Trong khi chính quyền Trung Quốc ngoan cố gia tăng uy hiếp các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam, thì dư luận quốc tế càng thêm dâng cao những làn sóng phản đối, chỉ trích gay gắt việc làm của Bắc Kinh còn về phần mình, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng tỏ thái độ dứt khoát: Tổ quốc là trên hết!
Ở một vùng biển sâu tới hơn 3.000 mét như Hoàng Sa, giàn khoan Hải Dương 981 được phía Trung Quốc kéo đến và hạ đặt một cách ngang nhiên như thể đó là “ao nhà” của họ, bất chấp các quy định rõ ràng trong Công ước của LHQ về Luật biển 1982 mà Bắc Kinh đã ký kết tham gia.
Bóp méo Công thư
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ nhiều thế kỷ nay; đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
Từ thời kỳ Pháp thuộc, Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; phản đối các yêu sách của nước khác đối với hai quần đảo này. Đặc biệt, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này cũng đã được thừa nhận tại hội nghị San Francisco (tháng 9/1951).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Không đánh đổi chủ quyền biển đảo thiêng liêng để nhận lấy “một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”.
Sau đó, theo Hiệp định Geneve về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Pháp rút khỏi Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia hội nghị Geneve 1954 nên biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của hội nghị đó.
Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động này. Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế đã quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác.
“Bị vong lục” ngày 12/5/1988 của Trung Quốc – một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Đuối lý, gần đây Trung Quốc lại cố tình viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 nhằm bóp méo sự thật về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp sự thật Công thư đó chỉ ghi nhận, tán thành về mặt nguyên tắc việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải 12 hải lý, hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Sở dĩ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập tới các quần đảo này vì thực tế là hai quần đảo đều nằm dưới vĩ tuyến 17 mà Pháp chuyển giao cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH), tức thuộc quyền quản lý của chính quyền này. Và liệu Việt Nam cũng như Trung Quốc có thể cho người khác cái mà mình chưa có được?
Tự giật bỏ mặt nạ
Nếu như bấy lâu nay, Trung Quốc vẫn lớn tiếng khẳng định họ đang “trỗi dậy hoà bình” thì với sự kiện giàn khoan 981 lần này, chính Bắc Kinh đã tự giật bỏ tấm mặt nạ bấy lâu vẫn mang, “vạch áo cho người xem lưng”: Nói một đằng, làm một nẻo!
Không phải là đang “trỗi dậy”, thật ra, Trung Quốc đang cho thế giới thấy họ không hề từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông, hiện thực hóa “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Sự hiện diện của giàn khoan 981 tren biển Hoàng Sa những ngày qua đã và đang hàm chứa nhiều nội dung mà đặc biệt trong đó chính là Trung Quốc đo lường thái độ, phản ứng của các nước trong khu vực – trong đó có Việt Nam – trước khi đi những bước tiếp theo hoàn tất tham vọng của mình. Nhưng, cái phép thử đầy tính trịnh thượng, ngạo mạn ấy nay đang tỏ ra phản tác dụng.
Chưa có một quốc gia nào lên tiếng ủng hộ cho việc làm của Trung Quốc; trái lại, hầu như các nước quan tâm tình hình biển Đông đều dành sự chia sẻ, ủng hộ cho Việt Nam.
Chỉ có một số vô cùng ít những quan chức, tướng lĩnh, người nghiên cứu Trung Quốc hô hào, cổ súy cho câu chuyện giàn khoan 981; trái lại, tràn ngập trên các mạng xã hội Trung Quốc là những lời bày tỏ sự hổ thẹn với một chính quyền, một nước Trung Quốc đã và đang hành xử kiểu bá quyền nước lớn, đòi chính quyền Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong các vấn đề đối ngoại và có cách xóa bỏ những định kiến xấu về người Trung Quốc trong dư luận quốc tế.
Gây hấn với Nhật, dọa nạt Philipines, đưa “đường lưỡi bò 9 đoạn” lên thành yêu sách và nay là giàn khoan 981 kéo vào hạ đặt trong vùng đặch quyền kinh tế của Việt Nam, chiếc mặt nạ “trỗi dậy hòa bình” đã bị chính quyền Bắc Kinh giật bỏ. Họ cũng không thực tâm thiện chí khi luôn nhấn mạnh “16 chữ vàng”, “4 tốt” trong quan hệ Việt – Trung. Họ đã và đang khăng khăng thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” – chấn hưng dân tộc với ý đồ “độc chiếm Biển Đông” mà trước hết là “độc quyền khai thác tài nguyên”.
Tổ quốc là trên hết
Trả lời phỏng vấn hai hãng tin quốc tế lớn là AP và Reuter, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mềm mại nhưng kiên quyết: “Bạn hỏi về biện pháp quân sự? Không. Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ.
Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó. Có lẽ như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”.
Câu trả lời của Thủ tướng chính là tâm nguyện của 90 triệu người Việt Nam, là bản lĩnh hàng ngàn năm của lịch sử Việt Nam: Tổ quốc trên hết!
Việt Nam rất tôn trọng vai trò của Trung Quốc trong khu vực nhưng rất cảnh giác trước những âm mưu phá hoại hòa bình, an ninh của khu vực. Việt Nam đã và sẽ không là “sân sau” của bất cứ quốc gia nào, luôn nỗ lực tự mình tạo dựng một nền kinh tế, chính trị độc lập của riêng mình.
Việt Nam trân quý hòa bình nhưng quyết không vì một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông mà đánh đổi độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; sẵn sàng dùng mọi phương thức hòa bình để giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn song khi buộc phải tự vệ, Việt Nam nhất quyết không run sợ.
Là một quốc gia nhỏ, hàng ngàn đời nay Việt Nam đã phải nhiều lần cầm vũ khí tự vệ nhưng “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Là một nước có bờ biển dài hàng ngàn km, hiểu rõ sự tàn khốc của bão giông nhưng Việt Nam luôn tự tin vượt lên bão giông, vững vàng trước biển.
Tổ quốc là trên hết! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Chân lý chỉ có một, dân tộc, đất nước, con người Việt Nam có chân lý và chính nghĩa, tin ở chính nghĩa, tin ở chân lý. Không một thế lực, sức mạnh nào có thể khuất phục được chân lý, chính nghĩa Việt Nam, đó là điều chắc chắn.
(Theo Pháp Luật)