Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đổi thay đôi bờ Hiền Lương
Ngày cập nhật 02/05/2014
Cuộc sống đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải đang ngày càng đổi mới. Ảnh: VGP/Minh Trang

 (Chinhphu.vn) - Trong suốt chiến tranh, đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, ranh giới chia cắt đất nước, bị tàn phá nặng nề, gần như vùng đất chết. Sau 39 năm đất nước thống nhất, cuộc sống nơi đây đang thay da đổi thịt.

 Sau Hiệp định Geneva 1954, sông Bến Hải nằm trên vĩ tuyến 17, thuộc tỉnh Quảng Trị trở thành ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam. Trong suốt 21 năm, đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải được xem là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến sự chia ly, cuộc chiến giành lại thống nhất non sông của dân tộc ta.

Sức sống hồi sinh “vùng đất chết”

Về thăm khu di tích, chúng tôi có dịp ghé thăm ông Trần Công Hai, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, một cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến giành độc lập tại đây. Ông kể: Thời kỳ đó, cả hai bên bờ bị mưa bom, bão đạn tàn phá nặng nề, gần như vùng đất chết. Đặc biệt, ở phía bờ Nam, nhằm thực hiện âm mưu "Việt Nam hóa" chiến tranh, Mỹ ngụy đã tổ chức bình định, càn quét, đàn áp, thiêu hủy hầu như toàn bộ làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng, dồn dân vào các trại tập trung nhằm biến Gio Linh thành một “vành đai trắng”.

Nghẹn ngào về quá khứ bao nhiêu, giọng ông lại rưng rưng niềm xúc động trước sự đổi thay của quê hương:  Đôi bờ Hiền Lương nay đã thay da đổi thịt, đi đến đâu cũng thấy khí thế hăng say sản xuất, con người đang đồng lòng chung tay xây dựng quê hương đổi thay từng ngày.

Vùng đất chết năm xưa loang lổ dấu vết bom cày đạn xới thì nay đã nhường chỗ cho những đồng lúa, rừng cao su, hồ tiêu… xanh ngút ngàn. Ông Nguyễn Đức Hiếu, xóm Chợ, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh phấn khởi cho biết, năm nay gia đình ông trồng mới 3 sào tiêu, nâng tổng diện tích lên 1 ha. Thời gian này giá tiêu lên cao và giữ ở mức ổn định từ 100.000-150.000 đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, mỗi vườn tiêu chừng 5 sào từ 5-7 tuổi cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Trên những cánh đồng ngô, rộn ràng tiếng nói tiếng cười của các cô, các chị đang thoăn thoắt thu hoạch ngô. Được biết, nông dân ở Vĩnh Linh đang được mùa vụ ngô. Với tổng diện tích gieo trồng 446 ha cao nhất từ trước đến nay, năng suất bình quân dự tính mỗi ha đạt gần 5 tấn, sẽ cho mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/ha.

Chuyến cá bội thu của ngư dân tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ảnh: VGP/Minh Trang

Phát huy thế mạnh vùng trung du và miền biển

Nằm bên con sông lịch sử, toàn thể chính quyền cùng nhân dân hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh đang nỗ lực phát triển mọi mặt kinh tế-xã hội nhằm bù đắp những mất mát mà chiến tranh đã gây ra. Hai huyện đã và đang tập trung đầu tư phát triển mạnh hai ưu thế là kinh tế gò đồi, miền núi và kinh tế miền biển.

Đối với kinh tế vùng trung du, miền núi, cao su và hồ tiêu là hai loại cây công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, cho biết, mô hình cao su tiểu điền những năm qua đã đem lại thu nhập cao cho các hộ, có rất nhiều hộ giàu lên nhờ cây cao su. Hiện huyện có diện tích cao su lớn nhất toàn tỉnh với 6.027 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 3.950 ha.

Đối với cây hồ tiêu, năm 2013, hồ tiêu vừa được mùa vừa được giá. Trên tổng diện tích 1.028 ha, năng suất hồ tiêu đạt 13,5 tạ/ha so với năm 2012 là 12 tạ/ha, sản lượng đạt 1.157 tấn, tăng 123 tấn so với năm 2012. Năm 2014 sẽ trồng mới khoảng 100 ha hồ tiêu. Huyện sẽ đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, củng cố, phục hồi, trồng mới cây hồ tiêu ở các xã miền Tây, xây dựng đề án khôi phục và phát triển vườn tiêu tại xã Hải Thái, kết hợp tăng cường các giải pháp quản lý cây giống, phòng chống dịch bệnh nhằm phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Cũng như huyện Vĩnh Linh, ông Lê Quang Chiến, Bí thư huyện ủy Gio Linh cho biết huyện có gần 400 ha hồ tiêu, đang giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu. Phấn đấu đến năm 2020, huyện sẽ mở rộng diện tích hồ tiêu lên 600 ha, tập trung ở các xã miền tây có đất đỏ bazan màu mỡ, đồng thời kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn chính sách với lãi suất ưu đãi giúp người trồng tiêu có cơ hội phát triển vườn tiêu bền vững.

Hồ tiêu mang lại thu nhập cao cho nông dân đôi bờ Hiền Lương. Ảnh: VGP/Minh Trang

Bên cạnh đó, với lợi thế đường bờ biển dài 16 km, có 2 cửa lạch quan trọng là Cửa Việt và Cửa Tùng, Gio Linh là “vùng đất vàng” về khai thác đánh bắt thủy sản, chiếm 2/3 sản lượng khai thác trên toàn tỉnh. Hiện trên toàn huyện có 672 tàu thuyền khai thác hải sản, tổng công suất 35.762 CV; trong đó có 142 tàu xa bờ, tăng 132 tàu xa bờ so với năm 2005. Tổng sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản tăng mạnh qua từng năm, năm 2013 đạt 13.353 tấn, tăng 12.937 tấn so với năm 2005.

Ông Chiến khẳng định, trong thời gian tới, huyện Gio Linh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh khai thác, đánh bắt thủy hải sản và đầu tư phát triển ngành nghề, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch dọc tuyến biển. Các địa phương vùng biển sẽ tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân về mọi mặt để họ yên tâm vươn khơi, đánh bắt xa bờ, làm giàu từ biển.

 

Huyện sẽ phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện giúp ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, phát triển nghề khai thác thủy hải sản. Nhờ đó, các địa phương và người dân vùng biển có cơ hội đầu tư mua sắm, nâng cấp, cải hoán tàu, thuyền, tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, ngư lưới cụ hiện đại phù hợp với từng loại ngư trường, phát triển các nghề mới.

Minh Trang
Nguồn: chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 967