Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tham nhũng nghiêm trọng, có lỗi của hệ thống pháp luật?
Ngày cập nhật 06/05/2014
Tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. (Ảnh minh họa. Nguồn:plo.vn)

 (ĐCSVN) – Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, song tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp; công tác đấu tranh, xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những bất cập của hệ thống pháp luật,nhất là trong các quy định pháp luật hình sự về tội tham nhũng.

 Theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành thì chủ thể của nhóm tội tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn làm việc ở trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam, bao gồm: cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (những người thi hành công vụ). Còn những người có chức vụ, quyền hạn của nước ngoài, của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoặc làm việc ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh có vốn nhà nước tham gia, công ty cổ phần, hợp tác xã (như: giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ, thủ kho v.v…) không phải là chủ thể của các tội tham nhũng.

 

Trên thực tế ở nước ta đã xuất hiện trường hợp vì lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc địa phương mình mà cá nhân Việt Nam đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhưng chúng ta không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với các đối tượng này về hành vi nhận hối lộ cũng như hành vi đưa hối lộ.

Nghiên cứu khả năng hình sự hóa hành vi “làm giàu bất hợp pháp”

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Việc quy định như trên là chưa hoàn toàn phù hợp, dẫn đến việc xử lý hình sự thiếu nhất quán và chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong nhiều trường hợp cụ thể. Đây là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ để có phương án thích hợp bổ sung vào BLHS nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng và yêu cầu thực thi Công ước chống tham nhũng ở nước ta.

Đồng quan điểm này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công an cũng cho rằngcần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm “người có chức vụ quyền hạn” (Điều 277 BLHS) theo hướng không chỉ là người có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước mà còn bao gồm cả công chức nước ngoài, người có chức vụ, quyền hạn ở các công ty, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (như giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ, thủ kho công ty, doanh nghiệp tư nhân), đồng thời, nghiên cứu khả năng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả theo tình thần Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trương ương 5 (khóa XI). Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng hình sự hóa hành vi “làm giàu bất hợp pháp” cho phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng.

Thực tế cũng cho thấy, hiện chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm.

Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn: Đây là việc khó ở Việt Nam, vì hiện chưa quản lý và làm rõ được giữa thu nhập bất chính và thu nhập chính đáng, thu nhập hợp pháp và không hợp pháp. Ông Phàn cho hay, ông từng có đề nghị đưa vào luật tội ‘nhận quà biếu có giá trị cao”, theo ông đã đến lúc cần phải tính đến vấn đề này, nhưng đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ.

Cần bổ sung vào BLHS một số tội danh tham nhũng mới

Chỉ ra việc chưa phân biệt rõ ràng các khái niệm “lạm dụng chức vụ, quyền hạn”; “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”; “lạm quyền” trong các tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282), Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Trần Công Phàn cũng nhận định việc quy định như trên sẽ dẫn đếnthực tiễn áp dụng không thống nhất, dễ nhầm lẫn về tội danh...

Theo ông Trần Công Phàn, khái niệm tội phạm về chức vụ được quy định tại Điều 277 chỉ bao gồm những đối tượng là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp nhà nước (những người thi hành công vụ); không coi những người có chức vụ, quyền hạn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh có vốn nhà nước tham gia, công ty cổ phần, hợp tác xã như giám đốc, phó giám đốc, kế toán, thủ quỹ, thủ kho… là chủ thể của loại tội phạm này là chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi có xuất hiện nhiều loại hình doanh nghiệp với nhiều hình thức vốn góp khác nhau.

Một số chuyên gia pháp luật cũng cho rằng cần bổ sung vào BLHS một số tội danh tham nhũng mới để điều chỉnh các hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng chưa được quy định trong BLHS, như: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản nhà nước vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Đồng thời, sửa đổi một số tội danh về tham nhũng cho phù hợp với các hành vi tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, ví dụ như tội nhận hối lộ; tội đưa hối lộ. Hiện nay theo Điều 279 BLHS quy định “Người nào...đã nhận hoặc sẽ nhận, tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác...”, như vậy vì vụ lợi mà nhận lợi ích tinh thần chưa được xem là của hối lộ. Do đó, phải coi lợi ích tinh thần cũng là vật hối lộ, kể cả đối với trường hợp đưa và nhận hối lộ, vì đã được quy định tại khoản 5 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng vì lợi ích vật chất và tinh thần là hai giá trị đáp ứng nhu cầu của con người, có thể làm ảnh hưởng đến các quyết định của người có chức vụ, quyền hạn. Giảm hình phạt tù, mở rộng quy định áp dụng hình phạt tiền nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước đối với các tội phạm về tham nhũng…

Có thể thấy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang là một trong những vấn đề đang được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, coi trọng. Trước tình hình tham nhũng vẫn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi thì việc sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng và yêu cầu thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng./.

 

 

 Thu Hằng
Nguồn Báo điện tử ĐCSVN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 81