Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG CỦA ĐỒNG BÀO MIỀN TÂY THỪA THIÊN
Ngày cập nhật 31/07/2018

Cách đây 60 năm, vào năm 1958 có 01 sự kiện hết sức quan trọng đã diễn ra tại làng A Đeeng Pâr Ruung sát với huyện Sá Muội tỉnh Sa La Van, Lào, mà hiện nay sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị lý luận, giá trị thực tiễn, giá trị lịch sử và vẫn mang tính thời sự sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay… Trong trí nhớ còn sót lại của những người phục vụ và chủ trì tại hội nghị Diên Hồng, chúng tôi vẫn thu thập được những nội dung quan trọng của sự kiện hội nghị Diên Hồng.

Ông Lê Hồng Mạch – Bảo vệ Hội nghị năm ấy xúc động nhớ lại:  "Sau khi Mỹ - Diệm phá hủy Hiệp định Giơnevơ năm 1954, chúng đã khủng bố phong trào đấu tranh của quần chúng một cách dã man, đánh phá miền núi nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam, Mỹ ngụy tiến hành xây dựng đồn bốt công sự kiên cố đóng quân ở A Lưới, A Co, A So…để kìm kẹp đồng bào các dân tộc A Lưới, chúng bắt dân làm tay sai, nếu ai không làm chúng tra tấn dã man, A Lưới từ một vùng núi bình yên nay đã thành chiến trường ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Lúc này cách mạng miền Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, lực lượng cách mạng tổn thất nặng nề"

Trước tình hình đầy ác liệt như vậy, đồng bào Thừa Thiên rất bức xúc, khát khao được tự do, thống nhất nước nhà. Được sự cho phép của Tỉnh ủy, đầu năm 1958, Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên đã khẩn trương chuẩn bị nội dung, địa điểm để tổ chức Hội nghị Diên Hồng và làng A Đeeng Pâr Ruung xã Phong Sơn (giáp với nước bạn Lào) là nơi được chọn tổ chức hội nghị.

Tuy không nhớ ngày diễn ra hội nghị nhưng các nhân chứng sống nhớ rất rõ tháng 7 năm 1958 Hội nghị Diên Hồng diễn ra, lấy chủ đề “Thương dân, yêu nước đứng lên làm cách mạng”, diễn ra trong thời gian 1 tuần, có 150 già làng của các dân tộc miền Tây Thừa Thiên tham dự. Chủ trì là làng A Đeeng Pâr Ruung, do ông Võ Phieng làm trưởng làng, có sự tham dự chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên đồng chí Ăm Meo, thư ký hội nghị là đồng chí Hồ Ngọc Mỹ. Khi diễn ra hội nghị cấm người dân từ Lào, nhân dân các bản không được vào làng, được canh gác nghiêm ngặt, nhất là địch, vì vậy hội nghị diễn ra phải bí mật.

Ông Cu Rải – Cán bộ Thanh niên được cử làm bảo vệ Hội nghị Diên Hồng năm 1958 cho biết: "Bản thân tôi là bảo vệ, có nhiệm vụ, nếu 03 đồn của Địch mà lên thì báo nhanh – thứ nhất, thứ hai là cấm không cho lên nữa. Tôi phụ trách chung bên tổ liên lạc bảo vệ để làm sao bảo vệ hội nghị thành công. Bảo vệ cả nhân dân, muốn vào cũng không vào được,  cấm vào làng, đi đâu thì có đường rẽ, đường ngoài làng". 

Là cán bộ Bí mật của Đảng ủy miền Tây, Ông Quỳnh Rêh cũng được giao làm nhiệm vụ canh gác, ông chia sẻ: "tôi là gác ở dưới Tu Muôi (Sá Muội - Lào) vì sợ Lào lên nơi diễn ra cuộc họp"

Dù không nhớ hết nội dung Đảng ủy miền Tây giao trọng trách cho mình lúc bấy giờ nhưng bà Kăn Hoa vần nhớ những nội dung chính đó là bà được giao nhiệm vụ trách nhiệm công tác Hậu cần, họ giao nấu cơm nuôi đại biểu và cho chuối, mía cho đại biểu" 

