Chủ quyền quốc gia gồm quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình và quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế. Quyền tối cao của quốc gia ở trong nước thể hiện ở quyền lực đầy đủ để giải quyết mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá... không có sự can thiệp từ phía các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế.
1. Chủ quyền của quốc gia trên biển
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (sau đây gọi tắt là Công ước) đã quy định rõ về vùng biển tiếp giáp lãnh thổ quốc gia ven biển gồm: vùng nội thủy; vùng lãnh hải; vùng tiếp giáp lãnh hải; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển trên, cụ thể:
- Vùng nội thủy: là vùng nước nằm phía bên trong của đường cơ sở của lãnh hải (quy định tại điều 2), bao gồm: các vùng nước cảng biển, các vũng tàu, cửa sông, các vịnh, các vùng nước nằm giữa lãnh thổ đất liền và đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Tại vùng nội thủy quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền.
- Vùng lãnh hải: mỗi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình, chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Ranh giới ngoài của lãnh hải là đường chạy song song với đường cơ sở và cách đều đường cơ sở một khoảng cách tối đa là 12 hải lý. Ranh giới ngoài của lãnh hải được coi là đường biên giới quốc gia trên biển.
- Vùng tiếp giáp lãnh hải: là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp giáp với lãnh hải, phạm vi của vùng tiếp giáp không vượt quá 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng tiếp giáp lãnh hải quốc gia ven biển thực hiện các thẩm quyền có tính riêng biệt và hạn chế đối với các tàu thuyền nước ngoài.
- Vùng đặc quyền kinh tế: là vùng biển nằm ở phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, đặt dưới một chế độ pháp lý riêng, theo đó các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như các quyền và các quyền tự do của các quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh.
- Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó có khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở; quốc gia ven biển này có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, phù hợp với các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước và phù hợp với các kiến nghị của Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập trên cơ sở Phụ lục II của Công ước. Các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không phụ thuộc vào sự chiếm hữu thật sự hay danh nghĩa, cũng như vào bất cứ tuyên bố rõ ràng nào.
2. Cơ chế giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển theo Công ước
Công ước quy định trước khi các quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước phải thỏa thuận tìm cách giải quyết tranh chấp này bằng một phương pháp hòa bình. Khi có tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, các bên tranh chấp tiến hành ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các phương pháp hòa bình khác. Sau đó nếu không đạt được một giải pháp bằng phương pháp hòa bình mới áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp bằng các cơ quan tài phán theo quy định của Công ước (điều 281 và 283).
Tại điều 287, Công ước quy định: một quốc gia được quyền tự do lựa chọn với hình thức tuyên bố bằng văn bản, một hay nhiều cơ chế để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, bao gồm: Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước; Toà án quốc tế (ICJ); Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước; Tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII của Công ước.
a. Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước
Theo Công ước quy định nếu các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục Trọng tài đã được trù định ở Phụ lục VII của Công ước. Vì vậy, có thể coi thủ tục Trọng tài là một cơ quan tài phán đã được Công ước mặc định cho các bên nếu như các bên không có thỏa thuận lựa chọn thiết chế tài phán khác để giải quyết tranh chấp (khoản 5, điều 287).
Tòa trọng tài gồm 5 thành viên, được thành lập bằng phương thức mỗi bên tranh chấp được quyền lựa chọn một trọng tài từ danh sách trọng tài do Tổng Thư ký Liên hợp quốc lập. Mỗi bên được cử 1 thành viên trong danh sách trên (có thể là công dân nước mình), sau đó hai bên thỏa thuận cử ra 3 trọng tài viên còn lại (là công dân nước thứ 3) và chỉ định Chánh tòa của tòa trọng tài (trong số 3 thành viên đó). Nếu các bên không thể nhất trí về việc cử trọng tài viên hoặc Chánh tòa trong vòng 60 ngày thì Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển sẽ cử.
