Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

MÔ HÌNH TÀU NGẦM HOÀNG SA Ở HUẾ: SỰ THỂ HIỆN TÌNH CẢM YÊU NƯỚC CỦA MỘT NGƯỜI ĐAM MÊ MÔ HÌNH GIẢI TRÍ
Ngày cập nhật 31/01/2015

   Đó là nhận xét của ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế trong cuộc trao đổi với chúng tôi khi nói về mô hình “Tàu ngầm Hoàng Sa” (sau đây gọi là tàu mô hình) mà báo chí đã đưa tin trong mấy ngày qua.

   Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều bài viết, thông tin về chiếc tàu mô hình mang tên Hoàng Sa, do anh Lê Ngà, ở tại 38B, đường Thánh Gióng, thành phố Huế chế tạo. Theo các nguồn tin này thì tàu mô hình có thể lặn sâu đến 10m, nếu hoàn thiện sẽ lặn sâu hơn để dò tìm các vật thể lạ dưới đáy sông nhất là có thể dò tìm xác người chết đuối thay cho thợ lặn bằng hệ thống camera gắn trong thân tàu… Ngày 27/1 vừa qua, chúng tôi đã đến “thực địa” (trao đổi, xem clip, tổng hợp thông tin…) tại nhà anh Lê Ngà để tìm hiểu, kiểm chứng thêm một số thông tin. Tiếp đó, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ một số nội dung liên quan đến vấn đề này.

Ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đang xem và nghe anh Lê Ngà thuyết minh về mô hình tàu ngầm Hoàng Sa   

PV: Xin ông cho biết ý kiến của mình về các thông tin mà báo chí đã đưa.

   Ông Trần Ngọc Nam: Trước hết xin hoan nghênh báo chi đã kịp thời, nhanh nhạy trong việc đưa tin về việc này. Cũng qua đây tôi cũng xin gởi lời động viên, khích lệ đến tác giả của sản phẩm cũng như những người đã và đang đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học và công nghệ.

   Qua những thông tin mà báo chi đã đưa cũng như qua khảo sát thực tế thì tàu mô hình có trọng lượng là khoảng 120kg; dài  2,7m, cao 1m; đường kính 0,4m. Thân tàu mô hình được chế từ một bình gas công nghiệp. Bên trong được chia thành 2 khoang: khoang chứa nước và khoang chứa không khí (tác giả gắn 1 bình gas kích thước nhỏ hơn đặt trong thân tàu mô hình -PV). Tàu mô hình chạy bằng hệ thống pin (điện thế 12V), được điều khiển bằng Rimode điều khiển…

   PV: Như thông tin mà báo chí đã đưa thì tàu mô hình có thể lặn sâu đến 10m, hệ thống camera có thể ghi lại những hình ảnh dưới đáy sông… đây là những kết quả có thể ứng dụng để phục vụ trong một số lĩnh vực. Vậy ông đánh giá như thể nào về kết quả này?

   Ông Trần Ngọc Nam: Đó có thể là ý tưởng của người chế tạo, chứ hiện nay tàu mô hình chưa chạy được khi chìm hẳn xuống mặt nước và sẽ mất tín hiệu khi khoảng cách giữa người điều khiển và tàu mô hình cách xa hơn 10m. Hơn nữa hệ thống camera ghi hình cũng chưa được lắp rắp và một số thiết bị khác cũng chưa hoàn thiện nên chưa kết luận chính xác về tính năng của sản phẩm. Vì muốn đánh giá, kết luận về tàu mô hình này thì phải dựa trên nhiều tiêu chỉ, trong đó các thông số kỹ thuật để đáp ứng với môi trường hoạt động phải được tính toán, cân nhắc trước, sau đó mới xét đến tính mới, khả năng ứng dụng và hiệu quả đạt được của sản phẩm đó.

   Tuy nhiên, qua tìm hiểu cũng như trao đổi trực tiếp với tác giả của sản phầm thì nếu tàu mô hình này hoàn thiện thì cũng chỉ phục vụ cho hoạt động giải trí như các sản phẩm mô hình khác (máy bay, xe tăng, xe địa hình…).

   PV: Được biết anh Lê Ngà (tác giả của sản phẩm) là một công nhân bình thường, kinh tế cũng không khá giả gì nhưng rất đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, vậy cơ quan nhà nước có sự hỗ trợ gì để những người như anh Ngà có cơ hội phát triển những sáng tạo, nghiên cứu của mình?

