Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

BÀI II: Huế ơi, Đà Nẵng
Ngày cập nhật 01/05/2014

 (TTH) - Vào một ngày tháng Ba, tình cờ tôi được gặp Đại tá Đỗ Hoài Nam cùng một số cựu chiến binh trong buổi hàn huyên “ôn cổ tri tân”. Ông nguyên là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn pháo binh 164, Sư 325, Quân đoàn II (Binh đoàn Hương Giang) từng tham gia trong đoàn quân thần tốc giải phóng Huế, Đà Nẵng tiến thẳng Sài Gòn. Đã gần 40 năm kể từ mùa xuân 1975 đến nay, cảm xúc của ông ngày ấy vẫn như nguyên vẹn.


 

 1. “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Binh đoàn Hương Giang tham gia chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng. Với sức đột kích mạnh, cơ động cao, khả năng tác chiến hiệp đồng quân - binh chủng quy mô lớn, quân đoàn đã hành quân thần tốc, “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, góp phần giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung; kịp thời tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh trên một hướng trọng yếu.
Kỷ niệm 30 năm Huế giải phóng. Ảnh: Tâm Hành
Đầu năm 1975, tại chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị), Trung tướng Nguyễn Hữu An, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Binh đoàn Hương Giang. Ông đã đề xuất một chương trình xây dựng quân đoàn chủ lực cơ động chiến lược mạnh, chiến đấu theo phương thức: Hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Mỗi quân đoàn phải trở thành quả đấm thép của Bộ Tổng tư lệnh mới sớm giải quyết cuộc chiến tranh. Chính ông đã đề xuất phương án tiến công về đồng bằng giải phóng Huế bằng đường 14 thay đường 12 như kế hoạch và đã được Bộ Tổng tư lệnh chiến dịch đồng ý. Ngay sau khi giải phóng Cố đô Huế một ngày, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 liền nhận được lệnh của trên tấn công giải phóng Đà Nẵng. Đại tá Đỗ Hoài Nam nhớ lại: Lữ đoàn pháo binh 164, Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) còn có tên gọi khác là Đoàn pháo binh Bến Hải. Đơn vị đã lập được những thành tích vẻ vang trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen: “Pháo binh ta có truyền thống oanh liệt, chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” và gửi tặng lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Một trong những trận đánh tiêu biểu nhất, vẻ vang nhất, thể hiện tài năng, trí tuệ và tinh thần đoàn kết, quyết thắng của bộ đội Đoàn pháo binh Bến Hải là trận dội bão lửa lên căn cứ Dốc Miếu, nơi được quân đội Mỹ, Nguỵ xây dựng từ năm 1966, nằm cách cầu Hiền Lương (Quảng Trị) khoảng 6km về phía Nam, được Mỹ - Ngụy coi là “con mắt thần” của hàng rào điện tử Mắc Namara.
Lữ đoàn pháo binh 164 được lệnh hành quân hỗ trợ Binh đoàn Hương Giang tham gia chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Huế, Đà Nẵng giải phóng, Lữ đoàn pháo binh được lệnh thần tốc tiến quân vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đoàn quân đến thị xã Quảng Ngãi, sau 30 năm xa mẹ, xa quê, Đại tá Đỗ Hoài Nam, vị Lữ đoàn trưởng chỉ huy đoàn quân lòng bồi hồi khôn tả. Trao quyền dẫn đầu đoàn quân cho Lữ đoàn phó, ông tranh thủ phóng xe chạy tạt qua nhà. Giây phút gặp lại mẹ quá ngắn ngủi, ông phải vội đi, tiếp tục cuộc hành quân thần tốc, chỉ kịp nói với “ Giải phóng Sài Gòn xong con sẽ về ngay với má”.
