Trong không gian mở của Công viên 3-2, hơn 50 tác phẩm thư pháp được trưng bày tại Nhà Kèn thu hút nhiều khách đến thưởng lãm, trong đó có không ít du khách quốc tế. Được thể hiện trên nhiều chất liệu: gỗ, đá, giấy, vải… các tác phẩm đã dệt nên một vườn thư pháp đầy sắc màu mang tính nghệ thuật cao mà không kém phần thời sự.
Những câu nói, câu thơ đanh thép của các lãnh tụ trường tồn cùng dân tộc, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Lê Lợi..., những câu ca dao và đặc biệt là tiếng lòng của nhân dân lao động được các nhà thư pháp thể hiện bằng những nét bút bay bổng. Không chỉ thể hiện những câu thơ trong Bình Ngô Đại Cáo, Hịch Tướng sĩ, các nhà thư pháp còn thăng hoa cùng những câu thơ tự sáng tác. Tác phẩm của nhà thư pháp Nguyệt Đình gây ấn tượng mạnh với người yêu thư pháp khi thể hiện câu thơ đầy chí khí của chính mình một cách bay bổng: “Nam Quốc Sơn hà / Cầm Hồ Hàm Tử / Giương cánh buồm chèo chống vẫn làm thơ / Từ ngàn xưa ấy đến bây giờ / Cá vẫn đánh và quân thù vẫn đuổi”.
Bức thư pháp của Nguyễn Thị Lệ Thuỷ thể hiện tình yêu với Hoàng Sa, Trường Sa mộc mạc, đơn giản mà vẫn thắm tình: hai chữ Hoàng Sa, Trường Sa được lồng trong trái tim màu đỏ, hàm nghĩa “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim tôi”. Từ cái tâm, các nhà thư pháp đã biến cái thần của con chữ thành những tác phẩm nghệ thuật nhằm khẳng định chủ quyền biên giới và biển đảo Việt Nam.
Theo nhà thư pháp Vĩnh Thọ, Phó Chủ nhiệm CLB Thư pháp Huế, điểm mới lạ của không gian thư pháp này là sự kết hợp giữa yếu tố họa và thư, khác với truyền thống của thư pháp Huế vốn chú trọng thư nhiều hơn họa. Đặc biệt, các tác phẩm của các nhà thư pháp trẻ đều có trang trí nền và họa tiết rất sinh động. Phần đông giới trẻ học thư pháp đều đầu tư thời gian học vẽ để kết hợp giữa viết và vẽ trang trí, phối màu trong tác phẩm thư pháp. Có thể kể đến bức thư pháp của Lê Thừa Ngọc Hải. Khi viết câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, anh đã vẽ chân dung Người làm điểm nhấn của tác phẩm.
Nhà thư pháp Nguyệt Đình – Chủ nhiệm CLB Thư pháp Huế chia sẻ: “Với chủ đề “Biển đảo yêu thương”, chúng tôi muốn thể hiện tinh thần của toàn dân cương quyết giữ chủ quyền, ca ngợi tinh thần bám biển, ra khơi của ngư dân, tinh thần dũng cảm, kiên cường thực thi nhiệm vụ của quân và dân ta. Đây cũng là cầu nối giữa biển đảo và đất liền, để nhân dân hiểu, tin yêu và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Ông Nguyệt Đình cho biết, từ tháng 5, khi tình hình Biển Đông căng thẳng, các nhà thư pháp Huế đã thể hiện tình yêu Tổ quốc của mình qua những tác phẩm thư pháp và nung nấu ý định giới thiệu chúng với công chúng. Hưởng ứng nhiệt tình, triển lãm không chỉ thu hút sự tham gia của các hội viên trong CLB Thư pháp Huế mà còn cả những người yêu thư pháp ngoài CLB, trong đó có những người vừa mới đến với thư pháp.
Là nhân viên kỹ thuật của Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Á Châu nhưng Đức Nhuận (hội viên CLB Thư pháp Huế) rất yêu thư pháp. Vốn thích những câu thơ hay và mong thể hiện chúng qua nghệ thuật con chữ, anh theo đuổi thư pháp từ năm 2008. Lần này, anh có 3 tác phẩm tham gia triển lãm. Đức Nhuận tâm sự: “Với tấm lòng của một người trẻ hướng về biển đảo quê hương, tôi khẳng định chủ quyền qua lời thơ mộc mạc, nét bút sắt son. Tinh thần, tình cảm ấy được tôi gửi gắm trong từng nét bút với sự chỉn chu về con chữ, chặt chẽ về bố cục, cách thể hiện chữ nhấn của tác phẩm”.
Nhà thư pháp Nguyệt Đình cho biết, sau triển lãm này, CLB Thư pháp Huế sẽ gửi tặng một số tác phẩm để động viên chiến sĩ, ngư dân đang ngày đêm bám biển “gọi là chút quà mong ráo bớt mồ hôi của những người kiên cường giữ nước” để họ thêm chắc tay súng, vững tay chèo bảo vệ lãnh hải Việt Nam. Một số tác phẩm sẽ được bán lấy tiền chung phần góp đá cho Trường Sa.
Các hội viên của CLB Thư pháp Huế cũng tặng chữ cho khách tham quan và những người yêu thư pháp. Những câu thơ bất hủ: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy chí nhân để thay cường bạo”, “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ / Đất Việt muôn năm vững trị bình”... là những món quà đẹp mà ai cũng muốn lưu giữ, nâng niu.