Thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Đá Miếu, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc
Ngày 8/7/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1421 /QĐ-UBND thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Đá Miếu, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc.
Theo đó, thành lập Khu Bảo vệ thuỷ sản Đá Miếu, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc dựa vào cộng đồng, với những nội dung chính như sau: Quy mô diện tích: Khu bảo vệ rộng 30 hecta.
Mục tiêu: Xây dựng khu bảo vệ thuỷ sản dựa vào cộng đồng, nhằm mở rộng, phát triển mạng lưới các khu bảo vệ thủy sản trên toàn đầm phá, vùng nước nội địa Tam Giang - Cầu Hai, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ, nguồn lợi thủy sản.
Theo Quyết định trên, nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và môi trường thuỷ sinh, bao gồm: Khai thác thuỷ sản (động vật và thực vật thuỷ sinh); Nuôi trồng thuỷ sản (động vật và thực vật thuỷ sinh); Chăn thả gia cầm, trâu, bò và các động vật khác vào khu bảo vệ; Xây dựng các công trình sản xuất (kể cả công trình nhà ở).
Đảm bảo hoàn thành toàn bộ việc di dời nhà máy xi măng Long Thọ vào tháng 6/2016
Liên quan đến phương án chuyển dịch cơ cấu sản xuất di dời Nhà máy xi măng Long Thọ; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 3694/UBND-XD, theo đó:
Chủ trương và kế hoạch di dời Nhà máy xi măng Long Thọ đã được UBND tỉnh chỉ đạo từ năm 2010; trong đó, đến năm 2013 phải hoàn thành công tác di dời. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của Công ty trong thời gian qua chưa đáp ứng thời hạn quy định này. Yêu cầu Công ty cổ phần Long Thọ rút ngắn thời gian di dời các hạng mục còn lại; đảm bảo hoàn thành toàn bộ việc di dời nhà máy xi măng Long Thọ vào tháng 6/2016 và chấm dứt đốt lò trước tháng 6/2015.
Chủ tịch UBND tỉnh Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh về phương án hỗ trợ đầu tư di dời, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của Công ty cổ phần Long Thọ; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/7/2014.
Khẩn trương hoàn thiện các dự án xây dựng hạ tầng các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB dự án mở rộng QL1 và xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia
Liên quan đến tình hình thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB dự án mở rộng QL1 và xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia, ngày 8/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 3731/UBND-XDHT yêu cầu:
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại của các khu tái định cư theo cam kết, đặc biệt là khu tái định cư xã Phong An hiện nay mới chỉ hoàn thiện được phần san nền. Đối với các hạng mục cấp điện, cấp nước phải hoàn thiện trước ngày 15/7/2014.
Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước TT-Huế khẩn trương thực hiện các thủ tục về đầu tư xây dựng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước để triển khai thực hiện các dự án cấp nước đối với các khu tái định cư Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lập An, Bạch Thạch.
Công ty Điện lực TT-Huế khẩn trương di dời hệ thống đường dây điện trung thế tại các khu tái định cư xã Thủy Phù và khu tái định cư xã Lộc Bổn; hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng và triển khai xây dựng hệ thống cấp điện đối với khu tái định cư Lộc Tiến.
Thống nhất quy mô đầu tư Nâng cấp, mở rộng đường Phùng Quán, thị xã Hương Thủy
Ngày 9/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3754/UBND-XDHT thống nhất quy mô đầu tư công trình: Nâng cấp, mở rộng đường Phùng Quán, thị xã Hương Thủy.
Mục tiêu đầu tư: đáp ứng nhu cầu giao thông, thu hút đầu tư, khai thác dịch vụ, du lịch góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Quy mô đầu tư: Nâng cấp, mở rộng đường Phùng Quán dài khoảng 6km, điểm đầu giao với đường Nguyễn Tất Thành cạnh Nghĩa trang Liệt sĩ phường Thủy Dương, điểm cuối giao đường tránh phía Tây thành phố Huế với quy mô đường cấp V: nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m. Kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Công trình trên tuyến quy mô kết cấu vĩnh cửu.
Tổng mức đầu tư dự kiến: khoảng 33.000 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện: 03 năm.
