Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nghị lực của cô giáo tật nguyền trên đất Cố đô
Ngày cập nhật 30/08/2014

Hơn 16 năm qua, cô giáo Trần Thị Phương Liên (56 tuổi), ở số 75 Bến Nghé, TP Huế ngồi xe lăn miệt mài với công việc dạy tiếng Nhật. Học sinh tìm đến lớp học của cô Liên không chỉ vì phương pháp dạy hay, kiến thức Nhật ngữ sâu rộng, lòng nhiệt tình mà còn cả ở sự kính phục nghị lực của cô.

Vượt lên số phận

Năm lên 4 tuổi, sau một cơn sốt, cô Liên đã bị bại liệt. Gia đình đã tốn rất nhiều tiền chạy chữa nhưng cuối cùng vẫn không có kết quả gì. Lớn lên, dù tật nguyền nhưng cô vẫn ấp ủ giấc mơ đến trường. Con đường đến trường của cô bé Liên ngày đó là ở trên lưng của người thân và bạn bè cõng đi.

ô Liên tâm sự: "Mỗi lần nằm vắt trên lưng cha đến lớp, tôi tủi thân lắm khi mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Đã có lúc tôi định bỏ học để không phải làm khổ người khác, nhưng rồi lại nghĩ nếu bỏ cuộc sẽ phụ lòng tốt của bạn bè, thầy cô".

Suốt 12 năm học, cô luôn là học sinh giỏi, đến năm 1997, cô thi đỗ vào khoa Sử, Đại học Tổng hợp Huế (nay là trường Đại học Khoa học Huế). Sau 4 năm miệt mài kinh sử, cô Liên ra trường với tấm bằng cử nhân sử loại giỏi nhưng đi xin việc đều bị từ chối. Lý do bởi cô không đủ sức khỏe làm việc. Thế nhưng, cô không nản chí. Cô tiếp tục đăng kí dự thi tiếng Nhật để theo đuổi ước mơ thành giáo viên dạy Nhật ngữ.

Cô Liên biết ba ngoại ngữ: Anh, Nga, Nhật nhưng cô có duyên với tiếng Nhật hơn. Từ khi còn bán thuốc lá, tranh thủ những lúc vắng khách, cô tự mày mò sách vở ôn luyện và kết quả cô thi điểm đỗ cao nhất. Sau đó, cô tìm đến lớp học tiếng Nhật, mới hay các học viên đã vào học hơn một tháng. Cô buồn bã ra về và tiếp tục công việc bên cạnh tủ thuốc lá.

Đến một ngày, có hai người Nhật tới nhà tìm gặp cô. Họ biết cô muốn đi học tiếng Nhật mà không đến lớp được. Hiểu hoàn cảnh của cô Liên, họ đã đến tận nhà dạy Nhật ngữ cho cô. Hai người đàn ông lạ về sau trở thành hai người thầy rất đỗi kính trọng của cô, đó là thầy Tsu Noda và thầy Shine Toshiko. Chỉ hai năm, cô đã thông thạo được tiếng Nhật. Trên cơ sở đó, cô tiếp tục học, nghiên cứu tìm kiếm sách vở về Nhật ngữ để trao dồi thêm kiến thức. Sau này, cô mở một lớp dạy tiếng Nhật ở nhà.

Đến nay, cô mở lớp dạy tiếng Nhật được hơn 16 năm. Ngôi nhà nhỏ ngày nào, giờ nào cũng tấp nập học sinh đến đăng kí học. Học sinh của cô có đến hàng trăm người đủ các thành phần trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên ngành, học sinh sinh viên, từ già đến trẻ….

Cô giáo tàn nhưng không phế

Do học sinh đến học quá đông nên cô phải chia ra nhiều ca để dạy học cho hiệu quả, nhiều lúc, cô còn không có thời gian để nghỉ ngơi. Nhưng với cô, chỉ cần thấy học trò đến lớp đông đủ mỗi ngày, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất cuộc đời.

Bạn Nguyễn Lê Ngọc Quỳnh, sinh viên Đại học Khoa học Huế cho biết: "Cô Liên dạy rất kĩ, dễ hiểu, mặc dù là lớp học thêm nhưng đến cuối tuần cô Liên tổ chức cho cả lớp đi chơi dã ngoại. Vừa học vừa chơi  nên mình thấy rất bổ ích. Đó chính là lý do vì sao mình thích học với cô Liên hơn học ở trung tâm”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phú Hội, TP.Huế nhận xét: "Cô Liên là phụ nữ đáng khâm phục. Tuy cô bị tàn tật nhưng cô biết vươn lên để sống có ích cho xã hội. Cô xứng đáng là tấm gương cho những người khuyết tật trong địa bàn tỉnh noi theo".

Hiện tại, không chỉ dạy tiếng Nhật, cô Liên còn được biết đến với vai trò là Ủy viên của Hội Ái hữu Nhật – Việt. Thông qua dạy tiếng và dịch sách tiếng Việt sang tiếng Nhật, cô đã có nhiều đóng góp rất lớn vào việc truyền bá văn hóa Việt Nam đến xứ sở hoa anh đào.

Không ai biết rằng, để có được thành quả như hôm nay, cô Liên đã phải cố gắng nỗ lực rất nhiều để vượt qua mặc cảm của bản thân, thậm chí có lúc khiến cô tuyệt vọng. Những nỗ lực của cô thực sự xứng đáng được đền đáp và trân trọng.

theo www.hue.vnn.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 248