Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, phong trào xây dựng làng (thôn, bản), tổ dân phố văn hóa phát triển về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.479/1.491 làng (thôn, bản), tổ dân phố đăng ký xây dựng đời sống văn hóa, chiếm tỷ lệ 99,2%; trong đó có 1.354 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 91,54% so với đăng ký.
Các địa phương như thành phố Huế, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền và Nam Đông đã hoàn thành 100% làng (thôn, bản), tổ dân phố đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa. Các địa phương có tỷ lệ làng (thôn, bản), tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa 99% là thành phố Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và huyện Phong Điền, huyện Nam Đông. Nhìn chung chất lượng làng (thôn, bản) tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày một nâng cao do có sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện Phong trào từ tỉnh đến cơ sở.
Việc đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa thực hiện nghiêm túc theo trình tự thủ tục, chú trọng xây dựng quy ước văn hóa phù hợp đặc thù địa phương, phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa và khắc phục mọi tiêu cực, lạc hậu nảy sinh ở mỗi làng (thôn, bản). Những tháng đầu năm 2014, Ban chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế đã tổ chức kiểm tra, phúc tra công nhận, công nhận lại đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Ngoài thực hiện các tiêu chí xây dựng làng văn hóa, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình được bổ sung vào quy ước, hương ước được các gia đình, làng, thôn, bản, cơ quan đơn vị nghiêm túc thực hiện. Các địa phương cũng đã thực hiện không công nhận lại danh hiệu đạt chuẩn văn hóa của các làng (thôn, bản), tổ dân phố vi phạm quy ước, đảm bảo thực hiện phong trào ngày một đi vào chiều sâu và chất lượng.
Các địa phương đã gắn việc triển khai đẩy mạnh phong trào “TDĐKXDĐSVH” với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đặc biệt là việc huy động để xây dựng các thiết chế văn hóa, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 682 nhà sinh hoạt cộng đồng và gần 60 nhà văn hóa xã.
Đối với phong trào xây dựng cơ quan, doanh nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, việc đăng ký xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa đang được các địa phương, đơn vị chú trọng triển khai. Việc công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa đang dần đi vào chất lượng, đi sâu vào nhiều tiêu chí quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ và văn minh ở cơ quan, đơn vị. Tính đến tháng 5 năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 65 cơ quan, 75 đơn vị, 15 doanh nghiệp đăng ký mới xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Trong dịp cuối năm 2013, đoàn kiểm tra của tỉnh đã kiểm tra, xét công nhận 210 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 1.048/1.060 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa, chiếm 98,86%, có 945 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 90,17%.
Các địa phương như: Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, Quảng Điền, Phú Vang, Nam Đông đến nay đã hoàn thành 100% chỉ tiêu đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa. Khối các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai tốt phong trào xây dựng cơ quan văn hóa. Phong trào được duy trì thường xuyên, công tác phúc tra, kiểm tra để công nhận, công nhận lại được triển khai đều đặn tạo không khí thi đua sôi nổi trong các cơ quan, đơn vị.
Về phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 240.561/254.320 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 94,58%. Trong đó có 209.265 gia đình được UBND xã, phường, thị trấn công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 87% so với đăng ký. Toàn tỉnh hiện có 398 câu lạc bộ gia đình văn hóa sinh hoạt thường xuyên. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa của tỉnh đã góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ gìn được nét đẹp văn hóa gia đình Việt Nam nói chung, văn hóa gia đình Huế nói riêng. Tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm đáng kể, tội phạm và các tệ nạn xã hội được ngăn chặn kịp thời.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo đã đánh giá bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, khó khăn và hạn chế nhất định, qua đó đề xuất những giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hòa, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Sở Văn hóa thể thao và Du lịch - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên tại cuộc họp để hoàn chỉnh báo cáo, bổ sung vào nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động thực hiện nhiệm vụ của mình trong ngành mình phụ trách. Liên đoàn Lao động tỉnh cần quan tâm xây dựng phong trào trong doanh nghiệp; Hội nông dân quan tâm hơn trong triển khai phong trào đối với nông dân.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hòa lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả truyền thông để nâng cao nhận thức về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa phong trào phát triển đi vào chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả.
|