Thống nhất quy mô đầu tư Cầu Ưng Hồng, huyện A Lưới
Ngày 9/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3753/UBND-XDHT thống nhất quy mô đầu tư công trình Cầu Ưng Hồng, huyện A Lưới.
Mục tiêu đầu tư: phục vụ giao thông cho khu tái định cư xã Hồng Hạ, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển khu sản xuất mới, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Quy mô đầu tư Cầu chính gồm: Xây dựng cầu kết cấu vĩnh cửu, chiều dài toàn cầu khoảng 105m; Tải trọng thiết kế: HL93, tần suất thiết kế 1%; Bề rộng cầu B = 6,0+2x0,35 = 6,7m, không lề người đi. Đường hai đầu cầu: dài khoảng 200m nối với đường vào khu tái định cư, nền đường rộng 7m, mặt đường rộng 6m. Kết cấu mặt đường bê tông xi măng.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 17.000 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện: 03 năm.
Xử lý các hộ xây dựng nhà trái phép trên đất thuộc sở hữu nhà nước
Liên quan đến vấn đề xử lý các hộ xây dựng nhà trái phép trên đất thuộc sở hữu nhà nướcUBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3785/UBND-TH yêu cầu:
Đối với các trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất công trong khuôn viên nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, nếu phù hợp qui hoạch khu dân cư, đối chiếu khoản 3, điều 35, Nghị định 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ để công nhận quyền sử dụng đất, mức thu tiền sử dụng đất được xem xét cho từng trường hợp cụ thể theo từng giai đoạn sử dụng. Giao Sở Xây dựng rà soát, chuẩn bị hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh xem xét cụ thể đối với từng trường hợp.
Đối với các trường hợp không thuộc khu vực qui hoạch khu dân cư, Sở Xây dựng, Trung tâm Phát triển Quỹ đất (Sở Tài nguyên Môi trường) thông báo đến các hộ dân chủ trương giải tỏa và phương án hỗ trợ di dời theo qui định.
Kiểm tra tình hình thực hiện công tác đảm bảo giao thông, an toàn giao thông tại các tuyến đường đang thi công trên địa bàn tỉnh
Ngày 11/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 3805/UBND-GT giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, chấp hành các quy định về đảm bảo giao thông, an toàn giao thông của các Nhà thầu đang thi công trên các tuyến đường bộ đang khai thác (QL1A, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 11B); yêu cầu khắc phục ngay các điểm gây mất an toàn giao thông, dễ gây ra tai nạn giao thông; xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý, giải quyết về UBND tỉnh trước ngày 30/7/2014.
Thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh
Ngày 11/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn 3802/UBND-GT yêu cầu Sở Giao thông vận tải Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan liên quan chỉ đạo lực lượng liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện đối với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn; đặc biệt kiểm tra, đánh giá công tác khám sức khỏe lái xe của các cơ sở y tế; xử lý nghiêm các đơn vị, các nhân vi phạm theo quy định.
Khẩn trương rà soát, kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong quản lý nhà nước về vận tải; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khắc phục các tồn tại, đảm bảo hoạt động kinh doanh của các đơn vị được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn tại các khu dịch vụ tắm biển, sông, hồ
Ngày 12/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 3817/UBND-DL yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo cứu hộ, cứu đuối, kịp thời bổ sung các bản nội quy, biển báo khu vực nguy hiểm; trang cấp thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu đuối, bố trí nhân viên trực cứu hộ. Cử nhân viên làm công tác cứu hộ, cứu đuối tham gia các lớp tập huấn để xử lý tốt các tình huống bất trắc xảy ra, đảm bảo an toàn sức khoẻ và tính mạng của người dân và du khách.
Đối với các bãi tắm biển tại thị trấn Lăng Cô (bãi Đồng Dương), xã Phú Diên, xã Vinh Hiền, suối Nhị hồ (xã Lộc Trì): yêu cầu thành lập Ban Quản lý bãi tắm, ban hành nội quy, biển cảnh báo, dựng chòi và bố trí nhân viên quan sát, bổ sung giải phao giới hạn khu vực an toàn.
