Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Làm thế nào để nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn?
Ngày cập nhật 06/05/2014
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội trò chuyện với các bạn đoàn viên thanh niên huyện Phúc Thọ về công tác phát triển Đảng tại nông thôn. (Ảnh: TH)

 (ĐCSVN) - Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo “Công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn” do Huyện ủy Phúc Thọ (Hà Nội) và Báo Hà Nội mới tổ chức gần đây. Và tại Hội thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng tại địa bàn này.

 Còn nhiều khó khăn, hạn chế đang tồn tại

 

Đồng chí Đoàn Anh Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết, Đảng bộ huyện Phúc Thọ hiện có 45 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với gần 7.000 đảng viên, trong đó đảng viên sinh hoạt ở 177 chi bộ nông thôn có 4.212 đồng chí, chiếm 63%. 3 năm qua, huyện đều vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên mới. Tuy nhiên, tỷ lệ đảng viên mới kết nạp ở khu vực nông thôn còn thấp. Trong 634 đảng viên kết nạp từ năm 2011- 2013, chỉ có 215 đảng viên khu vực nông thôn, chiếm 1/3 tổng số đảng viên mới kết nạp, trong khi đó số đảng viên đang sinh hoạt tại khu vực này chiếm gần 2/3 tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ huyện.

Bên cạnh số lượng, vấn đề chất lượng đảng viên mới ở khu vực nông thôn, ngoại thành cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn của đảng viên mới kết nạp ở khu vực nông thôn đều thấp hơn so với tỷ lệ chung, cụ thể có 19 đảng viên chỉ tốt nghiệp THCS thì đều ở khu vực này. Cùng với đó là còn nhiều chi bộ khu vực nông thôn chưa quan tâm công tác kết nạp đảng viên mới. Cụ thể, có tới 56 chi bộ chỉ kết nạp được 1 đảng viên trong 3 năm qua và 59 chi bộ không kết nạp được đảng viên nào.

Một vấn đề nữa là tính ổn định lâu dài trong tham gia sinh hoạt Đảng tại khu vực nông thôn không cao, xấp xỉ 1/3 đảng viên mới kết nạp ở khu vực nông thôn, ngoại thành là sinh viên, học sinh mới ra trường, chờ việc làm, nên khi có việc làm thường thoát ly khỏi khu vực nông thôn.

Đáng chú ý nhất là ý thức phấn đấu, rèn luyện, sự kiên trì và tinh thần vượt khó, khắc phục hoàn cảnh của đảng viên mới kết nạp ở khu vực nông thôn còn hạn chế. Trong 3 năm, toàn huyện có 12 đảng viên mới kết nạp bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên đều ở khu vực nông thôn. Nguyên nhân chủ yếu là các trường hợp này đi làm ăn xa, lấy chồng địa phương khác, không có điều kiện tham gia sinh hoạt, tự ý bỏ sinh hoạt Đảng…

Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Anh Tuấn, nguyên nhân của những hạn chế này đến từ nguồn phát triển đảng viên hằng năm ở nông thôn chủ yếu dựa vào lực lượng thanh niên, nhưng hiện nay hầu hết các lực lượng này đi học hoặc làm ăn xa có ít thời gian tham gia sinh hoạt các đoàn thể nên khó khăn trong giới thiệu đối tượng ưu tú để giúp đỡ, bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Bí thư Đảng ủy xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ Kiều Trí Dần phân tích, sự chênh lệch cao về mức sống, thu nhập giữa nông thôn và thành thị, đã tạo ra làn sóng ly nông, ly hương mạnh mẽ. Nhiều thanh niên học xong THPT nếu không thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp thì lại đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp để tìm việc hoặc đi xuất khẩu lao động; còn sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng lại cố trụ lại các đô thị...

Mặt khác một số cấp ủy chưa quan tâm, chưa chủ động bồi dưỡng, rèn luyện, giáo dục quần chúng. Phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng phấn đấu vào Đảng cũng chậm đổi mới, thiếu sâu sát nên kém hiệu quả. Song song với đó là tính chiến đấu và khả năng lãnh đạo, vai trò tiên phong gương mẫu của một bộ phận đảng viên chưa cao, chưa phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cơ sở nên chưa thu hút thanh niên...

Từ quan sát thực tế giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục chính trị huyện Phúc Thọ, Giám đốc Trung tâm Khuất Thị Mai cho biết, có một số quần chúng ưu tú được chọn để đi học cảm tình Đảng nhưng vẫn chưa xác định đúng động cơ vào Đảng. Điều này là do một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm, chưa tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên được rèn luyện, phấn đấu; chưa đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Không khó nếu có quyết tâm

Những khó khăn đang tồn tại trong việc phát triển đảng viên ở khu vực huyện Phúc Thọ đang là một thực tế. Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ có kinh nghiệm làm công tác phát triển Đảng sẽ có cách tháo gỡ và trở thành vấn đề không khó nếu có quyết tâm.

