầu tư cho toàn tỉnh còn rất lớn, việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các xã cần phải thực hiện tốt theo phương châm: Ưu tiên đầu tư vào các công trình, hạng mục phục vụ thiết thực cho sản xuất và dân sinh, trước mắt có ưu tiên cho các xã khó khăn, các xã gần về đích trong năm 2015. Đối với nhà văn hóa xã sẽ đầu tư khi phần lớn các tiêu chí khác đã hoàn thành, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa sẽ đầu tư cuối cùng.

Vì vậy đối với xã Lộc An sẽ được xem xét, bố trí kinh phí xây dựng nhà văn hóa trung tâm xã trong thời gian tới để đạt chuẩn xã nông thôn mới. 

Câu hỏi của bạn Nguyễn Thế Phương, học viên thạc sĩ trường ĐH Nông Lâm Huế: Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới áp dụng chung cho tất cả các vùng miền, trong khi điều kiện và nhu cầu hưởng thụ của mỗi vùng miền (đồng bằng và miền núi) hoàn toàn khác nhau. Vậy tỉnh có giải pháp gì cho vấn đề này này?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Xuất phát từ mục tiêu Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của mọi người dân vùng nông thôn nên hầu hết các tiêu chí Nông thôn mới đều được áp dụng chung cho tất cả các vùng miền (đồng bằng và miền núi). Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo điều hành việc áp dụng một số tiêu chí có tính chất đặc thù cần được vận dụng để bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế và hiệu quả đầu tư. Ví dụ như tiêu chí về Thủy lợi ở vùng núi khác với ở đồng bằng

Các tiêu chí  về an sinh như Thu nhập, Tỷ lệ hộ nghèo, Nhà ở ... ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn là các tiêu chí mà các địa phương gặp nhiều khó khăn. Vì vậy quan điểm của Trung ương và Tỉnh là tăng cường chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ cho các vùng miền này để đẩy nhanh việc thực hiện và hoàn thành các tiêu chí Nông thôn mới.

 

Câu hỏi của bạn Hoàng Long, thành phố Huế: Được biết trong các giải pháp để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ hỗ trợ một phần từ ngân sách Trung ương cho việc phát triển sản xuất và dịch vụ. Vậy tôi muốn hỏi rằng, tôi đang có dự định đầu tư xưởng sản xuất bàn ghế nội thất từ chế biến cây mây, vốn đầu tư 2 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn ở nông thôn tại thị xã Hương Trà thì tôi sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ cụ thể như thế nào? (Hiện nay vốn tự có của tôi chỉ 500 triệu đồng).

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 67/QĐ-UBND ngày 24/10/2014 về việc quy định các hoạt động và định mức hỗ trợ để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn các xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2014-2015. Theo quy định tại Điều 10:

 1. Về lĩnh vực bảo quản chế biến, ngành nghề nông thôn:

Được xem xét hỗ trợ chi phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động, cụ thể như sau:

- Ở các xã thuộc địa bàn khó khăn, huyện nghèo được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/mô hình;

- Ở các xã thuộc địa bàn trung du miền núi, xã bãi ngang hỗ trợ tối đa 75% chi phí, nhưng tối đa không quá 125 triệu đồng/mô hình;

- Ở các xã thuộc đồng bằng hỗ trợ tối đa 50%, nhưng không quá 75 triệu đồng/mô hình.

Điều kiện được hỗ trợ: Người sản xuất phải có phương án hoạt động (hoặc dự án đầu tư) được UBND huyện, thị xã phê duyệt. Trong đó nêu rõ năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng thêm nếu được đầu tư.

2. Về lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm:

a) Hỗ trợ 50% chi phí xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Tối đa không quá 35 triệu đồng/sản phẩm.

b) Hỗ trợ 50% chi phí lần đầu để giới thiệu, quảng bá và phát triển thương hiệu sản phẩm nông lâm sản và thủy sản, sản phẩm ngành nghề nông thôn, bao gồm: Mở trang Web, quảng bá trên phương tiện thông tin, mua, in bao bì, nhãn mác. Mức tối đa 20 triệu đồng/sản phẩm đối với hộ gia đình. 

Câu hỏi của bạn Lê Hoài Nam, thành phố Huế: Hiện nay, vẫn còn nhiều người chưa hiểu về mục tiêu, phương châm trong xây dựng nông thôn mới, vẫn đang còn trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, còn xem chương trình xây dựng nông thôn mới như các chương trình dự án đầu tư khác, được hỗ trợ 100% của nhà nước nên việc huy động nội lực của nhân dân để xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Hướng nào để giải quyết?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể lồng ghép, do người dân làm chủ thể, nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ. Biện pháp nhằm giúp người dân hiểu rõ về mục tiêu, phương châm của chương trình là:

- Tăng cường tuyên truyền về mục tiêu, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho cán bộ và người dân hiểu rõ để tham gia tích cực;

- Tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân để nâng cao nội lực của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, người dân chủ động và có khả năng tham gia xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

Bên cạnh đó cần xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, kêu gọi các người dân xa quê hương tham gia xây dựng nông thôn mới,...

Câu hỏi của bạn Cái Thị Liên, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc: Đề án xây dựng nông thôn mới nhằm làm cơ sở quản lý và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo hiệu quả, song đối với huyện Phú Lộc có 03 xã (Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh) đã được bổ sung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian đến nhưng lại chưa bố trí kinh phí để lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới. Cho hỏi lúc nào tỉnh sẽ bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ này?

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang:

UBND tỉnh đang giao cho Văn Phòng điều phối  chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn lập quy hoạch cho 12 xã mới bổ sung thực hiện theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có 03 xã (Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh). Dự kiến cuối năm 2015 sẽ bố trí kinh phí cho các xã.  Đề nghị huyện Phú Lộc chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai xây dựng quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới

 

 

Theo Thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 160