Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây chùm ngây phù hợp trên địa bàn thành phố Huế
Ngày cập nhật 02/11/2017

Ở Việt Nam, cây chùm ngây đang được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, nhiều bà con đưa vào trồng, nhằm phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, những nghiên cứu và phát triển sản xuất cây chùm ngây ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực miền Trung còn rất hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cây chùm ngây phù hợp với điều kiện canh tác của từng chân đất ở thành phố Huế theo hướng sản xuất rau chùm ngây hữu cơ là vấn đề hết sức cần thiết. Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nông Lâm Huế đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng cây chùm ngây phù hợp trên địa bàn thành phố Huế”, từ đó hoàn thiện được quy trình sản xuất cây chùm ngây làm rau sạch có hàm lượng dinh dưỡng cao và nhân rộng mô hình trồng cây chùm ngây trên địa bàn thành phố Huế.

Kết quả đạt được
 
Hiện nay ở Thừa Thiên Huế có một số điểm trồng cây chùm ngây là ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang), Tuần (thị xã Hương Thủy), Trường Đại học Nông lâm Huế và thôn Hòa Cát (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà). Bước đầu cho thấy cây chùm ngây phát triển tốt và thích nghi với điều kiện thời tiết và đất đai. Kết quả trồng ở các điểm trên cho thấy cây chùm ngây sinh trưởng phát triển tốt và sau trồng 3-3,5 tháng có thể thu hoạch và cứ 15-20 ngày thu hoạch một lần. Giá bán trên thị trường ở Thừa Thiên Huế dao động từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg, trong khi ở một số tỉnh khác trong nước giá bán lên đến 60.000-100.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, một số người dân chỉ trồng nhiều tại vườn nhà hoặc trồng trong chậu trên sân thượng và sử dụng như là một loại rau ăn lá, chưa có công trình nghiên cứu về cây chùm ngây nào được công bố chính thức tại Việt Nam cũng như ở miền Trung, đặc biệt là ở Thừa Thiên Huế.
 
Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Nông Lâm Huế đã bước đầu nghiên cứu nhân giống và trồng cây chùm ngây tại khuôn viên của trường, kết quả cho thấy phương pháp nhân giống bằng hạt và trồng cây chùm ngây rất phù hợp ở thành phố Huế, nhất là vào mùa nắng ở cây phát triển rất tốt có thể xem như lá loại rau trái vụ. 
 
Chùm ngây là loài cây thân gỗ, cây sinh trưởng nhanh, có khả năng tái sinh chồi và quả có nhiều hạt, 8 tháng tuổi bắt đầu cho hoa; thời gian ra hoa từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm; quả chín vào tháng 4,5. Quả hạch, có 3 cạnh dài 35-55cm, hạt có cánh mỏng bao quanh, chứa dầu, thích hợp với nhiều loại đất từ chua nhẹ đến trung tính, sinh trưởng tốt nhất trên đất pha cát, có thể chịu được đất sét. Chùm ngây ưa ánh sáng đầy đủ, có khả năng chịu khô hạn tốt. Sinh trưởng tốt nhất ở độ cao 600m đến dưới 1.000m, biên độ nhiệt từ 25-40oC.
 
Tất cả các bộ phận của cây đều sử dụng được tùy mục đích khác nhau như làm rau, làm thuốc, mỹ phẩm. Ở Việt Nam thường dùng lá chùm ngây như một loại rau dinh dưỡng nên được trồng nhiều tại vườn nhà. Chùm ngây có thể ăn sống được như một vài loại rau ăn lá, cũng có thể xay sinh tố, nấu canh giống canh rau ngót. Giá trị dinh dưỡng cao nên thường được sử dụng cho mọi đối tượng từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi như một loại rau giúp phục hồi cơ thể rất nhanh. Hiện nay, cây chùm ngây đang được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, nhiều bà con đưa vào trồng nhằm phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Xuất phát từ vấn đề trên, các đặc điểm của cây chùm ngây cũng như khả năng sinh trưởng phát triển cho thấy cây chùm ngây hoàn toàn phù hợp với điện kiện sinh thái của thành phố Huế cũng như Thừa Thiên Huế.
 
