Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ tạo đà phát triển kinh tế
Ngày cập nhật 22/10/2014

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đến nay, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều thay đổi vượt bậc, tạo đà cho tỉnh phát triển kinh tế toàn diện, bền vững.

Ưu tiên đầu tư hạ tầng theo hướng đồng độ 

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên như: hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông; hạ tầng văn hoá, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó tập trung công tác xây dựng, rà soát quy hoạch, đề án về cơ chế, chính sách theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng đề án cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, điều chỉnh các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, chính sách ưu đãi về đất đai theo hướng mở rộng thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng...

Đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã dần được hoàn thiện; công tác đầu tư, quản lý và khai thác sử dụng công trình được tăng cường; nguồn lực xã hội được huy động đảm bảo cân đối giữa lợi ích xã hội, nhà nước và các bên tham gia. Qua đó, tạo được mối liên kết vùng để phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững.

Hạ tầng các đô thị đã được ưu tiên đầu tư theo hướng đồng bộ, và từng bước hiện đại, đã ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp hạ tầng đô thị Huế và các đô thị động lực Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An; hoàn thành xây mới cầu Dã Viên, mở rộng đường Đống Đa, Điện Biên Phủ. Đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu tái định cư phục vụ di dời giải tỏa; chỉnh trang sông Ngự Hà, An Cựu… tại nên không gian cảnh quan đô thị văn minh.

 

Cầu Dã Viên được xây dựng mới đã tạo thêm điểm nhấn của đô thị Huế

Đã quan tâm phát triển giao thông kết nối liên vùng, hoàn thành một số công trình quan trọng như cầu Dã Viên, đường La Sơn – Nam Đông giai đoạn 1; dự án nâng cấp đường cất cánh, hạ cánh - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, dự án nâng cấp đường phía Tây thành phố Huế. Đẩy nhanh tiến độ thi công mở rộng Quốc lộ 1A, hai hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, khởi công tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan… Cùng với những hạ tầng giao thông kết nối đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo thuận lợi cho việc giao thương phát triển KT-XH.

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, hạ tầng văn hóa – du lịch tiếp tục tập trung đầu tư bảo tồn, tu bổ các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế; huy động và lồng ghép nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa các huyện, xã; xây dựng hạ tầng các điểm đến du lịch thuận lợi, tiện nghi, văn minh. Hạ tầng y tế phát triển mạnh với Bệnh viện Trung ương Huế, một trong những thiết chế quan trọng của Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung, Trung tâm điều trị theo yêu cầu và Quốc tế với quy mô 300 giường; bệnh viện thực hành trường Đại học Y Dược Huế có quy mô 500 giường; Bệnh viện đa khoa tỉnh có quy mô 500 giường… tiếp tục đầu tư các thiết bị kỹ thuật cao, hiện đại, chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt điều trị ung thư, tim mạch, ghép tạng.

Hướng tới một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước, hạ tầng giáo dục – đào tạo được tăng cường, với định hướng xây dựng Đại học Huế trở thành đại học Quốc gia, đang đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hướng đến xây dựng thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội - nhân văn, giáo dục, quản lý, nông nghiệp, y dược, kỹ thuật công nghệ cao.Hạ tầng CNTT được đầu tư theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm CNTT mạnh.

Tiếp tục hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, cơ bản hoàn thành dự án thuỷ lợi Tây Nam Hương Trà, cơ bản hoàn thành hồ Tả Trạch, xây dựng hồ chứa nước Thuỷ Yên - Thuỷ Cam; hệ thống đê điều, hồ chứa, đập dâng, trạm bơm được tu bổ thường xuyên đảm bảo an toàn trong lũ lụt. Đầu tư xử lý chống xói lở bờ sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, bờ biển Hải Dương - Thuận An. Đã đưa vào hoạt động các nhà máy thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới có tổng công suất 213 MW. Triển khai giai đoạn 2 dự án điện RE II; khối lượng thực hiện đạt 70%.

Hạ tầng Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, KCN Phú Bài, KCN Phong Điền đang tiếp tục được đầu tư. Trong đó KCN Phú Bài giai đoạn I&II (Diện tích 184,96 ha) được xây dựng đồng bộ và đảm bảo cho các nhà đầu tư đến thuê đất, tỷ lệ lấp đầy đạt 93%; hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4 (diện tích 415 ha) và khu công nghiệp Phong Điền (400ha) đang tiếp tục được đầu tư.

 

Đường Đống Đa sau khi được nâng cấp, mở rộng tạo diện mạo mới cho đô thị Huế

Huy động tổng hợp nguồn lực, đầu tư tập trung, có trọng điểm

Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh trên mọi lĩnh vực như: Giao thông; thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; du lịch, hạ tầng đô thị; khu cụm công nghiệp; điện; thương mại; văn hóa xã hội… đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai tích cực có hiệu quả, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Bước đầu các công trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần duy trì và tăng trưởng kinh tế của địa phương. Song trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực để tổ chức thực hiện; một số dự án của Trung ương trên địa bàn đã có quyết định đầu tư nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện đầu tư hoặc tiến độ triển khai chậm. Nguồn lực đầu tư các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa – du lịch còn hạn chế.

Tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thời gian đến Thừa Thiên Huế cần tập trung phát huy sức mạnh nội lực và công tác xã hội hóa để Nhà nước và nhân dân cùng tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, toàn diện nhằm đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao của khu vực, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cần sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương để vận động tài trợ ODA cho các dự án: “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng thành phố Huế “Xanh”, “Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Huế”; đầu tư hoàn thiện sớm các thiết chế của Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung, hỗ trợ đầu tư hoàn chỉnh Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm; có quy hoạch cho xây dựng Trung tâm y tế dự phòng Bắc miền Trung tại Huế, Viện y học dân tộc cấp Vùng, Trung tâm kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và bệnh phẩm cấp Vùng tại Huế. Đầu tư hoàn thiện các thiết chế của Đại học Huế. Xây dựng Trung tâm tổ chức hội nghị quốc tế và biểu diễn nghệ thuật tại thành phố Huế trong giai đoạn đến 2020.

Thừa Thiên Huế nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi điều kiện thiên nhiên khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, gây ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế và an sinh của nhân dân; có hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á là khu vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Vì vậy, Trung ương cần hỗ trợ đầu tư kiên cố hóa hệ thống đê biển, nâng cấp hệ thống đê đầm phá, đê sông, xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển, các đường cứu hộ, cứu nạn.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh, Đại sứ Hàn quốc tại Việt Nam khánh thành bệnh viện đa khoa tỉnh

www.thuathienhue.gov.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 84