Đẩy mạnh công tác GPMB các dự án trên Quốc lộ 1A
Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Đào Chuẩn, Phó Trưởng Ban Kinh tế, ngân sách HĐND tỉnh đặt câu hỏi: Dự án mở rộng Quốc lộ 1A là một dự án lớn mang tầm Quốc gia, Huế cũng được hưởng lợi từ dự án này. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh triển khai khá chậm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các công trình trên tuyến (kể cả hầm đường bộ Phước Tượng, Phú Gia). Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp khắc phục.
|
Đại biểu Đào Chuẩn đặt câu hỏi chất vấn
|
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Chuẩn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu cho biết, dự án La Sơn – Lăng Cô chậm do phê duyệt và triển khai sau các dự án mở rộng QL 1A. Cụ thể, khoảng 2km chưa bàn giao theo đúng kế hoạch (30/6). Về hai đường hầm Phước Tượng, Phú Gia chậm do năng lực của nhà đầu tư yếu, đã thay đổi chủ đầu tư làm thay đổi thiết kế. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng hai hầm này đã đảm bảo 50% khối lượng, tạo điều kiện để các phương tiện máy móc vào khoan hầm.
Về vấn đề bố trí chỗ ở tái định cư cho 205 hộ dự phòng đối với dự án xử lý 4 cây cầu yếu trên QL 1A đoạn La Sơn – Lăng Cô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu khẳng định: Hiện chúng ta có sẵn hai khu TĐC tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, vì quá trình xây dựng có tính toán xây dư ra để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Nâng cao năng lực tiếp dân, hạn chế KNTC kéo dài
Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh thắc mắc: Nội dung mà công dân kiến nghị, khiếu nại chủ yếu là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất công, việc cấp GCN QSDĐ trái qui định của pháp luật. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp nào để tiếp tục làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư KNTC trong thời gian đến?
Trả lời vấn đề này ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói: Bên cạnh tính chất phức tạp của vụ việc, đặc biệt là những vụ tranh chấp đất đai, sở hữu nhà đất thuộc diện cải tạo, những vụ việc tồn đọng nhiều năm thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, một bộ phận công chức có hành vi vụ lợi trong quản lý, sử dụng đất đai và thiếu công tâm là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh những tranh chấp, khiếu nại.
Giải pháp đặt ra là xây dựng và phổ biến văn bản pháp luật liên quan giải quyết KNTC và quản lý đất đai đến cán bộ và người dân. Quan tâm thực hiện hòa giải tại cơ sở, thực hiện đối thoại trước khi ban hành quyết định giải quyết. Kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép.., không để tình trạng “việc đã rồi”, xử lý nửa vời...
|
Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn đặt câu hỏi chất vấn
|
Giải quyết KNTC rất khó, rất phức tạp, nhưng thời gian qua số vụ việc giảm, nhất là những vụ phức tạp. Những vụ việc thẩm quyền thì đã tiến hành giải quyết, những vụ việc không thuộc thẩm quyền đề nghị tiếp tục làm việc với Thanh tra Chính phủ để xử lý. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, cần lưu tâm đến việc làm sao để không để xảy ra KNTC. Ví như mở đường QL 1A vô cùng phức tạp, nhưng do làm tốt nên KNTC rất ít. Cố gắng làm tốt, công khai minh bạch, phải giải quyết dứt điểm, không đùn qua, đẩy lại.
Chủ động tạm ứng trước kinh phí để hỗ trợ về nhà ở cho người có công cách mạng
Đại biểu Trần Thị Minh Nguyệt và Đại biểu Lê Văn Trừ cũng có câu hỏi chất vấn: Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Tỉnh ta có 5.200 hộ được Chính phủ hỗ trợ với kinh phí 128 tỷ nhưng đến nay Trung ương mới cấp 11 tỷ đồng. Qua phản ánh cử tri toàn tỉnh, tính đến thời điểm 31/5/2014, đã có nhiều gia đình chính sách triển khai xây dựng, có hộ phải tạm vay tiền để làm nhà ở; có hộ phải tạm dừng thi công do kinh phí chuyển về chậm. Đề nghị UBND tỉnh cho biết lý do tại sao và hướng xử lý như thế nào trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Chậm là do đối tượng người có công với cách mạng trong cả nước được hỗ trợ về nhà ở sau khi rà soát quá lớn, phát sinh quá nhiều, nên nguồn vốn thực hiện gặp khó khăn. Hiện Bộ Tài chính đang tích cực sắp xếp, cân đối nguồn thu để bổ sung cho các địa phương. Trước khó khăn đó, tỉnh đã chủ động tạm ứng trước kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hơn 50 tỷ đồng để hỗ trợ cho các huyện. Theo đó, bố trí đợt 1 là hơn 43 tỷ đồng; đợt 2 trong năm 2014 là 6 tỷ 6 trăm triệu đồng.
Trước trả lời của Giám đốc Sở Tài chính, đại biểu Lê Văn Trừ (ảnh), Bí thư Huyện ủy A Lưới mong cần triển khai nguồn vốn nhanh, vì dân vay nguyên vật liệu để làm nhà, mà vay kéo dài thì lãi sẽ cao, gây khó khăn cho người dân.
Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh
Đó là quan tâm của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, năm 2013, Thừa Thiên Huế về nhì trong xếp hạng PCI, tăng 28 bậc so với năm 2012. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), Huế lại đứng ở vị trí 16. Hai chỉ số này chênh lệch đến 14 bậc. Trong đó, chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân và chỉ số thủ tục hành chính công đứng ở nhóm thấp nhất. Đây có phải là do chưa quan tâm thấu đáo trong ứng xử với người dân? Chính quyền các cấp có biện pháp gì để cải thiện hai chỉ số này?
Thừa ủy quyền của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ Cái Vĩnh Tuấn cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã dành nhiều công sức và quyết tâm chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước đối với người dân, nhất là về thủ tục hành chính công; trách nhiệm giải trình với người dân. Mặc dù vậy, vẫn còn những tồn tại hạn chế trong thủ tục hành chính công và trách nhiệm giải trình với người dân.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh chất vấn về chỉ số thành phần của PCI
|
Để tiếp tục duy trì và cải thiện 2 chỉ số PCI và PAPI, nhất là cải thiện chỉ số PAPI trong thời gian tới, cần xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với nhân dân trong quá trình giao dịch hành chính. Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Chỉ đạo quyết liệt, kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Tạo điều kiện cho người dân thực hiện tốt vai trò giám sát… Huế đã cố gắng rất lớn để đạt chỉ số PCI (chỉ số cạnh trạnh cấp tỉnh) và chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh). Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong cải cách hành chính, nhất là chất lượng hành chính, chất lượng “1 cửa”.
Thống nhất với việc chỉ rõ những tồn tại, nguyên nhân cũng như 6 nhóm giải pháp mà UBND tỉnh đặt ra để cải thiện thủ tục hành chính nói chung và chỉ số PAPI nói riêng, trong đó có chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân và chỉ số thủ tục hành chính công, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị lưu ý và bổ sung thêm vào nhóm giải pháp việc điều chỉnh thái độ ứng xử với người dân của những người thực thi ở cơ sở, từ đó tăng thêm chỉ số hài lòng của người dân và là tác nhân quan trọng trong việc nâng cao vị trí xếp hạng của Thừa Thiên Huế cả trong hai bảng xếp hạng PCI và PAPI.