Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tết Đoan Ngọ ở làng quê xứ Huế
Ngày cập nhật 22/06/2015

(VHH) - Nhớ khi còn thơ bé, cứ đến ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch hằng năm là ông tôi - một nhà nho có tiếng ở làng lại sắm đồ về nhà để lễ. Ông tôi kể, theo sách xưa ghi thì Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. Đoan (mở đầu), Ngọ (giữa trưa), còn Dương (mặt trời) là khí dương. Tức là bắt đầu từ giữa trưa, lúc khí dương đang thịnh (mùng 5 tháng Năm âm lịch).

"Cũng có truyền thuyết của Trung Quốc, cách đây hơn 2.000 năm, tại nước Sở, có vị quan Tả phù là Khuất Nguyên (340 - 278 TCN) bị Sở Hoài Vương cách chức xuống làm thứ dân về quê sinh sống... Một ngày kia, Khuất Nguyên dậy sớm, ôm một hòn đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng Năm (âm lịch). Hôm ấy, người dân trong làng đem ghe ra cứu nhưng không được bèn làm bánh nếp có góc (bánh tro) ném xuống sông để tế...". Vì vậy mà không chỉ ở Việt Nam, mà cả Trung Quốc người dân cũng làm Tết Đoan Ngọ này - Ông tôi cho biết.

Mỗi năm vào ngày Tết Đoan Ngọ, ông tôi đều thực hiện vào chính giờ Ngọ. Mâm cỗ cúng gia tiên của người dân quê Xứ Huế dù đã được chuẩn bị tươm tất nhưng đều phải đợi đến chính Ngọ (12 giờ trưa) mới được thắp hương và cúng kính. Rồi đây cũng là thời điểm mà người quê xứ Huế tiến hành các nghi thức:

Nghi thức rửa mặt, nhỏ nước chanh

Để tiến hành nghi thức này, mỗi gia đình vùng quê xứ Huế đều dùng một chiếc chậu sạch, bên trong có nước sạch rồi bỏ vào đó ít lát chanh tươi, mang phơi nắng rồi chờ lúc chính Ngọ thì rửa mặt cho mọi thành viên trong gia đình bằng nước này. Sau đó ngẩng mặt lên phía mặt trời điểm một giọt nước chanh vào mắt, dù rát đến chảy nước mắt nhưng ai cũng vui vì tin rằng con người sẽ khỏe mạnh, mắt sẽ sáng và không bị các bệnh về mắt nữa.

Hái lá mùng 5

Vào giờ chính Ngọ, cư dân làng quê xứ Huế còn có phong tục đi hái lá mùng 5. Họ hái những loại lá lành tính (lá vẫn được người dân quen dùng thường ngày), mỗi thứ một ít mang về rửa sạch phơi khô để dùng làm thuốc, hay đun làm nước uống. Bởi họ tin rằng lá Mùng 5 sẽ chữa được "bách bệnh". Trên thực tế, những loại lá này thường được bán sẵn người chợ, đến giờ Ngọ người dân trong làng mua về với ý niệm chỉ để lấy may là chính.

Tôi còn nhớ như in vào thời thơ bé, trước Tết Đoan Ngọ, mạ sai tôi đi hái lá mùng Năm giữa trời nắng chang chang, rát bỏng từ đầu đến chân vì thời đó nghèo khổ không có dép, phải "chân đất đầu trần". Bây giờ ở làng quê xứ Huế vẫn còn giữ được những phong tục ấy trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Ba món ăn không thể thiếu

Tết Đoan Ngọ ở xứ Huế còn đặc sắc bởi các món ăn, là thức cúng gia tiên trong ngày tết này. Có ba món không thể thiếu, dù nhà giàu hay nhà nghèo, đó là: Thịt vịt, chè kê, bánh tráng nướng. Dịp Tết Đoan Ngọ, vịt được người dân quê Huế chế biến thành nhiều món, như bún măng vịt, vịt hon, cháo vịt... Nhưng phổ biến nhất vẫn là vịt luộc chấm nước mắm gừng ăn kèm rau sống (gồm quả vả, khế chua, chuối chát và rất nhiều rau thơm các loại). Sự kết hợp của món ăn này vô cùng hợp lí và hấp dẫn. Bởi vịt, theo Đông y có tính hàn , nên được dùng vào thời tiết nắng nóng là thích hợp, rồi khi chế biến, người nội trợ lại thêm một lần kết hợp “nóng lạnh“ nữa nên món ăn vịt luôc chấm nước mắm gừng không chỉ thơm ngon mà còn bổ dưỡng !

Chè kê cũng là thức cúng không thể thiếu được của người dân quê Xứ Huế. Hạt kê dùng để nấu chè mồng 5 phải được lựa chọn từ giống kê nếp - một loại kê có hạt mẩy và dẻo thơm khi được nấu chín. Hạt kê phải được làm sạch vỏ, ngâm nước ấm cho hạt nở đều rồi mới đồ cho đến lúc chín nhừ thì thêm đường cát hay đường phèn và gừng giã nhỏ, khi ăn mới có vị ngọt thanh hấp dẫn.

Ở Huế, trong món chè kê còn có một “phụ gia“ đi kèm, đó là đậu xanh được đãi sạch vỏ và đồ chín, làm tơi mịn rồi rải lên mặt mỗi chén chè. Vị béo ngậy của đậu xanh hòa quyện với vị ngọt dẻo của kê sẽ làm nên một món chè đặc sắc mà không phải “nơi mô” có được. Chè kê ở Huế được thưởng thức cùng bánh tráng mè đen nướng giòn. Dùng bánh đó xúc chè kê để ăn chứ không ăn bằng thìa hay đũa. Và lại một trải nghiệm thú vị nữa là được thưởng thức sự kết hợp của giòn, ngọt, dẻo, thơm trong món chè của Tết Đoan Ngọ ở xứ Huế.

Tết sui gia

Trong Tết Đoan Ngọ, người xứ Huế còn có một phong tục không kém phần đặc sắc đó là "Tết sui gia". Bởi người xứ Huế cho rằng "Sui gia là bà con Tiên". Gia đình nhà trai trong dịp này thường sắm lễ vật đến tặng nhà gái gồm trà, rượu... và không thể thiếu một cặp vịt. Thường thì nhà gái chỉ nhận một nửa, còn một nửa biếu lại nhà trai như là thể hiện sự chia ngọt sẻ bùi, kết nối tình thân giao thắm thiết.

Ngày nay, một số phong tục cổ truyền này ở xứ Huế tuy có bị mai một, có khi biến tướng nhưng những tập tục tốt đẹp trong ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được người dân quê lưu giữ như một nét đẹp văn hóa của đất Thần kinh, góp phần làm nên bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

BM (Theo Dân Việt)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 106