Quân chủ lực của ta đã nhanh chóng cơ động lực lượng cắt đứt giao thông trên bộ ở Bắc đèo Hải Vân, buộc các đơn vị cánh Bắc của Quân đoàn I địch tháo chạy ra cửa biển. Thuận An và Tư Hiền để chờ tàu hải quân đến cứu. Cuộc tháo chạy đã diễn ra hoảng loạn. Các đơn vị pháo binh quân giải phóng đã khóa chặt hai cửa biển. Những đơn vị địch thoát được lên tàu chạy vào đến Đà Nẵng cũng chỉ là tàn quân. Các lực lượng địch còn lại bỏ vũ khí hoặc đầu hàng hoặc tan rã. Ngày 26/3/1975, Huế giải phóng.
Đà Nẵng bị vây từ ba phía Tây, Nam, Bắc và quân giải phóng bắt đầu tấn công ngay từ ngày 26 tháng 3. Các đơn vị quân giải phóng bỏ qua vòng ngoài nhanh chóng đánh chiếm trung tâm thành phố mà không gặp kháng cự nào đáng kể. Ngày 29 tháng 3, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Tại đây khoảng 14 vạn sĩ quan, binh lính Ngụy đã ra hàng. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc. Cũng trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1975, lần lượt các tỉnh thành phố ven biển miền Trung gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hoà dần được giải phóng. Đường đến Sài Gòn đã rút ngắn đến rất gần.
 2. Giải phóng Trường Sa
Trung tá Trần Khị, nguyên Trưởng ban Quân lực của Trung đoàn Gio An, quê Ninh Giang, Hải Dương kể lại: Để chuẩn bị tham gia giải phóng Trường Sa và tiếp quản quần đảo, Trung đoàn đã điều động Tiểu đoàn 471, gồm ba trăm quân cùng hai đại đội hỏa lực 12 ly 7 và đại đội súng cối DKZ. Tham gia chuyến đi có ba cơ quan của Trung đoàn: cơ quan Tham mưu, Chính trị và Hậu cần. Trung đoàn trưởng Nguyễn Thí, quê ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế dẫn đầu; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Nguyễn Xuân Trường, quê Hà Tây; Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn… Hai tuần sau ngày Đà Nẵng giải phóng, một đoàn tàu thần tốc từ Hải Phòng vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) để đón một đơn vị bộ đặc công và bộ binh quân chủ lực của Sư đoàn 2, Quân khu V vượt biển giải phóng Trường Sa. Biên đội gồm 3 tàu 673, 674 và 675 do các ông Nguyễn Xuân Thơm, Nguyễn Văn Đức và Phạm Duy Tam làm thuyền trưởng vào đến cảng Tiên Sa lúc 21h ngày 10/4. Sau một ngày tiếp nhận lương thực, vũ khí, biên đội thẳng tiến ra đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa).
Trong 3 ngày đêm, đoàn tàu đã vượt gần 500 hải lý (khoảng 1.000 km) đến Trường Sa. Trong đêm tối giữa trùng khơi mịt mùng, đoàn quân giải phóng đã xác định chính xác mục tiêu cần tiếp cận. Chỉ 15 phút nổ súng, đến 4h45 ngày 14/4, đảo Song Tử Tây đã được giải phóng. Đêm 23 rạng sáng 24/4/1975, quân ta đổ bộ đánh chiếm đảo Sơn Ca sau ít phút nổ súng. Ngay sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, hệ thống phòng thủ ở toàn bộ quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Cùng lúc này các lực lượng của Đoàn đặc công 126 tiếp tục theo tàu đi giải phóng các đảo còn lại: Sinh Tồn, Nam Yết, An Bang và Trường Sa Lớn. Ngay hôm đó (14/4) tàu 675 chở quân của Sư đoàn 2, Quân khu V kịp thời ra tiếp quản, thiết lập hệ thống phòng thủ bảo vệ đảo Song Tử Tây, rồi tiếp tục chở quân của Lữ đoàn 126 tiếp tục hành trình giải phóng quần đảo Trường Sa. Lúc này, trên đất liền các mũi tiến công đã giành thắng lợi giòn giã, quân đội của chính quyền Sài Gòn hoang mang không thể cố thủ ở các đảo còn lại, nên đoàn quân giải phóng đã lần lượt cắm cờ Mặt trận giải phóng miền Nam trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa và An Bang. Đến 2h sáng 29/4/1975, Trường Sa được giải phóng. Thêm niềm tự hào về Trung đoàn “ Gio An anh hùng”.
 
Thông tin điện tử TT- Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 1.006