Theo đó, Quy định ban hành kèm theo Quyết định 26/2014/QĐ-UBND (Quy định 26) gồm 10 Chương, 45 Điều nhằm cụ thể hóa trình tự, thủ tục, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quy định 26 không áp dụng đối với việc giải quyết tranh chấp về đất đai. Trường hợp pháp luật khác có quy định khác về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của văn bản pháp luật đó.
Quy định 26 áp dụng cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý đơn, người giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại thuộc cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quy định 26 đã quy định cụ thể: trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tổ chức Đối thoại, ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong việc tham gia tố tụng tại Tòa án, công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo dõi, kiểm tra và tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật quản lý hồ sơ, tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu khiếu nại, quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tổ chức thực hiện.
Nét mới tại Quy định 26 là UBND tỉnh đã quy định cụ thể: việc tổ chức đối thoại tại Chương V, bao gồm: nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức đối thoại, phương án đối thoại, biên bản đối thoại, xử lý trường hợp người khiếu nại, người bị khiếu nại không tham dự buổi đối thoại hoặc không ký biên bản; trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân trong việc tham gia tố tụng tại Tòa án tại Chương VI, bao gồm: Nguyên tắc và thành phần tham gia tố tụng tại Tòa án, trình tự thực hiện việc ủy quyền, trách nhiệm của người được ủy quyền tham gia tố tụng tại Tòa án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan vụ án cho người đại diện theo ủy quyền khi có yêu cầu; công khai Quyết định giải quyết khiếu nại, theo dõi, kiểm tra và tổ chức thi hành Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật tại Chương VII, bao gồm: Gửi quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, theo dõi, kiểm tra văn bản giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; quản lý hồ sơ, tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu khiếu nại tại chương VIII, bao gồm: Việc lập, lưu trữ, quản lý hồ sơ vụ việc khiếu nại, trách nhiệm trả lời, cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan vụ án hành chính theo yêu cầu Tòa án, việc cập nhật cơ sở dữ liệu và quản lý phần mềm đơn khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó Quy định cũng đã quy chuẩn hóa thành một hệ thống các Biểu mẫu gồm 36 Biểu mẫu nhằm giúp cho người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi về giải quyết đơn khiếu nại./.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2033/2006/QĐ-UBND ngày 05/9/2006 của UBND tỉnh quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.