Đối với bãi tắm biển Thuận An: yêu cầu đặt thêm chòi quan sát cố định, hệ thống loa, đèn, tăng cường ca nô cứu hộ, đặt biển báo nguy hiểm; tăng cường lực lượng cứu hộ và nhân viên y tế trực vào những ngày cao điểm. Thực hiện công tác vệ sinh môi trường, chấn chỉnh tệ nạn đeo bám bán hàng rong.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng chống, cứu hộ cứu nạn. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Kiểm tra, xử lý đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ trên địa bàn tỉnh
Là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 3804/UBND-GT. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng, phối hợp với Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ theo quy định.
Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong công tác kiểm tra, xử lý; đồng thời chỉ đạo Công an cấp huyện hỗ trợ trong việc xác định địa chỉ, yêu cầu chủ phương tiện hợp tác và bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động thanh tra.
Thành lập Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo Quyết định số 1425/QĐ-UBND vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ký ban hành ngày 08/7/2014, Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Ông Ngô Viết Quýt, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh làm Phó Trưởng ban thường trực và Ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Trưởng ban và 15 thành viên khác.
Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiệm vụ chỉ đạo đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế tập thể theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012; Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể; hướng dẫn các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng kế hoạch, nội dung phát triển kinh tế tập thể của từng địa phương, từng ngành phù hợp với định hướng chung của tỉnh; Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành, đơn vị thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể; xử lý các nghiệp vụ phát sinh trong quá trình thực hiện; Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các loại hình kinh tế tập thể chuyển đổi phương thức hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi.
Tập trung thực hiện hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính
Đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 3698/UBND-ĐC nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Chỉ thị 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 25/12/2013 của UBND tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đồng bộ ở các cấp và tiếp tục thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, cụ thể như sau:
- Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh khẩn trương thực hiện mục 1 của Thông báo số 124/TB-UBND ngày 08/5/2014 tại buổi làm việc với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo mô hình tập trung; Triển khai thực hiện và vận hành ngay việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính ở Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh trên cơ sở dữ liệu đo đạc bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận và số liệu, tài liệu hiện có để cài đặt, đưa vào hệ thống; trong quá trình sử dụng, khai thác sẽ cập nhật, chỉnh lý biến động hoàn thiện dần.
- Khẩn trương trình UBND tỉnh ban hành quy định về quy chế cập nhật, khai thác, vận hành, cập nhật và phân quyền quản lý cơ sở dữ liệu địa chính để làm cơ sở pháp lý điều hành, quản lý thống nhất, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
- Khẩn trương thực hiện các nội dung tại Thông báo số 44/TB-BCĐ ngày 24/4/2014 của UBND tỉnh, cụ thể như sau:
Hướng dẫn cụ thể việc rà soát, thống kê và lập hồ sơ quản lý từng thửa đất (như trích lục thửa đất, phiếu hoặc bảng biểu kê khai thông tin thửa đất đảm bảo đầy đủ nội dung ghi trên Giấy chứng nhận) đối với diện tích đất công ích, các thửa đất nằm trong quy hoạch không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận… để làm cơ sở xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định.
Trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư trang thiết bị hạ tầng đồng bộ để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu địa chính theo mô hình tập trung; triển khai ngay việc xây dưng cơ sở dữ liệu địa chính trên phần mềm TMV lis 2.0 cho tất cả các địa phương thực hiện để hạn chế dữ liệu đo đạc địa chính, dữ liệu cấp Giấy chứng nhận bị lạc hậu.
Trình UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 16/01/2012 của UBND tỉnh về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2011 – 2015) nhằm tổ chức thực hiện đồng bộ, đảm bảo vận hành hệ thống dữ liệu trong thời gian sớm nhất.
- Nghiêm túc thực hiện nội dung về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo yêu cầu của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 27/CT-UBND ngày 25/12/2013.
Trong quá trình tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cần thực hiện theo đúng quy định, quy chuẩn dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tiến tới kết nối đồng bộ trên toàn quốc theo quy định.
Thống nhất Mô hình tổ chức bộ máy tiếp công dân ở các cấp
Căn cứ qui định của Luật tiếp công dân năm 2013 và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ "Quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân" ; ngày 08/7, UBND tỉnh đã có Thông báo số 196/TB-UBND thống nhất mô hình tổ chức bộ máy tiếp công dân ở các cấp. Theo đó,
Ở cấp Tỉnh: UBND tỉnh thành lập Ban Tiếp công dân tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Trưởng Ban Tiếp công dân tỉnh do một Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân phụ trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân;
Ở cấp huyện: UBND cấp huyện thành lập Ban Tiếp công dân cấp huyện. Trưởng ban tiếp công dân cấp huyện do một Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phụ trách;
Ở cấp xã: Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp phụ trách công tác tiếp công dân; bố trí công chức kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tiếp công dân.
