Sinh ra vì nhu cầu của Cách mạng và rồi lớn lên cũng theo nhu cầu của cuộc Cách mạng đó, lịch sử của ngành Bưu Điện nói riêng hay của ngành Thông tin và Truyền thông ngày nay nói chung, đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh.
Trên chặng đường 30 năm chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ Quốc, để đảm bảo thông tin liên lạc được liên tục đã có hàng vạn người vĩnh viễn nằm xuống hoặc phải mang theo trên mình suốt cuộc đời còn lại vết thương đau của chiến tranh. Trong những phút giây hiểm nghèo, họ chỉ nghĩ đến nhiệm vụ mà quên bản thân mình. Chính những tình huống khắc nghiệt đó đã giáo dục, rèn luyện mang lại cho họ những tính cách, những năng lực và bản lĩnh mà sau này được kết tinh thành 10 chữ vàng truyền thống: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tuỵ - Sáng tạo - Nghĩa tình” như Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao tặng. Đó là những dấu ấn ghi nhận sâu đậm về chặng đường phấn đấu và xây dựng phát triển, trở thành truyền thống vẻ vang và chuẩn mực đạo lý vững bền của toàn Ngành.
Khi nước nhà hòa bình thống nhất, nhận rõ khoảng tụt hậu của mình trên bước đường phát triển do những năm chiến tranh gây nên, Ngành Bưu Điện Việt Nam đã dũng cảm đi tắt đón đầu về công nghệ, thực hiện thành công chiến lược tăng tốc phát triển, hiện đại hóa mạng lưới, đa dạng hóa dịch vụ, tự tin và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. mở đường cho đổi mới và thúc đẩy đổi mới.
Vì vậy từ một cơ sở vật chất kỹ thuật hết sức manh mún, nghèo nàn lạc hậu, giờ đây chúng ta đã sở hữu cả một mạng lưới rộng khắp với hơn 13.000 điểm kinh doanh dịch vụ bưu chính, trên 30 triệu thuê bao Internet, trong đó có 5,5 triệu thuê bao Internet băng rộng, 7 triệu máy điện thoại cố định, 121 triệu điện thoại di động... Tổng doanh thu của mạng lưới đó trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt tới 122.000 tỷ đồng (gần 6 tỷ đô la Mỹ), và dự báo sẽ còn lên trên 250.000 tỷ đồng (hơn 12 tỷ đô la Mỹ) vào cuối năm nay…
Ngày nay nhìn nhận đánh giá một tổ chức người ta không chỉ thống kê, tính đếm tới các khoản vật chất được lượng hóa mà còn xem xét tới cả các tiềm năng văn hóa, truyền thống nữa. Dù có thể với những tên gọi khác nhau, do chức năng, nhiệm vụ của tổ chức có thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng chặng đường 69 năm qua đã định hình tính cách, khẳng định năng lực của Bưu Điện Việt Nam, một Ngành mà tiền thân của nó là Ban Giao thông chuyên môn của Đảng được thành lập từ ngày 15/ 8/ 1945.
Năm nay, kỷ niệm Ngày Truyền thống Bưu Điện, cho phép chúng ta một lần nữa tin tưởng rằng - với tư duy luôn nhìn về phía trước để nhận biết những khó khăn mới nẩy sinh và nhìn thẳng vào thách thức để tìm cơ hội - tái cơ cấu hiệu quả nhằm giữ vững và phát huy hết thế mạnh vốn có, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ của xã hội như Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XI đã đề ra cũng như thực hiện tốt các dự án trong Chương trình hành động của Chính phủ và Bộ đã giao.
Nhân dịp kỷ niệm 69 năm truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi thân ái gửi đến các đồng chí cán bộ lão thành, Mẹ Việt Nam anh hùng ngành Bưu điện, các gia đình liệt sĩ, các gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và các em học sinh, sinh viên trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông lời thăm hỏi chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Nguyễn Bắc Son
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông