Như vậy, so với mức lương tối thiểu vùng hiện hành quy định tại Nghị định 182/2013/NĐ-CP, thì mức lương tối thiểu vùng theo quy định mới tại Nghị định 103/2014/NĐ-CP sẽ tăng từ 250.000-400.000 đồng, cụ thể:
Vùng 1 tăng từ 2.700.000 lên 3.100.000 đồng/tháng, tăng 400.000 đồng, tương ứng mức tăng 14,8%.
Vùng 2 tăng từ 2.400.000 lên 2.750.000 đồng/tháng, tăng 350.000 đồng, tương ứng mức tăng 14,6%.
Vùng 3 tăng từ 2.100.000 lên 2.400.000 đồng/tháng, tăng 300.000 đồng, tương ứng mức tăng 14,3%.
Vùng 4 tăng từ 1.900.000 lên 2.150.000 đồng/tháng, tăng 250.000 đồng, tương ứng mức tăng 13,2%.
Tại địa bàn tỉnh Thừa Thừa Huế, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố Huế sẽ áp dụng mức lương Vùng 2; tại địa bàn các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang và thị xã Hương Thủy, Hương Trà sẽ áp dụng mức lương Vùng 3; tại địa bàn 2 huyện Nam Đông và A Lưới sẽ áp dụng mức lương Vùng 4.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2015, thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam; các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động phải thực hiện trả lương cho người lao động phổ thông (chưa qua đào tạo nghề), làm việc trong điều kiện bình thường, làm đủ công trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, và cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề.
Đặc biệt, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong các loại hình doanh nghiệp theo lộ trình (quy định tại các Nghị định) là hợp lý, nhằm đưa chính sách tiền lương, tiền công từng bước phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tình hình kinh tế xã hội của từng địa phương, nhằm tạo điều kiện tăng thu nhập, bảo đảm đời sống tối thiểu cho người lao động, giúp người lao động có nguồn thu nhập ổn định (ít nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng quy định khi người lao động thực hiện công việc giản đơn, làm đủ ngày công, định mức lao động); tạo nên được sự yên tâm trong công tác, hạn chế được tình trạng bỏ việc, đình công, lãng công trong các doanh nghiệp./.