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm nghiên cứu đã tổ chức khảo sát tình hình sản xuất và tiêu thụ cây rau chùm ngây ở thành phố Huế bằng phiếu điều tra với bảng hỏi các vườn đã trồng cây chùm ngây ở địa bàn Thừa Thiên Huế để đánh giá và bổ sung ưu nhược điểm hoàn thiện quy trình và mô hình sản xuất cây giống và trồng cây chùm ngây; khảo sát người dân về tiêu thụ và sử dụng sản phẩm rau chùm ngây từ đó đánh giá được nhu cầu của thị trường nhằm xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm rau chùm ngây bền vững. 
Địa điểm để tiến hành làm mô hình là HTX Nông nghiệp Thủy Biều, Thủy Xuân và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Huế. Lý do chọn 3 địa điểm trên là ở Thủy Biều đại diện cho chân đất tốt (đất phù sa), ở Thủy Xuân đại diện cho chân đất xấu (đất cát pha) và HTX nông nghiệp Kim Long đại diện cho đất phù sa ít được bồi. 
 
Hạt giống được sử dụng nguồn giống hạt chùm ngây từ Trung tâm giống cây trồng Eakmat, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đạt chất lượng với tỷ lệ nảy mầm trên 90%. Mô hình vườn ươm được thực hiện tại Trường Đại học Nông lâm Huế. Quy trình sử dụng được thực hiện theo mô hình sản xuất cây chùm ngây theo hướng hữu cơ và sử dụng phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma (kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Nông lâm Huế đã được thương mại hoá với tên thương mại là MK7, sản phẩm đã được thương mại hóa của Trường Đại học Nông lâm Huế với Công ty Cổ phần Bình Điền MeKong).
 
Quy trình nhân giống và trồng cây chùm ngây
 
Kỹ thuật gieo ươm cây chùm ngây
 
Chuẩn bị bầu ươm: Sử dụng bầu ươm bằng bao nylon trắng có đục lỗ để thoát nước, kích thước 11 x 20cm. Thành phần giá thể ươm: 70% đất pha cát + 20% xơ dừa hoặc trấu mục + 10% phân hữu cơ hoặc phân hữu cơ vi sinh (Bokashi-Trichoderma). Cần bổ sung 20% xơ dừa và 10% phân hữu cơ sinh sinh Bokashi-Trichoderma vào bầu ươm là điểm khác biệt để tạo độ thông thoáng và thoát nước tốt ở giai đoạn ươm. 
 
Ngâm hạt giống: Ngâm hạt giống trong nước ấm (2 sôi + 3 lạnh) trong khoảng thời gian 12 giờ, vớt hạt ra cho vào trong tấm vải bao kín (vải thoát được nước), đặt vào chỗ tối, ấm để hạt nảy mầm. Hằng ngày tưới thêm nước vào để giữ ẩm. Sau vài ba ngày hạt giống sẽ nảy mầm đem hạt ra trồng. Sử dụng cành giâm hom cành bánh tẻ từ cây chùm ngây 6-1 năm tuổi, cắt cành hom dài 30-40cm và ươm vào bầu như mô tả ở trên. Cành hom được xử lý với sản phẩm sinh học Pseudomonas.
 
Trồng hạt vào bầu: Dùng ngón tay ấn vào giữa bao sâu bằng 1 đốt ngón tay, cho hạt vào, lấp đất lại, tưới nước vừa phải, để trong mát. Tưới nước hàng ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Sau 04-07 ngày hạt mọc lên, tiếp tục tưới nước hằng ngày và cắm 1 que tre cao 5 tấc cạnh cây chùm ngây con, cột dây (mục đích giữ cho cây không bị ngã trong quá trình tưới). Cây giống phát triển rất nhanh, đưa ra có nắng để thân cây bắt đầu hóa nâu sau 1 tháng cây cao tầm khoảng 25-30cm, rễ ăn đầy bầu thì có thể mang ra đất trồng. Ươm cành giống vào bầu, cắm xuống bầu sâu 15-20cm và xiên 1 góc 30o. Tưới nước giữ ẩm, che bóng và theo dõi tỷ lệ bầu sống (%), chiều dài cành và số lượng rễ/hom. 
 
Kỹ thuật trồng cây chùm ngây
 
Thời vụ trồng: Cây chùm ngây có thể trồng quanh năm vì cây chịu hạn rất tốt. Ở những vùng thiếu nước thì nên trồng vào đầu mùa mưa tháng 9-10 và cuối mùa mưa tháng 4-5 (năm sau), cần bố trí trồng ở 2 thời vụ tháng 9-10 và tháng 4-5 để đánh giá khả năng thích nghi và phù hợp với điều kiện thành phố Huế. 
 
Đất đai: Đất cần phải được cày bừa kỹ trong mùa nắng, phơi đất, trừ cỏ dại. Cày bừa, làm cỏ không kỹ sau này chi phí diệt cỏ sẽ rất cao, cỏ nguy hiểm trên đất là: các loài cỏ dại, sâu rầy.
 
