Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ - tạo hành lang pháp lý vững chắc trong việc thực thi pháp luật và thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc bản đồ
Ngày cập nhật 09/09/2015

Ngày 8/9, tại Trụ sở cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ về việc thông qua kế hoạch thực hiện và khung nội dung cơ bản Dự án Luật. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Nội vụ, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, Phó trưởng Ban soạn thảo cho biết: Đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản phải được đi trước một bước nhằm đảm bảo hạ tầng thông tin địa lý phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong nước, đáp ứng nhu cầu tham gia hợp tác để giải quyết các bài toán toàn cầu và khu vực về nghiên cứu khoa học trái đất, về giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và ban hành Nghị định số 12/2002/NĐ-CP, Nghị định 45/2015/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo cơ sở pháp lý thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, các chính sách quản lý của Nghị định đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Vì vậy, trong thời gian tới việc xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ là rất cần thiết và là yêu cầu cấp bách của thực tiễn khách quan.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đề nghị các thành viên Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập cần tập trung góp ý xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ thống nhất và bài bản để thời gian tới Luật thực sự trở thành hành lang pháp lý hữu hiệu trong quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

 

Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam

Báo cáo về Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ, ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Tổ trưởng Tổ biên tập nhấn mạnh những hạn chế, bất cập trong quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ mà cả hai Nghị định 12 và Nghị định 45 chưa thực sự giải quyết được. Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ hiện tại chưa phải là Luật nên chưa thể giải quyết được hết khó khăn khi thực hiện. Bên cạnh đó, một số hoạt động đo đạc và bản đồ được điều chỉnh theo các quy định nằm phân tán trong các luật chuyên ngành, như Luật Đất đai, Luật xây dựng, Luật Biển, Luật Biên giới quốc gia, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực thi pháp luật và không thực hiện được thống nhất quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. “Nghị định 12 và Nghị định 45 chưa hạn chế triệt để tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; chính sách phân cấp cho địa phương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ cơ bản chưa phù hợp, mang nặng tính bao cấp. Đồng thời, chính sách quản lý thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng chung và chia sẻ thông tin” – ông Phan Đức Hiếu chia sẻ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, mục tiêu xây dựng Luật nhằm tạo ra bước thay đổi mang tính đột phá toàn diện cho công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ thúc đẩy sự phát triển ngành đo đạc và bản đồ; nhằm cung cấp kịp thời các sản phẩm, thông tin, dữ liệu đo đạc bản đồ đảm bảo chất lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao dân trí.

Mục tiêu cơ bản của việc quản lý nhà nước các hoạt động đo đạc và bản đồ là đảm bảo chất lượng, sự thống nhất và đồng bộ của các sản phẩm đo đạc bản đồ, đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu sử dụng; tránh việc đo đạc chồng chéo gây ra những tốn kém, lãng phí…

Về nội dung, Luật Đo đạc và Bản đồ thể chế hóa những khía cạnh cần thiết như: quản lý thống nhất các hoạt động đo đạc và bản đồ, trong đó nội dung “Thành lập và chỉnh lý hệ thống bản đồ địa chính” đề nghị chuyển vào nội hàm của hoạt động đo đạc bản đồ; chính sách quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ; chính sách quản lý thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ; chính sách về xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia…

 

Toàn cảnh cuộc họp

Cũng tại cuộc họp, đại diện các Bộ, Ban, ngành là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tập trung chia sẻ, thảo luận, và có những ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến sự cần thiết và quan điểm xây dựng Luật Đo đạc và Bản đồ; vấn đề về sự chồng chéo và chưa có nhiều đột phá trong cấu trúc đề cương; vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện bản đồ chuyên ngành và bản đồ cơ bản…

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của đại diện các Bộ, Ban, ngành. Trên cơ sở những kiến nghị đó, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần phân tích chi tiết các vấn đề cần làm rõ, bổ sung quy định trong Dự thảo Luật, từ đó cân nhắc phạm vi điều chỉnh. Dự kiến, Ban soạn thảo và Tổ biên tập sẽ tiếp tục làm việc để xin ý kiến về Dự thảo Luật và dự thảo Nghị định của Chính phủ vào tháng 12/2015.

Thủy Nguyễn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 302