1. Công tác chăm sóc, bón phân:
- Vệ sinh vườn, thoát nước tốt trông mùa mưa, chặt bỏ những cành thấp, cành bị bệnh đưa ra khỏi vườn nhằm tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm.
- Làm cỏ, bón phân và bón đúng quy trình (tùy tuổi cây, loại phân để bón đủ số lượng).
- Hiện nay đang vào mùa mưa bão cần có biện pháp phòng như chống đỡ, chặt tỉa những cành ngọn đối với các vườn cây cao, ngay hướng gió,... Sau bão cần kiểm tra kịp thời để thu gom những cành, cây bị gãy; chống đỡ những cây bị ngã hoặc cắt bỏ cành, ngọn bị gãy.
2. Biện pháp phòng trừ một số bệnh hại chính:
- Bệnh loét sọc miệng cạo: Thường xuyên kiểm tra để phát hiện cây bị bệnh, nếu thấy miệng cạo có vết loét thối rửa, có mùi hôi, mủ xì ra thì phải ngưng cạo mủ. Làm sạch vết thương, dùng một trong các thuốc như Aliette, Vimonyl, Ridomil Gold, ... hòa nước để bôi vào vết bệnh. Bôi 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày đến khi cây lành bệnh mới tiếp tục khai thác mủ.
Chú ý: Khi kết thúc mùa khai thác mủ, phải vệ sinh miệng cạo sạch sẽ sau đó dùng một trong các loại thuốc đã nêu trên bôi vào vết cạo, để khô thuốc rồi bôi Vazelin hoặc thuốc liền sẹo lên bên ngoài nhằm bảo vệ vết cạo không bị thấm nước mưa hoặc nấm bệnh xâm nhập.
- Bệnh nứt thân xì mủ: Trên cành và thân cây bị nứt vỏ làm mủ chảy ra dọc theo thân, cành. Vết bệnh phát triển rộng dọc theo thân, làm vỏ cây khô bong tróc ra, tạo điều kiện cho một số côn trùng đục khoét (nhất là mọt). Bệnh gây hại trên cao su từ 4 năm tuổi trở lên, bệnh nặng làm cây chậm phát triển, giảm sản lượng mủ. Khi phát hiện cây bị bệnh, dùng dao cạo sạch vết bệnh, dùng các loại thuốc Aliette, Vimonyl, Ridomil Gold, Anvil... hòa nước quét vào vết bệnh.
- Bệnh khô mủ: Nguyên nhân chính là do hậu quả của các bệnh Rụng lá Corynespora, loét sọc miệng cạo, phấn trắng, nứt thân xì mủ,... gây ra. Cây bị bệnh lượng mủ sẽ giảm, mủ không chảy thành dòng mà chỉ ứa mủ từng nơi trên vết cạo, những vết cạo kế tiếp mủ không chảy ra. Khi phát hiện cây bị bệnh nên ngừng hẳn việc khai thác mủ và phòng trừ bệnh, chăm sóc, bón phân đến khi cây cho mủ trở lại mới khai thác.
Trong quá trình cạo nếu vết cạo không thấy mủ chảy thành dòng, dừng cạo ngay và dùng kim nhọn chích thử phía dưới vết cạo đến nơi có mủ chảy ra. Dùng dao cạo, cạo sâu vào đến gỗ, sau đó bóc hết phần vỏ phía trên vết cạo, dùng một trong các thuốc sau: Aliette, Ridomil Gold,... hòa nước quét vào sau đó dùng vazelin hoặc thuốc liền sẹo bôi chồng lên lớp thuốc để không cho nước thấm vào vết thương; làm liên tục 2- 3 lần, mỗi lần cách nhau 5- 7 ngày.
- Bệnh rụng lá Corynespora: Bệnh thường xuất hiện sau khi cây ra lá non, nếu bị nặng sẽ làm rụng hết lá và cây bị chết. Khi bị bệnh trên lá non bị đốm hình kim sau đó vết bệnh lớn dần, lá bị khô và rụng. Kiểm tra và phun trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện, tốt nhất là phải phun phòng khi cây mới ra lộc. Các loại thuốc sử dụng để phun phòng trừ như Anvil, Vivil, Vixazole. Liều lượng 2 lít thuốc pha cho 500- 600 lít nước phun cho 1ha.
- Bệnh nấm hồng: Bệnh thường gây hại tại vị trí phân cành do có ẩm độ cao, bào tử dễ bám dính và nảy mầm. Vết bệnh ban đầu những giọt mủ có màu hơi trắng chảy ra, các khuẩn ty trắng giống như màng nhện phát triển xung quanh vết bệnh. Gặp điều kiện thuận lợi vết bệnh từ màu trắng chuyển sang màu hồng nhạt và lan rộng, khuẩn ty phân bố dày đặc và xâm nhập sâu vào vỏ, mủ chảy nhiều thành vệt dài và hóa đen do bị oxy hóa. Khi phát hiện bệnh nên cắt bỏ những cành chết do bệnh để hạn chế sự lây lan và phun trừ bằng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Validamycin như Validacin, Vivadamy, Vanicide,....
- Bệnh héo đen đầu lá: Bệnh thường gây hại khi cây ra lộc non gặp các đợt không khí lạnh và hại nặng trên cao su mới trồng đến 2-3 năm tuổi. Nấm bệnh gây hại trên lá non, làm lá héo đen và rụng, cây cằn cỗi, khô cành, khô ngọn. Thường xuyên kiểm tra để phun trừ kịp thời khi cây bị bệnh hoặc phun phòng khi cây ra lá non sau các đợt không khí lạnh bằng các loại thuốc có gốc đồng như Champion, Funguran...