Tại hội nghị đại biểu không chỉ được nghe chủ trương, đường lối của Đảng để đối phó với Mỹ - Diệm mà còn được bàn bạc sôi nổi và đi đến thống nhất 04 nội dung quan trọng đó là: thứ nhất các dân tộc Pa Cô, Ka Tu, Pa Hy với dân tộc Kinh, các dân tộc giữa làng này và làng kia là anh em, xóa bỏ mọi mặc cảm, thắt chặt tinh thần đoàn kết; thứ hai, Một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ. Không làm tay sai cho giặc. Kiên quyết không khai báo; Thứ ba, Xóa bỏ mọi phong tục tập quán lạc hậu làm trở ngại công việc làm cách mạng, xóa bỏ phong tục ép buộc phụ nữ trong hôn nhân; Thứ tư, Tất cả đồng bào đứng lên đấu tranh, chống giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai. Phải kiên cường đánh giặc, thế hệ ông bà, bố mẹ đánh chưa thắng thì thế hệ con, thế hệ cháu tiếp nối, đến khi nào thắng lợi thì thôi. Phải ủng hộ sức người, sức của để tập trung chống giặc, quyết dành độc lập, tự do.

Với những thông tin được nghe tại hội nghị đã trả lời câu hỏi của một số bộ phận bà con đồng bào về câu hỏi Đảng là ai? Đảng là Người hay là gì?. Từ nay chỉ theo một chí hướng quyết tâm đánh giặc, giành lấy tự do

Sau khi thống nhất 04 nội dung trên, trước lá cờ Đảng và ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với một chậu nước đựng viên đạn, 1 đoạn dây thừng, 01 con dao, thuốc đỏ tượng trưng cho máu các đại biểu lần lượt uống nước và đọc tuyên thề “Nếu người nào phản bội lời thề thì con dao sẽ đâm vào tim, dây thừng sẽ thắt cổ, đạn sẽ bắn vào đầu mà chết”. Lời thề này chắc chắn được ví như cây Đa, chính vì thế sau hội nghị các đại biểu đã trồng cây Đa làm lưu niệm.

 Ông Võ Phieng trưởng làng A Đeeng Pâr Ruung là người Chủ trì Hội nghị, trong trí nhớ còn sót lại ông rưng rưng nước mắt, bồi hồi xúc động kể lại:  "Lúc đó, chúng tôi theo Hồ Chủ tịch, bỏ điều kiêng kỵ, bỏ hết thuốc độc, bỏ hết phong tục tập quán lạc hậu, bỏ hết. Không đầu hàng trước địch, không chịu làm nô lệ. Nếu người nào phản bội lời thề thì con dao sẽ đâm vào tim, dây thừng sẽ thắt cổ, đạn sẽ bắn vào đầu mà chết"

Ông Lê Hồng Mạch là người nhớ rõ nhất và chi tiết nhất về hội nghị Diên Hồng bởi ông là người trông con của Hồ Ngọc Mỹ, người làm thư ký hội nghị lúc đấy. ông chia sẻ thêm: "Sau khi hội nghị Diên Hồng diễn ra họ cho là như bầu trời tối tăm chợt bừng sáng từ khi có hội nghị diễn hồng diễn ra. Còn ảnh hưởng sau hội nghị này ví dụ bỏ phong tục tập quán, giải phóng phụ nữ tự do thì Hướng Hóa cũng học theo, và chính từ 04 nội dung này mà kéo cách mạng thành công, mở chìa cho cách mạng, góp phần cho thắng lợi đó là đánh bại chiến tranh đặc biêt, đánh bại chiến cục bộ, đánh bại Việt Nam hóa chiến tranh, kết thúc chiến tranh ai ai cũng không quên bởi xuất phát từ điểm này"

Sự kiện Hội nghị Diên Hồng là mốc son chói lọi, là bước ngoặt quan trọng đối với Đảng ủy miền Tây nói riêng và Tỉnh ủy Thừa Thiên nói chung. Mở ra một trang sử mới về đấu tranh giải phóng dân tộc. Tổ chức Đảng được phát triển về số lượng và chất lượng. Đồng bào đoàn kết làm cách mạng, tinh thần đấu tranh cách mạng đầy khí thế, ngoan cường, đi đến thắng lợi này đến thắng lợi khác như chiến thắng A So năm 1966, trận đánh chấn động dư luận Mỹ năm 1969 tại đồi A Biah, cuộc tiến công oanh liệt Tết Mậu Thân 1968 và hàng ngàn hàng ngàn đồng bào đi dân công vận tải đưa vũ khí, lương thực cùng các đoàn xe quân sự theo các con đường 71, 72, 73, 74 từ miền núi xuống đồng bằng tham gia, phục vụ chiến đấu trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tên núi, tên sông, tên làng, tên người từ đó cũng đã tạc vào lịch sử hiển hách mãi mãi không phai mờ. 60 năm đã trôi qua, Hội nghị Diên Hồng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, giá trị lý luận, giá trị thực tiễn và vẫn mang tính thời sự trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay./.   

H. Hải - Ngọc Lô - P. Tuyết
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 440