Lò ấp trứng bằng năng lượng mặt trời
Hằng ngày, Long thường phụ giúp gia đình chăn nuôi gia súc và gia cầm. Trong quá trình ấy, em nhận thấy khó khăn nhất là nguồn giống gia cầm khi còn áp dụng ấp trứng theo kiểu truyền thống nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi.
Còn nếu mang trứng đi ấp ở các cơ sở ấp trứng, tỉ lệ nở sẽ thấp, chưa kể, nhiều hộ sử dụng chung một lò để ấp trứng dẫn đến lẫn lộn các loại gà với nhau và có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Quan trọng hơn là những lò ấp trứng công nghiệp đó không phù hợp với nhu cầu ở địa phương và tiêu hao lượng điện lớn trong quá trình ấp trứng. Ngoài ra, hiện tượng mất điện hoặc sự cố về điện làm cho quá trình ấp bị ảnh hưởng dẫn đến chất lượng có phần giảm sút. Do vậy, em đã nghiên cứu để làm ra sản phẩm này”, Long chia sẻ.
Từ tháng 7 đến cuối tháng 11/2016, em đã tìm hiểu những sản phẩm đã có trên thị trường cùng với việc nghiên cứu những tài liệu liên quan và đi thực tế ở địa phương, sau đó tiến hành chế tạo ra lò ấp trứng thân thiện với môi trường.
Long cho biết, để chế tạo em tận dụng những vật liệu cũ mua ở cửa hàng phế liệu hoặc hàng thanh lý như tôn, sắt, nhôm, động cơ giảm tốc cũ, bộ lưu điện máy tính, ắc quy...
Thế nhưng, sau nhiều lần chế tạo và cải tiến nhưng kết quả vẫn không như kế hoạch đặt ra. “Lúc ấy em nản lắm, nhưng được gia đình động viên cùng với niềm tin bản thân sẽ làm được nên em cố gắng thực hiện đến cùng. Bây giờ sản phẩm đã cho năng suất cao, tỉ lệ nở trên 80%”, Long bộc bạch.
Có hai cách để cấp nguồn cho máy, đó là nguồn điện sinh hoạt và nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Năng lượng mặt trời dùng để sạc điện cho ắc quy, sau đó từ ắc quy qua bộ chuyển áp sẽ trở thành điện 220V cấp điện cho lò ấp.
Lò ấp dùng được trong các trường hợp mất điện hoặc dùng cho các nơi không có điện và có thể kết hợp dùng chung với điện sinh hoạt.
Lò ấp trứng cho năng suất cao
Sản phẩm được thiết kế để sử dụng năng lượng mặt trời và nguồn điện sinh hoạt. Hai nguồn điện này có thể tự động hoán đổi cho nhau.
Lò ấp cũng được cải tiến tốt hơn về phần điều hòa nhiệt, độ ẩm và cơ cấu đảo trứng để phù hợp với những loại trứng ở nước ta. Mạch cảm biến nhiệt và hệ thống đảo trứng có độ chính xác cao giúp giảm bớt hao phí điện năng.
Long cho biết thêm, hiện tại, năng suất của lò là 120 trứng/lần ấp. Sản phẩm đã được đưa vào sử dụng ở gia đình, đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ. Long mong muốn, lò ấp của mình sẽ được đưa đến các vùng núi và vùng chưa có điện để giúp cho địa phương có điều kiện phát triển kinh tế.
Ưu điểm của lò ấp là có thể sử dụng đươc khi mất điện và có giá thành thấp hơn trên thị trường (1,8 triệu đồng/sản phẩm). Ngoài ra, nó còn đảm bảo chất lượng nguồn giống và giảm sức lao động, tăng thêm thu nhập cho người nông dân, nhất là góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm điện khi sử dụng năng lượng mặt trời.
Điểm khác biệt là hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời và điện sinh hoạt, ngoài ra hệ thống ấp trứng được cải tiến như phần đảo trứng, cân bằng nhiệt.
Tuy nhiên, để có được sản phẩm như hiện nay, em đã gặp không ít khó khăn. “Thứ nhất về cơ khí, do em chưa có trình độ nên phải nhờ thợ làm. Thứ hai về mặt điện tử, em chưa có kinh nghiệm nên nhờ anh làm trong ngành điện tử giúp sức”, Long cho biết.
Vừa qua, sản phẩm đã giành được giải Nhì Hội thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017 và giải Nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng thị xã Hương Trà năm học 2016-2017.
Hiện tại, sản phẩm vẫn đang được nghiên cứu để phát triển thêm và tìm kiếm nhà đầu tư ở địa phương hỗ trợ nhằm phát triển dự án theo diện rộng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Sắp tới, sản phẩm được mang đi dự thi cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nguyễn Đình Quý (Phó Hiệu trưởng trường THPT Đặng Huy Trứ) cho biết, Long là học sinh nhiệt tình, chịu khó nghiên cứu.
“Lò ấp trứng có khả năng ứng dụng cao, máy đã được thử nghiệm tại nhà em Long cho kết quả tốt. Vừa qua, cũng có vài người đặt vấn đề được đặt hàng lò ấp trứng. Hiện tại, chúng tôi đang xem xét nhu cầu của các đơn vị đó để đưa ra quyết định”, thầy Đình Quý chia sẻ.