Là một Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Phúc Thọ, từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ xã Thọ Lộc đã kết nạp được 23/30 đảng viên mới ở khu vực nông thôn. Bí thư Đảng ủy xã Kiều Trí Dần cho biết, kinh nghiệm của Đảng ủy xã là làm thật tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đảng, vận động giác ngộ quần chúng vào Đảng. Cấp ủy đảng từ xã đến thôn đã tổ chức khảo sát, nắm tình hình, tâm tư, tình cảm của nhân dân thông qua các cấp ủy chi bộ, các hội đoàn thể nhất là đoàn thanh niên để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động quần chúng trên các kênh thông tin và các đoàn thể nhân dân.

Từ thực tiễn của xã Cẩm Đình, một trong những xã có dân số ít nhưng tỷ lệ đảng viên cao (3 năm qua, Đảng bộ xã Cẩm Đình kết nạp được 22 đảng viên, vượt chỉ tiêu huyện giao, trong đó có chi bộ 12 năm liền không kết nạp được đảng viên, trong 3 năm qua đã kết nạp được 4 đảng viên mới). Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Đình Vũ Thị Trường cho rằng, để làm tốt công tác phát triển, các cấp ủy đảng và các chi bộ phải chủ động, sáng tạo, luôn tìm cách làm mới vừa phù hợp với quy trình kết nạp đảng viên, nhưng vừa thể hiện sự linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy. Cần xác định trách nhiệm lớn lao của mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Còn theo Bí thư chi bộ 7, Đảng ủy thị trấn Phúc Thọ Khuất Văn Thuấn, phát triển Đảng ở khu vực nông thôn không khó, nếu bí thư chi bộ có trách nhiệm và nhiệt huyết... Trong hơn 20 năm làm công tác Đảng ở chi bộ, năm nào chi bộ của đồng chí Khuất Văn Thuấn cũng kết nạp được ít nhất 1 đảng viên...

Với phương châm chú trọng công tác phát triển đảng viên là đoàn viên, hội viên trong thôn trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, chi bộ thôn Kim Lũ, xã Thượng Cốc đã xây dựng kế hoạch, tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Chi bộ phân công cụ thể cho các tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm thông qua những hoạt động, việc làm cụ thể của tổ chức mình, lựa chọn những quần chúng ưu tú giới thiệu cho chi bộ xem xét đưa vào nguồn kết nạp. Mười năm qua, chi bộ thôn Kim Lũ hằng năm kết nạp được từ 1 đến 2 đảng viên mới, trở thành một trong những chi bộ làm tốt công tác phát triển đảng viên của Đảng bộ xã Thượng Cốc. Với 20 năm làm Bí thư chi bộ thôn Kim Lũ, đồng chí Cao Xuân Miễn cho biết, kinh nghiệm cho thấy, quần chúng chỉ có thể trở thành đảng viên khi họ được chi bộ gần gũi, giúp đỡ, được hòa mình vào đời sống xã hội và tham gia các phong trào thi đua, lao động sản xuất của địa phương.

Đồng tình với các đại biểu, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho rằng có nhiều giải pháp, trong đó, cấp ủy các cấp sớm phát hiện nguồn, lên danh sách và rà soát thường xuyên. Chủ động tiếp cận nguồn, tuyên truyền, giới thiệu với họ về Đảng, giác ngộ họ về bản chất, mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Chăm lo giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú giúp họ nâng cao nhận thức, giác ngộ lý tưởng cách mạng, qua đó tạo niềm tin vào Đảng và có động cơ phấn đấu để trở thành đảng viên. Ngoài nguồn chủ yếu hiện nay là thanh niên địa phương sau khi kết thúc học về sinh hoạt tại địa bàn, cần chú ý mở rộng đối tượng là bộ đội xuất ngũ, phụ nữ, nông dân có nhiều thành tích, có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng. Muốn vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ và Hội Nông dân, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi nhận thức cho các hội viên về Đảng và việc gia nhập Đảng.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu khẳng định, trong công tác tạo nguồn, giải pháp rất cần được chú ý là tập trung lãnh đạo thật tốt việc phát triển kinh tế - xã hội. Đây là biện pháp cơ bản, chỉ có phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng vững mạnh, tạo công ăn việc làm cho thanh niên mới có thể giữ chân được các thanh niên, từ đó xây dựng nguồn để bồi dưỡng, phát triển Đảng. Một giải pháp nữa cũng quan trọng là xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị. Tổ chức đảng mạnh, đảng viên gương mẫu sẽ là sức hút rất lớn đối với quần chúng.../.

Thu Hà

Nguồn Báo điện tử ĐCSVN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 934