Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

“Châu bản triều Nguyễn” đón bằng công nhận Di sản của UNESCO
Ngày cập nhật 30/09/2014

        Sáng 30/7, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho "Châu bản triều Nguyễn".

Bà Katherine Muller, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội trao Bằng công nhận Châu bản triều Nguyễn là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới cho Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.

        Với những giá trị nổi bật về mặt nội dung phong phú, hình thức độc đáo, tính duy nhất, không thể thay thế và có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên thế giới, tháng 5/2014, Châu bản triều Nguyễn được Tổ chức Văn hóa-Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đưa vào Danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

       Ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam.

       Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, Châu bản triều Nguyễn là nguồn sử liệu gốc, độc bản, đặc biệt quý hiếm, gắn với một giai đoạn nhiều biến động của lịch sử Việt Nam. Châu bản lưu giữ các thông tin đa dạng về lịch sử, tư tưởng chính trị, chủ trương chính sách của triều Nguyễn, đời sống kinh tế-xã hội của con người Việt Nam và mối giao lưu văn hóa, kinh tế của triều nguyễn với các nước trên thế giới.

       Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chia sẻ trong số những Châu bản đang được lưu trữ, có 19 Châu bản viết về hoạt động của đội Hoàng Sa, Bắc Hải được các vua triều Nguyễn cử ra Hoàng Sa, Trường Sa, thực thi chủ quyền và khai thác sản vật. Những tài liệu chính thức này có giá trị pháp lý cao trong việc khẳng định Việt Nam đã quản lý, làm chủ và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục và lâu đời.

       Ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng, đây không chỉ là sự ghi nhận đối với giá trị văn bản, tư liệu mà còn là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chứng cứ háp lý, lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

        Châu bản triều Nguyễn giúp người đọc ngược dòng thời gian trở về hơn 155 năm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin nhận định.

       Bà  Katherine cho rằng, nhiều Châu bản vẫn còn nguyên tính thời sự, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của con người Việt Nam trong việc phát triển giáo dục, khoa học, văn hóa và giao lưu quốc tế. Bà ví dụ, Vua Gia Long đã có nhiều ngự phê tập trung về giáo dục, chú trọng thi cử, tuyển chọn vào đào tạo nhân tài, hay việc Vua Thành Thái cho mở trường quốc học vào năm 1896 và ngự phê đặt mua các báo bằng tiếng nước ngoài để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu.

       Châu bản là những tài liệu được nhà vua phê duyệt trực tiếp bằng mực son đỏ, mang tính độc bản. Các hình thức ngự phê trên Châu bản rất phong phú: Châu điểm là một nét son vua chấm lên đầu văn bản thể hiện sự chấp thuận các vấn đề trình trong văn bản. Châu phê là một từ, một câu hoặc một đoạn văn thể hiện quan điểm và ý kiến chỉ thị của nhà  vua. Châu khuyên là các vòng son khuyên lên tên người hoặc điều khoản được nhà vua chấp thuận. Châu mạt là nét son nhà vua phết lên những chỗ  không được chấp nhận. Châu sổ, Châu cải là nét son nhà vua gạch sổ trực tiếp lên những chỗ  sai sót trong văn bản và viết chữa lại bên cạnh

Châu bản viết bằng chữ Việt

       Trong số 85.000 văn bản hành chính của 11 triều vua nhà Nguyễn đã thu thập được, đa phần các văn bản được soạn thảo bằng chữ Hán, chữ Nôm. Một số ít văn bản của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn được viết bằng chữ Hán Nôm, chữ Pháp và chữ Việt.

       Thông qua Chương trình Ký ức thế giới, các di sản tư liệu sẽ có nhiều cơ hội để phát huy giá trị và ngày càng gần hơn với công chúng và xã hội hơn. Sắp tới, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khối tài liệu này như xây dựng website song ngữ Việt – Anh về Châu bản, tăng cường xuất bản ấn phẩm về Châu bản, dịch Châu bản từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt…

       Tới nay, Việt Nam đã có 4 di sản tư liệu được UNESCO công nhận. Trong đó có 2 di sản tư liệu được ghi vào Danh mục Di sản Tư liệu thế giới (Mộc bản triều Nguyễn; 82 Bia Tiến sĩ  tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang; Châu bản triều Nguyễn)./.

L.T.H.Danh - CCBĐĐP tổng hợp từ “baodientu.chinhphu.vn” (tác giả Công Việt - ngày 30/07/2014)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 612