Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tết về nhớ bánh tét làng Chuồn
Ngày cập nhật 09/02/2015

(VHH) - Những ngày này nhà bà Huỳnh Thị Hường (Xóm 6, An Truyền, Phú An) huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế luôn đông hẳn người làm. Công tác chuẩn bị cho mùa bánh tết đã sẵn sàng từ việc chọn nếp, củi, lá cho đến thịt mở, đậu xanh làm nhân bánh.

Chỉ còn một vài ngày nữa ngôi làng nằm bên Đầm Sam sẽ rộn ràng với nghề nấu bánh tét. Danh phận của bánh tét làng Chuồn nổi tiếng khắp nước bởi trong lịch sử đó từng là thứ “ bánh tiến vua” mỗi khi đến dịp Tết cổ truyền.

Tìm đến nhà bà Huỳnh Thị Hường ở làng An Truyền xã Phú An đúng lúc bà Hường đang tiến hành công đoạn làm nhụy cho bánh tét. Bà Hường vừa làm vừa vui vẻ kể: "Tính đến năm nay thì tôi cũng làm bánh được 20 năm rồi, nhờ có mẹ tôi bày vẽ cách làm bánh từ nhỏ, từ cách chọn nếp, chọn đậu cho đến cách nêm, tẩm ướp gia vị hầu như là tôi đều làm rất giống mẹ. 

Nhụy này dùng thịt mỡ và đậu xanh đã luộc sơ qua cùng với ít tiêu, hành hương và gia vị. Tùy theo khách đặt hàng mà dùng thịt mỡ hay thịt nạc. Nhưng hầu như khách hàng rất chuộng thịt mỡ vì nó làm cho món bánh ngậy và béo hơn. 

Chắc ai cũng nghĩ ngon hay dở là phụ thuộc nhiều vào nhụy nhưng đối với riêng gia đình tôi để có được một đòn bánh tét ngon thì phải kết hợp tất cả các công đoạn". Nói xong, bà xuống nhà đem các nguyên liệu còn lại để gói bánh lên như lá chuối, nếp, dây ni lông để cột bánh. 

Bà tiếp tục bộc bạch: "Bánh tét ở làng tôi nói chung và gia đình tôi nói riêng, để tạo dựng được một thương hiệu như hiện nay đó là nhờ vào nếp, nếp dùng để gói bánh là nếp ngon, dẻo thơm đã có từ lâu đời. Gia đình tôi thường đặt nếp của anh em, bà con để nếp không bị trộn lẫn với gạo, làm mất đi hương vị vốn có.

Còn lá dùng để gói bánh thường lá chuối sứ, chúng tôi không dùng lá rừng như một số nơi khác. Tuy giá lá chuối có phần trội hơn các lá khác nhưng bù lại bánh tét ở đây có màu xanh đặc trưng. 

Bánh thường ngày nấu khoảng sáu tiếng bằng nước trong, còn dịp tết thì phải tới mười hai tiếng để giữ bánh được lâu hơn ngày thường". Vừa nói chuyện tay bà vừa làm thoăn thoắt, chưa đầy mười phút thì dì đã làm xong sáu chiếc bánh tét rồi.

Trong thời tiết se lạnh, chứng kiến không gian ấm cúng của con cháu trong gia đình bà Hường ngồi bên nhau làm bánh, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xao xuyến bởi cái không khí ngày giáp tết đến với nơi đây thật sớm. 

Nghề làm bánh này đã trở thành nghề gia truyền, bà Hồ Thị Thí một trong những người có thâm niên hơn 60 năm theo nghiệp bánh tét ở làng Chuồn cho biết: Từ thời chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở xứ sở Thuận Hóa, bức "ruộng Cửa" trong làng là thửa đất đặc biệt, trồng lúa thì lúa ngon, trồng nếp thì nếp thơm. 

Mỗi năm làng đem sào ruộng đó ra đấu, nếu ai đấu được thì khi thu hoạch phải nộp 1 thùng nếp, 2 thùng thóc để nấu dâng vua, số nếp còn lại được dùng để nấu bánh tét. Nhờ đó mà hương vị của bánh tét làng Chuồn trở nên hết sức đặc biệt.

Nghề làm bánh tét ở làng Chuồn đã có từ hơn 400 năm nay. Người làng Chuồn làm bánh tét quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết, nhà nhà đều làm bánh. 

Trẻ con lau lá, người lớn thì vút nếp, xào nhụy, gói bánh. Nghe ông bà Thí kể bí quyết làm nên loại bánh đặc trưng của vùng quê này tôi mới hiểu vì sao bánh tét làng Chuồn có vị trí đặc biệt trong đời sống ẩm thực của người dân Huế.

Hiện nay, tại làng Chuồn hiện còn hơn 50 hộ dân tham gia làm nghề gói bánh Tét. Bánh tét làng Chuồn có giá bán từ 30 đến 50 nghìn đồng/1 đòn. 

Bánh tét vốn là món quà dân dã, đậm đà hương vị của quê hương, đồng nội mang đến cảm giác ấm lòng, xao xuyến những người khách xa quê trở về. 

Đặc biệt hơn, bánh tét lại là một trong những vật phẩm không thể thiếu được trên bàn thờ tổ tiên trong mỗi dịp tết về đã trở thành một truyền thống văn hóa từ bao đời nay của người dân Huế nói riêng và người Việt Nam nói chung.

Theo Minh Ngọc (GD&ĐT)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 325