Bản án của tòa trọng tài có tính chất tối hậu và không được kháng cáo (điều 11 - phụ lục VII của Công ước), như vậy bán án của tòa trọng tài có giá trị ràng buộc các bên trong tranh chấp. Trường hợp các bên trong vụ tranh chấp có thỏa thuận trước thì cũng có thể đưa ra xem xét lại. Tất cả các bên trong vụ tranh chấp phải tuân theo bản án.
b. Toà trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII của Công ước
Toà trọng tài đặc biệt được quy định tại Phụ lục VIII của Công ước. Toà trọng tài đặc biệt được lập ra với nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp trong từng lĩnh vực riêng biệt liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các điều khoản của công ước liên quan đến: việc đánh bắt hải sản; việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; việc nghiên cứu khoa học biển hoặc hàng hải, kể cả nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhấn chìm…
Toà trọng tài đặc biệt này có sự đóng góp đáng kể của các tổ chức quốc tế có thẩm quyền chuyên môn trong từng lĩnh vực, như Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình của Liên hợp quốc về môi trường (UNEF)… Khi có tranh chấp phát sinh, dựa trên danh sách các chuyên viên đã được lập, một hội đồng trọng tài đặc biệt sẽ được thành lập, gồm 05 thành viên. Mỗi bên tranh chấp có quyền lựa chọn hai chuyên viên tham gia hội đồng trọng tài. Chủ tịch hội đồng trọng tài do các bên thoả thuận cử ra.
Các tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp biển nói riêng được giải quyết bằng nhiều biện pháp khác nhau và một trong số các biện pháp đó là việc sử dụng hình thức tài phán quốc tế. Tài phán quốc tế là cách thức hoà bình để giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các phương pháp, thủ tục tư pháp, do chính các quốc gia tự lựa chọn.
c. Tòa án công lý quốc tế
Tòa án Công lý quốc tế (gọi tắt theo tên Tiếng Anh là ICJ) là cơ quan xét xử chính của Liên Hợp Quốc. Toà án có chức năng giải quyết hoà bình trên cơ sở luật quốc tế, các tranh chấp pháp lý quốc tế phát sinh giữa các quốc gia trong các quan hệ quốc tế. Toà án giúp Liên hợp quốc đạt được một trong những nhiệm vụ cơ bản của mình là giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc của công lý và luật quốc tế.
Tranh chấp lãnh thổ biển, phân định ranh giới biển chỉ là một trong những loại tranh chấp mà ICJ có thẩm giải quyết theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước. ICJ tiến hành xét tất cả các vụ tranh chấp mà các bên đưa ra và tất cả các vấn đề được nêu riêng trong hiến chương Liên hợp quốc hay các điều ước quốc tế hiện hành. “Phán quyết của Tòa án chỉ có hiệu lực đối với các quốc gia tham gia vào vụ tranh chấp và coi trọng vụ tranh chấp đó. Phán quyết đã làm xong thì không kháng cáo trong trường hợp có sự tranh cãi về ý nghĩa hay về phạm vi phán quyết thì Tòa án phải giải thích các vấn đề đó theo yêu cầu của bất kỳ bên nào” (điều 59 và 60 – Quy chế Tòa án công lý quốc tế):.
Theo quy định của ICJ, đối với những trường hợp được đưa ra ICJ các bên không có quyền kháng án (dù trong một số trường hợp, ICJ sẽ có thể xem xét lại hoặc thay đổi lại phán quyết). Quy chế ICJ quy định: “Phán quyết đã quyết định thì không được kháng cáo, trong trường hợp có sự tranh cãi về ý nghĩa hay về phạm vi phán quyết thì Tòa án phải giải thích các vấn đề đó theo yêu cầu của bất kỳ bên nào” (điều 60). Nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các phán quyết của Tòa toàn thể cũng như Tòa rút gọn, cho tất cả các phán quyết chỉ rõ giải pháp cho tranh chấp hay các nguyên tắc có thể áp dụng, cho tất cả các phán quyết có hay không có các quy định về tài chính.
