Đẩy mạnh hoạt động TT-GDSK là một điều kiện để các trạm y tế thực hiện Chuẩn Quốc gia về y tế xã. Điều này được chứng minh bằng việc thực hiện thành công việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo tinh thần Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư T.Ư Đảng. Qua thực tế triển khai thực hiện xây dựng Chuẩn quốc gia về Y tế xã cho thấy ở đơn vị nào thực hiện tốt công tác TTGDSK thì ở đó việc thực hiện các chỉ tiêu trong các tiêu chí càng có kết quả cao, đều này cũng có thể hiểu với các tiêu chí đòi hỏi sự tham gia của người dân, của cộng đồng trong việc thực hiện như: Chuẩn II: về cộng đồng (vệ sinh phòng dịch ), Chuẩn III: Khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, Chuẩn IV: Y học cổ truyền, Chuẩn V: Chăm sóc sức khoẻ trẻ em, Chuẩn VI: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
Để thực hiện đạt các chuẩn trên, một nhiệm vụ trọng tâm của y tế xã, thị trấn không thể thiếu được, đó là công tác truyền thông giáo dục sức khỏe. Y tế cơ sở có điều kiện gần dân, sát dân, là tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh nên việc củng cố các hoạt động TTGDSK tại tuyến y tế cơ sở có ý nghĩa lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Nội dung giáo dục truyền thông tập trung vào công tác phòng chống dịch, giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích, kế hoạch hóa gia đình, những nội dung về chính sách liên quan tới công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
BS Hồ Thị Thanh Hoa- Trưởng trạm Y tế A Đớt đang truyền thông công tác SKSS và KHHGĐ
Các Trạm y tế xã, thị trấn có nhiều hình thức truyền thông như: viết tin, bài để truyền thông trên đài phát thanh của xã, thị trấn, phân phát các tờ rơi, áp phích, tố chức các góc truyền thông tại trạm y tế. Tổ chức truyền thông trực tiếp qua đội ngũ cán bộ y tế xã, thị trấn, y tế thôn bản và các cụm dân cư, các cộng tác viên, cán bộ khu dân cư và các đoàn thể xã hội tham gia.
Tuy nhiên, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe hiện nay của Trạm y tế còn nhiều hạn chế, nguyên nhân do hạn chế về năng lực, tài chính dành cho công tác truyền thông, còn sự thiếu đồng bộ giữa cán bộ thông tin văn hóa của địa phương và cán bộ truyền thông y tế.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại tuyến xã thì:
- Các trạm y tế rất cần có cán bộ được đào tạo bài bản về TTGDSK để đảm bảo được hiệu quả công việc.
- Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu các xã cần huy động được sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành, đoàn thể, nhất là ngành thông tin văn hoá xã và trạm y tế để cùng thực hiện.
- Cần có kế hoạch truyền thông thật cụ thể để chỉ đạo hoạt động, đồng thời giám sát hoạt động và củng cố sổ sách, báo cáo về Tổ truyền thông của Trung tâm Y tế.
- Cần làm phong phú nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phù hợp với tình hình đặc điểm của địa phương.
- Củng cố hoạt động của các góc tuyên truyền tại trạm y tế để có thể tăng cường công tác tư vấn sức khỏe cho nhân dân, truyền đạt những thông tin cần thiết, kịp thời giải đáp những thắc mắc, trăn trở, những điều chưa hiểu về bệnh tật, về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe của bà con nhân dân trong xã.
- Trạm Y tế cần tăng cường truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua cán bộ tuyến xã, hệ thống nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên truyền thông, nhất là bằng hình thức truyền thông nhóm tại cộng đồng.
Làm tốt những điều đó, công tác truyền thông GDSK sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới và duy trì thực hiện tốt Chuẩn quốc gia về y tế xã. Góp phần xây dựng một xã hội an toàn, môi trường sống lành mạnh, sức khỏe mọi người dân được bảo vệ, phòng ngừa không để dịch bệnh xảy ra.
BS Đặng Văn Tuấn