Mật độ và kỹ thuật trồng: Mật độ 1 x 1,2m (cây cách cây 1m, hàng cách hàng 1,2m). Đào hố theo quy cách: 30 x 30 x 30cm. Cho phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai đã được khử bệnh vào hố. Trung bình cho 2-3kg phân hữu cơ vi sinh (Bokashi-Trichoderma) xuống hố rồi lấp đất lên trên. Dùng cuốc xới đều dưới hố, xé túi bầu đặt cây ngay trung tâm hố, cây phải thẳng đứng, lấp hố ép đất xung quanh. Lấp theo hình nón úp đề cây không bị úng nước về mùa mưa. Tưới nước, giữ ẩm 2-3 tuần cây sẽ sống khỏe.
 
Chăm sóc: Bón phân: Bón lót 2-3kg phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma (2kg đối với chân đất phù sa và 3kg đối với đất cát pha). Bón thúc: đào rãnh xung quanh gốc cây, sâu 15-20cm, rộng 20-25cm, bón phân 2kg cho đất phù sai và 3kg cho đất cát pha xuống rồi lấp đất và tưới nước. Tưới nước: Chủ yếu tiến hành tưới vào mùa nắng. Làm cỏ: Kết hợp bón thúc phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma với làm cỏ thủ công và không sử dụng thuốc trừ cỏ. Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi sâu bệnh hại theo định kỳ 15ngày/lần và đánh giá bằng tỷ lệ bệnh (%) và chỉ số bệnh (%). 
 
Thu hoạch lá: Khi cây cao được 1,2-1,5m thì cắt ngang chừa lại 0,8-1,0m. Từ chỗ cắt cây sẽ đâm nhiều tược, khi tược cao lại cắt ngang chừa lại 1 tấc, cây sẽ đâm tược chỗ cắt 1 tấc theo cấp số nhân, sẽ thu hoạch được lượng rau nhiều. Chu kỳ thu hoạch lá thường 15-20 ngày/1 lần. Sau 3-3,5 tháng tuổi là thời gian bắt đầu thu hoạch chính, trung bình cây đã có thể cho 0,6kg lá tươi/cây/tháng.
 
Thị trường tiêu thụ sản phẩm 
 
Có thể thấy rằng, dự án đã xây dựng được quy trình nhân giống và trồng cây chùm ngây với 3 mô hình trồng quy mô 500m2/mô hình, 1 mô hình vườn ươm với quy mô 1.000 cây với sự tham gia của nông dân. Đã xây dựng phóng sự quy trình nhân giống và trồng cây chùm ngây, bước đầu xây dựng được kênh tiêu thụ sản phẩm rau chùm ngây thông qua Cửa hàng thực phẩm truyền thống, chợ và bán tại vườn. Đã nhân rộng được các mô hình và nhiều nông dân quan tâm mua cây giống về trồng.
 
Nhóm thực hiện và Ban chủ nhiệm các hợp tác xã thống nhất để chọn hộ nông dân tham gia xây dựng mô hình là các nông dân tiêu biểu, nhiệt tình đam mê khoa học kỹ thuật và ham học hỏi chia sẻ kinh nghiệm với các nông dân khác. Từ đó bước đầu xây dựng kênh tiêu thụ thông qua cửa hàng “Thực phẩm truyền thống” và cửa hàng “Hữu cơ”. Tuy nhiên, sản phẩm có lúc chưa đủ cung cho cửa hàng và các kênh tiêu thụ như chợ, chưa tiếp thị vào siêu thị và bán tại vườn. Dự án cũng đã đánh giá được hiệu quả kinh tế của cây rau chùm ngây khi tiêu thụ, tính lợi nhuận đạt 10,95-35,86 triệu đồng/ha.
 
Hiện nay các mô hình vẫn được duy trì và tiếp tục phát triển, các hộ dân được tham gia tập huấn điều chủ động mua cây giống về trồng để nhân rộng và phát triển cây chùm ngây ở hộ gia đình. Từ các phóng sự về cây chùm ngây của dự án đã giúp nhiều người không những ở thành phố Huế và nhiều vùng miền phát triển cây chùm ngây. 
 
Việc xây dựng các mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cây chùm ngây phù hợp với điều kiện canh tác của từng chân đất ở thành phố Huế theo hướng sản xuất rau chùm ngây hữu cơ là vấn đề hết sức cần thiết. Kết quả của dự án đã góp phần vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, nâng cao dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng, góp phần tạo công ăn việc làm và đồng thời mang lại hiệu quả cao trong kinh tế và chất lượng đời sống của người dân thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Minh An
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 17