Sau khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã phát biểu yêu cầu nội dung cuộc họp, đại diện lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Phát triển Thừa Thiên Huế báo cáo tình hình thu hồi nợ và xử lý rủi ro của Dự án chăm sóc cao su tiểu điền Bình Điền; Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong và các thành viên tham dự họp phát biểu, thảo luận. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã kết luận như sau:
1. Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thị xã, ban chỉ đạo thu hồi nợ vốn vay trồng và chăm sóc cao su, các ngành liên quan, cùng với sự tích cực của UBND 2 xã Bình Điền, Hương Bình nên công tác thu hồi nợ vốn vay của Dự án có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến nay số hộ còn nợ vốn vay của dự án 130 hộ, số tiền gần 260 triệu đồng (cả tiền gốc và tiền lãi). Trong đó có 58 hộ chưa trả nợ lần nào, chiếm 53% tổng nợ còn phải trả. Để tiếp tục thu hồi nợ và xử lý rủi ro của Dự án chăm sóc cao su tiểu điền Bình Điền được thuận lợi. Ủy ban nhân dân thị xã yêu cầu UBND hai xã Bình Điền, Hương Bình:
- Rà soát, kiện toàn củng cố Ban chỉ đạo thu nợ xã; Phân công cụ thể từng cán bộ ban chỉ đạo về trực tiếp thôn để tuyên truyền, vận động người dân trả nợ.
- Phối hợp Ban chỉ đạo thu hồi nợ thị xã, Công ty TNHH Lâm nghiệp Tiền Phong, Ngân hàng Phát triển Thừa Thiên Huế rà soát, phân loại đối tượng để xây dựng kế hoạch thu nợ phù hợp, cụ thể:
+ Đối tượng là gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng trả nợ lập danh sách riêng, lập tờ trình xin khoanh nợ, xóa nợ.
+ Đối tượng cán bộ, đảng viên: UBND xã tổ chức họp quán triệt đến từng cá nhân về việc ý thức, chấp hành trả nợ cho ngân hàng.
+ Đối tượng là người dân: UBND xã tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động người dân ý thức cao trong việc trả nợ cho ngân hàng. Riêng các trường hợp chây ỳ, chưa trả nợ lần nào yêu cầu UBND xã công khai trên đài phát thanh của xã.
- Đề nghị Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo, quán triệt các hội đoàn, tổ chức và địa phương trong khối lưu ý việc xác nhận danh sách, đối tượng không chấp hành việc trả nợ vốn vay trồng và chăm sóc cao su tiểu điền Bình Điền khi tiếp cận các nguồn vốn vay khác.
2. Công ty TNHH Lâm nghiệp tiền Phong: Phối hợp Ban chỉ đạo thu hồi nợ thị xã, chi nhánh ngân hàng Phát triển Thừa Thiên Huế để xây dựng kế hoạch thu nợ phù hợp, trong đó phải có thời gian phân kỳ thu, có cam kết trả nợ giữa chủ Dự án với người dân. Kế hoạch thu nợ phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2014. Sau ngày 31/12/2014 Chủ Dự án củng cố hồ sơ biên bản cam kết trả nợ, số lần mời để làm cơ sở xử lý sau này.
3. Đối với Ngân hàng Phát triển chi nhánh Thừa Thiên Huế phải có cơ chế tài chính phù hợp để hỗ trợ cán bộ Ban chỉ đạo thị xã, xã đi thu hồi nợ.