Du khách đến Lý Sơn đông vì Lý Sơn từng nổi tiếng là hòn đảo tiền tiêu từ đất liền ra Hoàng Sa, Trường Sa.
Anh Thiện Nghĩa, Trưởng phòng văn hóa Lý Sơn dẫn chúng tôi đi lang thang thăm đảo. Đứng trước hai miệng núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới cao mãi tít trên đỉnh núi, chúng tôi mới hiểu rằng, nhờ kiến tạo tự nhiên từ núi lửa đã cho Lý Sơn những thắng cảnh nổi tiếng như Chùa Hang, Chùa Đục, Hang Câu, Cổng Tò Vò, Hòn Mù Cu,... Nhìn khách nối nhau nườm nượp tới thăm những thắng cảnh ấy đủ biết Lý Sơn hấp dẫn như thế nào.
Anh Thiện Nghĩa kể về người Lý Sơn của mình:
- Thời văn hóa Sa Huỳnh, Lý Sơn đã có dân ở rồi. Các tư liệu khảo cổ tại đây cho thấy, thời ấy Lý Sơn đã có đồ gốm. Toàn bộ những nét hoa văn, các đồ án trang trí đã phô diễn tài hoa lãng mạn của người cổ xóm Ốc. Trong hố khai quật còn tìm thấy một đôi xe chỉ và hai hạt chuỗi bằng đất nung. Sau đó người Chăm đến đây. Tiếp đó 3 lớp di dân của người Việt vùng Bắc Bộ vào cư trú, lần thứ nhất vào năm 1404, thời nhà Hồ; lần thứ hai vào năm 1471 thời vua Lê Thánh Tôn và lần di dân thứ ba là thời Nguyễn Hoàng vào Nam cát cứ, mở mang vùng đất phương Nam. Ấy là chưa kể những cuộc di dân tự do của nông dân miền Bắc ở thời Trần và thời loạn lạc Nam Bắc Triều.
Trong các gia phả họ tộc ở Lý Sơn, thời ấy đã có tới 15 vị tiền hiền đi thuyền ra đảo khai khẩn và lập làng. Đó là các dòng họ Phạm Văn, Phạm Quang, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Võ Xuân, Đặng Phanh, Dương, Võ, Trương, Trần, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn... Những vị tiền hiền không chỉ được thờ trong nhà thờ họ tộc mình, mà còn được thờ ở đình như những vị thánh.
Cuộc sống tâm linh ở Lý Sơn thật phong phú. Tộc nào cũng có nhà thờ họ, xóm nào cũng có điền thờ riêng. Lý Sơn có tới gần 30 di tích đình, dinh, miếu, lăng,... Kể cả lễ thờ của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ vẫn được giữ nguyên vẹn cả hình thức lẫn nội dung.
Anh Thiện Nghĩa tâm sự: Những ngày tế tự là những ngày hội làng tâm linh là lòng tin để dân Lý Sơn vượt qua sóng gió.
Trời chưa nắng lên, chúng tôi tới Âm Linh Tự đã thấy các cụ khăn đóng áo dài mở cửa thắp hương cho đền thờ. Tưởng hôm nay rằm hay mồng một, hóa ra không phải, ngày nào các cụ cũng đến thắp hương cho ngôi đền. Đền Âm Linh Tự ở làng An Vĩnh dựng gần bờ biển, cách bến cảng An Vĩnh chừng 50 mét.
Đền không lớn nhưng trang nghiêm. Trong đền là những đồ thờ vàng son lộng lẫy. Ngay trước cửa đền là tháp tưởng niệm, bốn mặt đều khắc 4 chữ nguy nga: “CHIẾN SĨ TRẬN VONG”. Bên cạnh đền là nghĩa trang của những ngôi mộ gió. Bởi những người lính Hoàng Sa ra đi nhưng không trở về.
Bên tháp tưởng niệm “CHIẾN SĨ TRẬN VONG”, các cụ kể từ cuối thế kỷ 16, thời chúa Nguyễn, hàng năm làng An Hải và An Vĩnh tuyển 70 dân định giỏi nghề đi biển giương buồm nương theo gió nồm vào tháng 3 hàng năm ra quần đảo Hoàng Sa. Họ đi 3 ngày 3 đêm thì tới Hoàng Sa. Tháng 8 trở về, vào cửa Eo (cửa Thuận An) vào Phú Xuân, nộp những sản vật quý cho kinh thành rồi mới trở về. Tuy nhiên người trở về không được bao nhiêu. Âm Linh Tự là đền thờ những người lính Hoàng Sa không trở về ấy.
Ở Âm Linh Tự về, Thiện Nghĩa đưa tài liệu cho chúng tội đọc, thật cảm động. Những người lính Hoàng Sa ấy, vua Tự Đức gọi họ là “hùng binh”. Họ không phải chỉ kiếm hải vật, sản vật, mà công việc chính của họ là đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
70 người lên 5 chiếc thuyền. Người ra đi phòng khi không có cơ may trở về, mỗi người mang theo hai chiếc chiếu, 7 khúc đòn tre, 7 sợi dây mây và một thẻ bài, để khi chết, xác họ được quấn trong chiếu, đòn tre là phao nổi, dây mây quấn chặt họ trong cái quan tài sông nước ấy, thẻ bài ghi tên họ, rồi thả trôi trên mặt biển, táng trên mặt nước ấy, nào có thấy ai trở về, thẻ bài cũng chìm xuống biển.
Ở Lý Sơn vẫn lưu truyền trong dân gian tục: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Có thể gọi đây là lễ tế sống những người đi lính Hoàng Sa, nhưng để có hy vọng trở về, thầy cúng cho nặn hình nhân thế mạng bằng đất sét, trong dòng họ có bao nhiêu người đi lính thì có bấy nhiêu hình nhân và linh vị đặt bên những người lính Hoàng Sa, cúng xong, hình nhân và linh vị được đặt lên thuyền thả trôi trên sóng nước. Người lính coi đây đã có người thế mạng mình và sẵn sàng lên thuyền ra đi.
Chúng tôi băng băng trên con đường rộng, leo lên đỉnh núi Thới Lới. Cao điểm chúng tôi dừng chân, đó là cột cờ. Chân cột cờ cao 4 tầng, tầng trên cùng ghi hàng chữ “Nước CHXHCN Việt Nam”, tầng thứ 3 đắp nổi 3 chữ lớn: “Đảo Lý Sơn”.
Anh em chúng tôi tíu tít chụp ảnh, ai cũng muốn ghi lại phút giây mình được có mặt trên đỉnh cao linh thiêng này.
Chân cột cờ là một đỉnh cao của đảo Lý Sơn, đứng ở đây, nhìn ra 4 phía xung quanh đều là biển biếc. Ai cũng thấy toại nguyện mình đã đến được nơi hẹn hò. Chúng tôi quay mặt ra hướng Bắc bảo nhau: “Hoàng Sa ở phía đó”. Bỗng một bạn xúc động đọc 4 câu ca dao của Lý Sơn:
“Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa”
Thiện Nghĩa nghẹn ngào nói: -Trong vòng 3 thế kỷ, Lý Sơn chúng tôi đã có tới hơn 2 vạn người đi lính Hoàng Sa. Vậy mà mộ các anh hầu như toàn mộ gió. Song vua gọi là đi ngay. Lý Sơn của chúng tôi là vậy đó các anh ạ. Lý Sơn không thể chấp nhận bất cứ kẻ nào đụng tới Biển Đông của mình...