Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Mùa Xuân đến sớm nơi làng hoa giấy Thanh Tiên
Ngày cập nhật 15/02/2015
Ảnh: Đào Hoa Nữ

(VHH) - Từ trung tâm thành phố Huế xuôi về Thuận An chừng 5-6km theo hướng Đông Bắc, làng hoa giấy Thanh Tiên sẽ hiện lên trước mắt mọi người với muôn vàn hoa giấy khoe sắc.

Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng nằm dọc bờ nam hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình. Làng Thanh Tiên nổi tiếng với nghề truyền thống làm hoa giấy trong cả nước có lịch sử hình thành và phát triển 300 năm. Đây còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Theo sử sách, làng Thanh Tiên được khai canh bởi ngài Võ Đình Tiên, người gốc Sơn Tây, vì theo phò chúa Nguyễn nên đã di cư vào đất Thuận Hóa từ thế kỷ XV. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy của dân làng Thanh Tiên đã thành hình từ thế kỷ XVIII. Tương truyền, ngày xửa ngày xưa, khi kiệu hoa của Chiêm vương Chế Mân rước công chúa Huyền Trân từ Thăng Long về làm dâu Chiêm quốc, đi ngang xứ Thuận Hóa trong một ngày cuối đông ảm đạm. Giữa hoang sơ lau lách của miền biên viễn, nàng đã kết những bông hoa bằng giấy ngũ sắc để đón xuân về trong nỗi hoài niệm cố hương. Dân làng Thanh Tiên noi theo tích ấy, hàng năm kết giấy thành hoa, trang trí nhà cửa để đón Tết, lâu dần thành nghề làm hoa xuân.

Thực ra, nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người dân xứ Huế. Mặt khác, Thừa Thiên Huế là vùng đất nắng lắm mưa nhiều, thời tiết thất thường, nên hoa tươi dâng cúng ở các đền miếu không phải khi nào cũng có sẵn. Đó là chưa kể vào những năm lũ lụt triền miên, việc trồng hoa tươi không thuận tiện. Chính vì thế người dân trong làng mới nghĩ ra nghề làm hoa giấy để dâng cúng thần linh và trang trí trong nhà vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Lâu dần, nghề làm hoa giấy mới phát triển, thịnh hành và trở thành nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như ngày nay.

Để có được những cành hoa giấy muôn sắc màu, người làm hoa giấy phải chuẩn bị từ đầu thu. Theo các nghệ nhân, cứ vào khoảng tháng 9-10 âm lịch hằng năm, người làm hoa giấy Thanh Tiên bắt đầu chọn những cây tre tốt trong làng đem chẻ nhỏ, vót mỏng phơi khô làm cuống hoa, sau đó được đem tẩm với phẩm màu. Và cứ vào độ tháng Chạp hằng năm thì cả làng đều rộn ràng chuẩn bị cho mùa hoa Tết, người dân làng Thanh Tiên nhà nhà, mỗi người một nhiệm vụ, người chuẩn bị thanh tre làm cành hoa, người nhuộm màu cho giấy, người tạo dáng cánh hoa, người xếp hoa lên sàn... Tất cả đều rất tỷ mỷ, công phu với niềm đam mê và tâm huyết với nghề để cho ra đời những đóa hoa mai, lan, cúc, trúc, hoa sen, hoa huệ, hoa hồng, dã quỳ, tường vi... trong đó, có hai thứ bông sân dã: bông lùng, bông đũa, có thể xem là các tác phẩm mỹ thuật tạo hình đầy thú vị...

Giấy làm hoa có thể do những người thợ tự nhuộm bởi những màu sắc tự nhiên mà mỗi gia đình có một bí kíp gia truyền  riêng, làm cho màu sắc hoa giấy Thanh Tiên không lẫn vào đâu được. Ngày nay, rất ít gia đình trong làng sử dụng phương pháp này mà thường mua giấy màu bán sẵn.

Hoa giấy Thanh Tiên chủ yếu làm thủ công. Các công đoạn từ vót tre, tẩm màu, cắt cánh, nhụy hoa... đều sử dụng đôi tay khéo léo của người thợ. Công đoạn cuối cùng là tạo nếp nhăn trên hoa, tạo sự sống động cho cánh và kết lại thành từng cành, mỗi cành 9-10 bông.

Hoa giấy gắn với đời sống tâm linh của làng Thanh Tiên và người dân xứ Huế từ bao đời nay. Mỗi độ xuân về, hoa giấy lại theo chân người làng dạo quanh khắp phố phường, đem hương vị Tết về với mọi nhà.

Ngày nay, do sự cạnh tranh của nhiều loại hoa nhựa đang tràn ngập thị trường, những người làm hoa giấy Thanh Tiên phải liên tục thay đổi mẫu mã để tạo sức cạnh tranh và quyết giữ nghề truyền thống.

Cứ mỗi độ Xuân về Tết đến, làng hoa giấy Thanh Tiên lại tấp nập du khách gần xa đến tham quan và tìm hiểu về nghề làm hoa giấy. Người dân địa phương các vùng miền cũng đến để tìm cho mình những bình hoa ưng ý về trang trí bàn thờ và phòng khách để chuẩn bị cho một cái Tết cổ truyền ấm áp.

BM
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 359