Bảy năm nay, căn bệnh thoái hóa cột sống khiến bà không thể tự di chuyển được. Ấy thế mà, mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, nghệ nhân vẫn ngồi xích lô đến Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Xuân Phú để truyền dạy ca Huế cho lớp trẻ.
Thời gian gần đây, CLB ca Huế Nguyễn Thị Lợi tạm dừng, chương trình dạy ca Huế ở Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Xuân Phú cũng ngưng hoạt động nên nghệ nhân Minh Mẫn chỉ quanh quẩn ở nhà, làm bạn với chiếc ti vi. Hôm tôi đến thăm, nghệ nhân đang ngồi một mình trên giường, vóc dáng hao gầy. Thấy khách đến, mệ lẫm chẫm chống gậy ra đón rồi nở nụ cười móm mém. Nghe tôi hỏi chuyện về ca Huế, nghệ nhân Minh Mẫn huyên thuyên kể về quá khứ vàng son. Ở tuổi 89, đôi mắt không còn tinh anh nhưng trí nhớ của nghệ nhân vẫn vẹn nguyên như tên gọi của mình.
Mệ Mẫn nhớ lại: “Hồi nớ, người nghe ca Huế phần nhiều là trí thức. Họ xuống thuyền nghe ca vì họ mê ca Huế. Bởi rứa, mệ ca thăng hoa là vì gặp được những tri âm, tri kỷ mộ điệu và am hiểu ca Huế”. Hỏi về cuộc sống hiện tại, giọng nghệ nhân chùng xuống: “Chừ mệ “gần đất xa trời” rồi, đau ốm liên miên nên chỉ quanh quẩn ở nhà. May có mấy phòng trọ cho thuê, tháng được 1,5 triệu, hai mẹ con đắp đổi qua ngày”.
Từ ngày mệ Mẫn bị bệnh, không thể tự chăm sóc được, chị Mai - con gái út của mệ phải bỏ việc ở TP. Hồ Chí Minh ra Huế chăm sóc mẹ. Chị Mai kể: “Mẹ chị không thể tự đi lại nên chị cũng không đi làm được. Hai mẹ con sống tằn tiện bằng tiền cho thuê phòng trọ. Mấy tháng ni nghỉ hè, khoản thu nhập này cũng không có nên rất khó khăn. Ăn uống không nói nhưng phải xoay xở tiền thuốc thang hàng ngày cho mẹ, chưa kể những lúc nằm viện. Anh trai của chị ở TP. Hồ Chí Minh phải chu cấp thêm nhưng vợ anh đã mất, một nách 5 đứa con nên cũng không dư dả gì”.
Nhớ ca Huế, ngày ngày, nghệ nhân Minh Mẫn lại ngồi hát cho mình nghe hoặc lôi cuốn sổ chép các bài bản ca Huế ra nghiên cứu. Khoảnh khắc mệ chờ đợi nhất là năm một đôi lần, người bạn Hải Phượng chơi đàn tranh năm xưa ở TP Hồ Chí Minh ra, kéo thêm một số nghệ nhân, nghệ sĩ tụ tập ở nhà mệ để được ca Huế cho thỏa nỗi nhớ.
Nhắc đến lần ca Huế được vinh danh tại Festival Huế 2014, nghệ nhân Thanh Hương vẫn còn luyến tiếc: “Mệ ít khi đau ốm nhưng xui là lần đầu đau phải nằm viện lại trúng vào ngày được mời đi dự lễ tôn vinh”. Nói rồi mệ Hương đưa tay mân mê tấm bằng khen: “Cả cuộc đời đi theo nghiệp ca hát - cái nghiệp mà một thời người ta nói là xướng ca vô loài mà mệ vẫn cố sống chết bám theo cho đến tận chừ, được nhớ tới và được vinh danh là hạnh phúc lắm”.
Ngày ấy, chồng đi tập kết ở miền Bắc, một mình bà Hương nuôi con. Vất vả nhưng tình yêu dành cho ca Huế không bao giờ tắt. Ban ngày làm ruộng, trồng khoai trồng sắn để nuôi con, tối đến bà lại gửi con cho ông bà nội để đi diễn tận Phú Lộc, Quảng Điền. Con trai độc nhất không may qua đời giờ, già yếu, nghệ nhân Thanh Hương sống nương nhờ vào con dâu và cháu nội. Ngày ngày, bà vẫn cùng đạo hữu đi chùa cầu an.
Trò chuyện với hai nghệ nhân cao niên Minh Mẫn và Thanh Hương, cũng là hai “báu vật sống” đã cống hiến hết mình để giữ gìn nghệ thuật ca Huế truyền thống, dò hỏi nguyện vọng của hai mệ về một chế độ chính sách cho nghệ nhân có nhiều công lao nhưng dường như không ai quan tâm đến điều đó. Chỉ say sưa nói về niềm đam mê ca Huế. “Bao nhiêu năm nay không có, mệ vẫn sống được qua ngày. Mệ đã già rồi sống không bao lâu nữa, cần chi nữa con, được Nhà nước tôn vinh là liều thuốc tinh thần để mệ vui sống. Chỉ lo mệ với o Thanh Hương không còn nhiều thời gian nữa, một khi mất đi mà chưa truyền được hết di sản ca Huế cho lớp sau thì tiếc lắm”, nghệ nhân Minh Mẫn trăn trở.
Nhìn lên tường nhà nghệ nhân Minh Mẫn và Thanh Hương, tôi thấy tấm bằng khen chứng nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tấm giấy chứng nhận nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn ca Huế của Chủ tịch UBND tỉnh.
Hơn 70 năm ca Huế của mệ Mẫn và mệ Hương là một quãng đường dài, có mồ hôi, nước mắt và bao nhọc nhằn của phận ca nữ. Chừng ấy có lẽ chưa nói hết công lao, tình yêu và niềm đam mê gần trọn đời người phục vụ ca Huế, cũng như truyền dạy kỹ thuật cho các thế hệ mai sau.