Tham dự Hội thảo có các đại biểu trong nước và quốc tế, một số diễn giả công nghệ thông tin hàng đầu đến từ 4 nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Xin-ga-po và các đại biểu thuộc đại diện “Nhóm Sáng kiến Việt Nam” cùng đại diện Đại sứ quán các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po tại Hà Nội.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sự phát triển của đô thị đang đặt ra các vấn đề lớn cần phải giải quyết, nổi bật là 4 vấn đề: Đô thị hóa tăng (dân số đô thị tăng, số đô thị tăng) kéo theo các vấn đề môi trường, giao thông, dịch vụ y tế…; Hạ tầng lạc hậu, quá tải (điện, nước, giao thông); Cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, giữa các vùng tăng; Đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng (giáo dục, y tế, chính quyền).
Khái niệm “đô thị thông minh” còn khá mới mẻ tại Việt Nam, có thể hiểu đó chính là một thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, năng lượng thông minh… ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng một cách hiệu quả, chính quyền cung cấp các dịch vụ, tiện ích tới người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng tối đa yêu cầu của đại bộ phận người dân và doanh nghiệp. Mặc dù còn nhiều bất cập, song hiện nay, các đô thị Việt Nam đang phát triển theo hướng tiếp cận với nhiều mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều tiền đề về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, truyền thông để phát triển đô thị thông minh và quản lý thông minh.
“Đô thị thông minh” là một vấn đề mới, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan đưa ra 4 mục tiêu hướng tới trong quá trình phát triển của Việt Nam năm 2025 – 2030 là: Hiệu quả kinh tế ở các đô thị ngày càng cao (2025: diện tích đô thị khoảng 15% diện tích cả nước, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50% (dân số), tạo ra khoảng 75% GDP); Môi trường sống ngày càng tốt hơn; Người dân được phục vụ tốt hơn; Người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, diễn giả đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po và Mỹ đã chia sẻ các thông tin và kinh nghiệm trong quá trình xây dựng đô thị thông minh ở nước họ và gợi ý những vấn đề cần quan tâm liên quan đến việc xây dựng đô thị thông minh nhằm hoàn thiện và tiến tới triển khai thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam./.