   Ông Trần Ngọc Nam: Hiện nay, theo quy định của nhà nước thì chưa có văn bản nào quy định việc hỗ trợ kinh phí nhà nước cho các cá nhân trong việc nghiên cứu khoa học mà chỉ hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị (có tư cách pháp nhân), thậm chí ngân sách nhà nước còn tài trợ 100% kinh phí cho các tổ chức trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo KH&CN. Riêng ở Sở KH&CN thì có 02 kênh chính để hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu khoa học đó là kinh phí từ Quỹ Phát triển KH&CN và kinh phí sự nghiệp khoa học trong việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN. (hàng năm, Sở KH&CN đều thông báo rộng rãi đến các cá nhân, tổ chức để họ đề xuất danh mục các nhiệm vụ KH&CN thực hiện trong năm sau).

   Trường hợp của anh Lê Ngà cũng như các cá nhân khác, nếu xét thấy sản phẩm do mình sáng tạo ra có triển vọng, khả thi, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội thì cá nhân đó có thể đăng ký tham gia dự thi các giải thưởng như Giải thưởng Sáng tạo KH&CN của tỉnh, Giải thưởng Cố đô về KH&CN, hay đăng ký sáng kiến, sáng chế… tại cơ quan quản lý nhà nước.

   Ngoài ra, các cá nhân có thể phối hợp, tham gia với một tổ chức, đơn vị nào đó (gọi là đơn vị chủ trì nhiệm vụ -PV) để đại diện đăng ký đề xuất danh mục các nhiệm vụ KH&CN (đề xuất dự án sản xuất - thử nghiệm). Từ cơ sở đó, Sở KH&CN sẽ tiến hành các thủ tục theo quy trình để tham mưu cho UBND tỉnh xét duyệt các đề xuất. Và nếu thuyết minh của tổ chức, đơn vị mà cá nhân đó đề xuất được phê duyệt thì nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức đó triển khai các nội dung như thuyết minh đã được phê duyệt. Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, thì tàu mô hình của anh Ngà như thực trạng hiện nay nếu có đề xuất thì cũng khó được hội đồng khoa học thông qua.

   PV: Cơ sở nào để ông kết luận như vậy, thưa ông?

   Ông Trần Ngọc Nam: Đến thời điểm hiện tại (sáng ngày 30/1/2015), qua trao đổi với anh Ngà, cũng như xem xét thực tế thì có hai vấn đề cơ bản mà anh Ngà vẫn chưa thuyết minh, khẳng định được, đó là về nguyên lý hoạt động và động cơ để vận hành tàu mô hình.

   Về nguyên lý hoạt động, theo anh Ngà khi tàu chìm xuống mặt nước thì nước sẽ tràn vào khoang chứa nước, khi muốn nổi lên thì có 1 môtơ sẽ đẩy nước ra bằng 2 lỗ nhỏ ở phía trước mũi tàu. Theo tôi thì tàu mô hình này khó chạy được, hoặc có thể chạy ngược lại như theo thuyết minh của anh Ngà. Mặt khác, với sản phẩm nặng 120kg, cộng thêm khoảng hơn 200kg của khối lượng nước, áp suất khi tàu lặn xuống sâu 10m mà anh Ngà chỉ dùng một cục pin có điện thế 12V cho mọi hoạt động chạy, nổi lên, chìm xuống trong gần 1 tiếng đồng hồ là điều không thể… Đó là ý kiến của cá nhân tôi, còn khi ra hội đồng thì anh Ngà phải thuyết minh được nguồn gốc của sản phẩm (dự án), mục tiêu, sự cần thiết của dự án; chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm; dự kiến hiệu quả đạt được, quy mô và địa chỉ áp dụng…

   PV: Vậy thì ông có “tư vấn” gì cho tác giả của sản phẩm này?

   Ông Trần Ngọc Nam: Thể hiện tinh thần yêu nước qua những đam mê sáng tạo như thế trong điều kiện kinh tế gia đình không khá giả gì, kiến thức chỉ là “tay ngang” như anh Ngà thì thật đáng khâm phục. Tuy nhiên để ý tưởng, sáng tạo của mình đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình, xã hội là một vấn đề khác. Theo tôi, với sản phẩm này thì anh Ngà nên xác định một cách rõ ràng hơn mục đích của mình khi chế tạo tàu mô hình này. Nếu chỉ để giải trí cho chính bản thân thì không cần phải bàn gì thêm. Còn với mục đích nào khác như thương mại hóa sản phẩm chẳng hạn thì anh cần phải tính toán lại quy mô sản phẩm, khắc phục các hạn chế của sản phẩm, bổ sung nhiều tính năng khác… để hoàn thiện sản phẩm. Nếu thành công, anh có thể sản xuất để bán ra thị trường như bao sản phẩm khác (máy bay, xe… mô hình). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều anh nông dân, công nhân rất thành công trong việc cải tiến, chế tạo ra những sản phẩm để thương mại như sản phẩm máy ép củi trấu, máy bóc đậu, máy đúc ba lô…

  Một số hình ảnh về tàu mô hình

   PV: Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này.

   Đức Thiện

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 60