Thanh tra tỉnh hoàn chỉnh dự thảo Đề án trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 18/7/2014 để tổ chức thực hiện.
Ban hành quy định quản lý, sử dụng nhà ở công vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 10/7/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND Ban hành quy định quản lý, sử dụng nhà ở công vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 2613/QĐ-UBND ngày 15/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định tạm thời quản lý và sử dụng nhà ở công vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quy định này qui định cụ thể một số nội dung về việc quản lý, sử dụng nhà ở công vụ, gồm: nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà ở công vụ; tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ; trình tự, thủ tục cho thuê nhà ở công vụ; hợp đồng cho thuê nhà ở công vụ; nguyên tắc xác định giá thuê nhà ở công vụ; giải quyết các tranh chấp và xử lý vi phạm trong quản lý sử dụng nhà ở công vụ.
Phê duyệt dự án đầu tư đường Lâm Hoằng, thành phố Huế
Ngày 7/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1412/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư đường Lâm Hoằng, thành phố Huế. Theo đó,
Mục tiêu đầu tư xây dựng: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Quy mô đầu tư: Xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường đô thị, dài 628,93m. Mặt cắt ngang theo quy hoạch: 4,5m+14,0m+4,5m=23,0m. Mặt đường rộng 14,0m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Hè phố rộng mỗi bên 4,5m, lát gạch Terrazzo.
Thời gian thực hiện dự án: 03 năm kể từ ngày khởi công.
Hỗ trợ vay vốn khuyến khích tự lập cho 31 hộ dân nghèo
Ngày 8/7/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1420/QĐ-UBND Phê duyệt tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại "Hỗ trợ vay vốn khuyến khích tự lập cho 31 hộ dân nghèo sống tại xã Phú Lương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế" do Hiệp hội Bretagne - Việt Nam (Pháp) tài trợ.
Mục tiêu của dự án: Cải thiện chất lượng cuộc sống cho các hộ dân nghèo sống trên địa bàn xã Phú Lương, huyện Phú Vang.
Các hoạt động chính của dự án gồm: Trợ cấp cá nhân (Khảo sát nhu cầu hộ khó khăn về vốn để chăn nuôi và sản xuất nấm rơm) và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và phương pháp quản lý kinh tế hộ cho đối tượng hưởng lợi.
Tổng vốn viện trợ: 243.740.000 đồng, (trong đó: Hiệp hội Bretagne - Việt Nam (Pháp): 200.000.000 đồng, vốn đối ứng của 31 hộ hưởng lợi: 43.740.000 đồng).
Thời gian thực hiện dự án: 03 năm (7/2014 - 6/2017).
Quy định thu thập, cập nhật, quản lý, tích hợp, khai thác và sử dụng dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh
Ngày 8/7/2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1422/QĐ-UBND Ban hành Quy định thu thập, cập nhật, quản lý, tích hợp, khai thác và sử dụng dữ liệu dùng chung trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Quy định này quy định việc thu thập, cập nhật, quản lý, tích hợp, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; Cơ sở dữ liệu quản lý của các ngành, địa phương; Cơ sở dữ liệu hiện trạng Quy hoạch của các ngành, địa phương; Cơ sở dữ liệu GIS nền địa hình và Cơ sở dữ liệu GIS các ngành, địa phương; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cập nhật, quản lý, tích hợp, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh.
Đối với các dữ liệu có xác định địa điểm địa lý như địa chất, khoáng sản, đất đai, thổ nhưỡng, thủy văn, nước ngầm, lớp phủ bề mặt, giao thông, địa giới, ranh giới sử dụng đất, xây dựng, du lịch, quy hoạch, hạ tầng điện và viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, nông lâm nghiệp... bắt buộc áp dụng chuẩn dữ liệu GISHue và chuẩn thông tin địa lý cơ sở GISHue để xây dựng và tích hợp trên nền GISHue theo quy định.
|