Tham dự Phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Minh Quang và Thử trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển.
Phát biểu tại Phiên họp Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, thực hiện Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương xây dựng dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ngày 31/7/2014, tại Phiên họp thường kỳ tháng 7/2014, Chính phủ đã thông qua và thống nhất trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Phiên họp
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển đã trình bày Tờ trình số 277/TTr-CP ngày 08/8/2014 của Chính phủ về Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Theo đó, nội dung chính của dự thảo Luật này quy định về quản lý tổng hợp các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi vùng bờ, vùng biển và các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển thực hiện theo quy định của Luật Biển Việt Nam. Nội dung chính của dự thảo Luật được thể hiện trong 10 chương, bao gồm: Quy định chung; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; Tài nguyên hải đảo; Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải; Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Điều khoản thi hành.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, quản lý tổng hợp và thống nhất hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nhận chìm ở biển, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với đặc thù của biển; trách nhiệm quản lý, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đồng thời, việc ban hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển trong tình hình khu vực biển Đông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Võ Tuấn Nhân, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy hồ sơ Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Chính Phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 5 năm thi hành Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; đã tham khảo một số quốc gia trong xây dựng pháp luật liên quan; đánh giá tác động của việc ban hành Dự thảo Luật. Ủy ban KH,CN&MT nhất trí cho rằng, Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XIII xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8./.