Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 và Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của thủ thướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015. Trong năm 2013, các chính sách giảm nghèo tiếp tục được bố trí kinh phí để thực hiện như: Chính sách hỗ trợ giáo dục-đào tạo; chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho nghèo, hộ cận nghèo; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ xuất khẩu lao động, cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và công tác khuyên nông, lâm, ngư…
Tại hội nghị, các bộ, ngành và các địa phương đều khẳng định công tác giảm nghèo là chủ trương, chính sách đúng đắn trong chăm lo đời sống nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, cùng với các chính sách và nguồn kinh phí hỗ trợ giảm nghèo bền vững của Chính phủ, các địa phương trên cả nước đã lồng ghép các nguồn lực và các nguồn hỗ trợ giảm nghèo khác để cho nhiều đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ và vay vốn xóa nghèo. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo trong thực hiện chính sách, giúp người dân thoát nghèo nhanh, bền vững.
Nhờ vậy, năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 1,8% (từ 9,6% năm 2012 xuống còn khoảng 7,8% năm 2013). Nhiều địa phương đạt mức giảm nghèo cao hơn chỉ tiêu giảm 2%/năm của cả nước và 4%/năm ở các huyện nghèo.
Trong giai đoạn 2011-2013, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai và lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án để tập trung cho công tác giảm nghèo. Trong 3 năm, bình quân tỷ lệ nghèo đã giảm từ 1,5% - 1,7%, khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa các vùng, các địa phương ngày càng thu hẹp. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,43%, tỷ lệ hộ cận nghèo 6,37%.
Mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành. Để công tác giảm nghèo hiệu quả hơn nữa, ngoài các giải pháp của Ban chỉ đạo trung ương đưa ra, lãnh đạo các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư cho giảm nghèo, lồng ghép các chính sách để tập trung nguồn lực và xóa bỏ các thủ tục không cần thiết trong thực hiện.
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong công tác giảm nghèo, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu thành kế hoạch và đưa vào tiêu chí thi đua hằng năm. Nhất là cần phố biến kinh nghiệm, cách làm hay giữa các địa phương, khắc phục những tồn tại để làm tốt hơn trong công tác giảm nghèo và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tiếp tục cùng vào cuộc hơn nữa trong công tác này. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách giảm nghèo để thúc đẩy ý chí vươn lên thoát nghèo, nhân rộng mô hình thoát nghèo và các điển hình tham gia công tác giảm nghèo. Đối với các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xem xét để những chính sách đã ban hành thì phải đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện, nếu không sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của dân vào Đảng, Nhà nước.
|