Ông Tịnh không còn nhớ rõ duyên nợ đến với nghề biển từ bao giờ. Chỉ nhớ hồi đó chỉ mới mười bốn, mười lăm tuổi, vào một buổi sáng ông theo cha đi bủa lưới gần bờ. Chuyến biển hôm đó đầy ắp cá... Lần đầu đi biển đó, cũng là lúc ông quyết định “sinh tử” với nghề. Lập gia đình, rồi ra ở riêng, bố mẹ cho ít vốn, ông vay mượn thêm bà con thuê thợ đóng mới chiếc thuyền và mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt gần bờ. Các con lần lượt ra đời, chi phí trang trải sinh hoạt càng trở nên bức thiết. Chiếc thuyền nan bám biển thường xuyên hơn để kiếm tiền nuôi con. Những lúc biển mất mùa, tôm cá không dồi dào, những chuyến biển ít ra cũng cải thiện đời sống hằng ngày cho gia đình đông người đến 9 thành viên... Các con của ông Tịnh lớn lên cũng nối nghiệp cha bám biển mưu sinh, có cuộc sống ổn định.
Ông Tịnh kể: Một thời cá tôm nhiều lắm! Chỉ một vài mẻ lưới gần bờ, thuyền chở đầy ắp. Có nhiều chuyến chở đầy cá, thuyền mắc cạn phải sử dụng xuồng nhỏ để tăng bo, sau đó mới đưa được thuyền vào bờ. Có nhiều lần, mỗi chiếc thuyền chỉ cần vây bủa lưới sát bờ cũng mang về hàng chục tấn cá me, cơm, nục, ruốc. Hết thả lưới, ngư dân lại giăng câu cá nục, ngừ, chủa, thu... có ngày đến vài tấn. Mỗi chuyến đi biển, ngư dân không lo thiếu tôm cá mà chỉ lo thiếu người mang đi bán. Nhiều lúc cá tôm bán không hết, bà con làm mắm, hoặc phơi khô dự trữ để bán vào mùa đông và những ngày biển động. Nhiều hộ có điều kiện mua sắm nhiều nghề, như lưới trích, nục, tho, hố, cá gà...; đa dạng trong đánh bắt, khai thác mang lại thu nhập cao, có điều kiện nuôi con khôn lớn, có của ăn của để.
Chừng hơn mười năm gần đây, cá tôm gần bờ ngày càng vơi dần do xuất hiện ngày càng nhiều các phương tiện, ngư lưới cụ đánh bắt hiện đại. Phương tiện đánh bắt thô sơ ngày càng mai một, thậm chí một số nghề có nguy cơ biến mất, như đánh bắt cá tho, cá gà, cá cờ... Đó là điều trăn trở nhất đối với ông Nguyễn Tịnh và ngư dân vùng biển. Khai thác gần bờ gặp khó khăn, nhiều ngư dân mạnh dạn vươn khơi nhưng cũng bấp bênh, bữa nhiều, bữa ít. Ngư dân vẫn quyết tâm bám trụ với nghề, nhưng do phương tiện, ngư lưới cụ thô sơ nên không thể bám biển dài ngày, hiệu quả khai thác rất thấp... Những thời điểm như thế, đời sống ngư dân rất khó khăn nhưng vẫn “thủy chung” với biển.
Ông Tịnh nói: “Từ khi Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn để vươn khơi, mở ra cơ hội mới cho ngư dân bám biển, có điều kiện phát triển kinh tế. Từ vài chiếc những ngày đầu, số tàu đánh bắt xa bờ ở quê tôi ngày càng tăng dần, đến nay có đến gần trăm chiếc. Có tàu đánh bắt xa bờ, có điều kiện vươn khơi bám biển dài ngày, cùng với các thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại nên hiệu quả khai thác những năm gần đây rất cao. Nhiều chuyến khai thác xa bờ, mỗi tàu thuyền có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng. Các thành viên không phải là chủ tàu cũng có nguồn thu vài chục triệu đồng mỗi chuyến. Hàng ngàn hộ vươn lên khá giả, nhiều hộ làm giàu nhờ đánh bắt xa bờ”. Ông thường khuyên nhủ các con vốn duyên nợ với nghề thì phải “sống chết” với nghề, cố gắng vươn khơi bám biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
“Sẽ còn nhiều cơ hội nữa cho ngư dân vùng biển quê tôi, khi Chính phủ đang tăng cường chính sách hỗ trợ cho ngư dân đóng mới tàu cá, cải tiến trang thiết bị ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ. Đó không chỉ là cơ hội cho ngư dân bám biển, mà còn góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng”, ông Nguyễn Tịnh nói.