Về đào tạo, đã mở 03 lớp trung cấp, trong đó: UBND tỉnh mở 01 lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính cho cán bộ chủ chốt và dự nguồn xã, phường, thị trấn với số lượng là 70 cán bộ, công chức. Ủy ban nhân dân các huyện liên kết với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh mở 02 lớp Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính với 129 học viên là cán bộ chủ chốt đương chức và dự nguồn cấp xã.
Về bồi dưỡng: Sau khi Bộ Nội vụ ban hành khung về bồi dưỡng cán bộ, công chức xã và tổ chức các đợt chuyển giao về nội dung các bộ tài liệu, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử 21 cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành và Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tham gia các đợt tập huấn chuyển giao tài liệu theo chương trình của Bộ Nội vụ.
Trên cơ sở chuyển giao tài liệu và kinh phí từ nguồn mục tiêu quốc gia (650 triệu đồng), tỉnh đã mở 04 lớp bồi dưỡng, bao gồm: Lớp bồi dưỡng Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND xã: 86 người; Lớp bồi dưỡng Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã: 75 người; Lớp bồi dưỡng chức danh Bí thư Đoàn TNCS HCM xã: 85 người; Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Văn phòng - Thống kê: 61 người. Tranh thủ nguồn khác từ Trung ương, mở 01 lớp bồi dưỡng Chỉ huy Trưởng BCH quân sự xã (52 cán bộ, kinh phí là 150 triệu đồng) và 01 lớp Trưởng công an xã (105 cán bộ, kinh phí là 200 triệu đồng). Đây là nguồn ngân sách do Bộ Nội vụ cấp theo chương trình thí điểm về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã của hai ngành này.
Ngoài ra, mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn: Về quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi dưỡng công tác Hội phụ nữ; công tác Hội Nông dân; công tác Hội Cựu chiến binh; công tác tôn giáo; công tác Văn phòng cấp ủy và công tác dân vận ...với 829 lượt cán bộ, công chức tham gia; kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương.
Về đào tạo, bồi dưỡng tin học: Đã mở 06 lớp Tin học cho cán bộ chủ chốt đương chức và dự nguồn cấp xã, với số lượng 137 người, (trong đó 03 lớp từ nguồn kinh phí năm 2012; 03 lớp triển khai năm 2013 với 76 học viên, kinh phí 254 triệu đồng).
Qua triển khai, có thể đánh giá hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã như sau:
- Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng từng bước đã được đổi mới theo hướng tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn và trang bị cho cán bộ, công chức xã các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Từ năm 2012, thực hiện chương trình khung, bộ tài liệu của Bộ, ngành Trung ương, nội dung đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đa dạng, phong phú, đi sâu vào kỹ năng, tập trung trang bị cho các chức danh cán bộ, công chức xã các kiến thức chung về pháp luật, quản lý hành chính, quản lý kinh tế, quản lý văn hoá, trách nhiệm và đạo đức công vụ và các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh vị trí việc làm.
- Phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được cải tiến, đổi mới theo hướng sát thực với điều kiện tình hình công tác của cán bộ, công chức ở địa bàn cơ sở, giúp cán bộ, công chức xã nhận thức, nắm bắt, tháo gỡ, xử lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, hầu hết số cán bộ, công chức xã sau đào tạo đều có chuyển biến về năng lực, chất lượng tham mưu, phương pháp công tác ngày càng được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, công chức sau khi được đào tạo có nhận thức chính trị vững vàng hơn, hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức xã; từng bước tiêu chuẩn hoá ngạch, bậc theo qui định của Nhà nước; đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Một số tồn tại, khó khăn vướng mắc và nguyên nhân:
Bên cạnh những kết quả trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã những năm qua trên địa bàn trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định:
- Cán bộ, công chức cấp xã ít, mỗi chức danh phần lớn chỉ 01 người nên gặp khó khăn trong việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng;
- Kinh phí chỉ mới đáp ứng cho công tác bồi dưỡng, chưa tập trung công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo nhu cầu thực tế hiện nay.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của địa phương chưa thực sự đồng bộ giữa số lượng, chất lượng và cơ cấu. Các nhóm đối tượng cán bộ, công chức ở mặt này hoặc mặt khác còn chưa đạt các tiêu chuẩn theo qui định và còn nhiều bất cập.
- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu cân đối giữa việc trang bị kỹ năng với chuyên môn nghiệp vụ; một số lĩnh vực chưa sâu, còn nặng về lý thuyết, ít kiến thức thực tiễn; chưa quan tâm nhiều đến đào tạo kiến thức quản lý chuyên ngành, lĩnh vực; việc mở các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề có phần hạn chế.
Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã trong thời gian tới, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
a/ Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và CBCC xã về chức năng, vai trò của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng
- Nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng CBCC xã nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ CBCC xã, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở địa phương.
- Nâng cao nhận thức của CBCC xã về trách nhiệm học và tự học để không ngừng nâng cao kiến thức về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
b/ Đổi mới, cập nhật, bổ sung nội dung tài liệu bồi dưỡng
Biên soạn lại chương trình, tài liệu bồi dưỡng có cập nhật, bổ sung những nội dung mới phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm không trùng lặp, có kết cầu phù hợp giữa lý thuyết và thực tiễn theo chương trình do Bộ Nội vụ ban hành.
c/ Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nguồn và giảng viên giảng dạy trực tiếp cho CBCC cấp xã
Xây dựng đội ngũ giảng viên làm công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có cơ cấu hợp lý, có trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn. Lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành có chuyên môn công tác phù hợp với chuyên môn của 07 chức danh công chức cấp xã, có kinh nghiệm và phương pháp truyền đạt tham gia làm giảng viên và cử đi tập huấn, bồi dưỡng tài liệu do Bộ Nội vụ tổ chức.
Một số đề xuất, kiến nghị:
Với mục tiêu nâng cao chất lượng và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời để đạt mục tiêu đặt ra của Đề án 1956; Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên Huế có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
- Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình, đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại về nội dung và phương pháp triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã ở địa phương
- Nghiên cứu để tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp theo từng chức danh vị trí việc làm của cán bộ, công chức xã, đặc biệt đối với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt khó khăn. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên phục vụ cho yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng.
- Đề nghị Bộ Nội vụ cần quan tâm xem xét bổ sung kinh phí, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã của tỉnh theo Đề án 1956 đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tại Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2013 về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2013-2015.