d. Tòa án quốc tế về Luật Biển
Tòa án quốc tế về Luật Biển (gọi tắt theo tiếng Anh là ITLOS) có trụ sở chính đặt tại thành phố Hambourg - Cộng hoà Liên bang Đức, bao gồm 21 thành viên độc lập, được bầu trong số người được hưởng danh tiếng cao nhất cho công bằng và tính toàn vẹn và thẩm quyền công nhận trong lĩnh vực luật biển. ITLOS có thẩm quyền xét xử với tất cả các vụ tranh chấp và tất cả các yêu cầu được đưa ra tòa theo đúng Công ước (Điều 21 - Quy chế của ITLOS). ITLOS có thể được lựa chọn bởi các thành viên của Công ước (tức là các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tham gia Công ước). ITLOS cũng có thể được lựa chọn bởi các đối tượng ngoài các quốc gia thành viên, tức là các quốc gia, tổ chức liên chính phủ không phải là các bên tham gia Công ước, và cho các doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tư nhân “trong mọi trường hợp được quy định trong Phần XI hoặc trong bất kỳ trường hợp nộp theo bất kỳ thỏa thuận trao quyền tài phán Tòa án được chấp nhận bởi tất cả các bên trong trường hợp đó” (Điều 20 - Quy chế của Tòa án quốc tế về Luật Biển).
ITLOS có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia theo ba phương thức: Chấp nhận thẩm quyền của ITLOS theo từng vụ việc; Chấp nhận trước thẩm quyền của ITLOS trong các điều ước quốc tế; Chấp nhận trước thẩm quyền của ITLOS bằng một tuyên bố đơn phương.
Khi tranh chấp xảy ra giữa hai quốc gia thành viên đều có tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của ITLOS thì một bên có quyền đơn phương đưa vụ kiện này ra trước ITLOS. Trong đơn cần phải trình bày rõ vụ việc, lập luận các bên và yêu cầu ITLOS xét xử nội dung gì.
Ngoài ra, ITLOS còn có thẩm quyền tư vấn:
- Tư vấn theo Công ước: Viện giải quyết tranh chấp liên quan đến đáy biển có thẩm quyền đưa ra ý kiến tư vấn theo yêu cầu của Đại hội đồng hay Hội đồng về những vấn đề pháp lý trong khuôn khổ hoạt động của họ.
- Dựa trên các thỏa thuận quốc tế: ITLOS cũng có thẩm quyền đưa ra ý kiến tư vấn về những vấn đề pháp lý nếu một thỏa thuận quốc tế liên quan đến mục đích của Công ước quy định việc đệ trình lên ITLOS yêu cầu xin ý kiến tư vấn. (điều 138 - Quy chế của ITLOS).
Phán quyết của ITLOS có tính chất tối hậu và tất cả các bên tranh chấp đều phải tuân theo. Phán quyết của ITLOS chỉ có giá trị đối với các bên tranh chấp. Các bên không có quyền kháng án (điều 33 - Quy chế của ITLOS).
3. Tranh chấp liên quan đến chủ quyền trên biển cũng có thể đưa ra Hội đồng bảo an - Liên hợp quốc
Ngoài các cơ chế đã được quy định tại Công ước, các quốc gia trong tranh chấp có liên quan đến chủ quyền trên biển cũng có thể đưa vụ việc ra Hội đồng bảo an - Liên hợp quốc: "Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình. Hội đồng Bảo an, nếu thấy cần thiết, sẽ yêu cầu các đương sự giải quyết tranh chấp của họ bằng các biện pháp nói trên" (điều 33 – Hiến chương Liên hợp quốc).
Hội đồng Bảo an cũng là một trong những nhân tố quan trọng để đảm bảo việc giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Với tư cách là cơ quan lãnh đạo chính trị thường trực của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, nếu có những tranh chấp quốc tế xảy ra có nguy cơ đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế, Hội đồng Bảo an có thể yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc hoặc kiến nghị một biện pháp cụ thể. Ngoài ra, Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế hoặc xung đột quốc tế; khi cần thiết có thể sử dụng hành động kể cả bằng cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược./.