|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), là tiền đề để sắp xếp, đổi mới DNNN của từng bộ, ngành và địa phương. Trong vòng 5 năm trở lại đây, tiêu chí, danh mục phân loại DNNN liên tục được thay đổi thông qua việc Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011 và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, phân loại DNNN. Hiện Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung xây dựng dự thảo Quyết định về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định bám sát quy định và Kết luận số 50-KL/TW, ngày 29/10/2012, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Cụ thể, kiên quyết điều chỉnh để DNNN có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ, tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của các lĩnh vực: an ninh, quốc phòng; độc quyền tự nhiên; cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu và một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn.
Công cuộc cải cách DNNN đang được triển khai trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái kéo dài, thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN. Mặc dù kết quả sắp xếp DNNN trong giai đoạn 2011-2015 còn hạn chế do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác nhau nhưng Chính phủ Việt Nam luôn thể hiện rõ quyết tâm trong việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa DNNN.
Để đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, Dự thảo đã đưa ra một số điểm mới như: thay đổi phương pháp thực hiện, nếu như Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg vẫn theo phương pháp truyền thống là đưa ra tiêu chí, danh mục phân loại và các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó để xác định phương hướng sắp xếp cụ thể cho từng doanh nghiệp do mình quản lý trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ và rút ngắn thời gian quy trình xây dựng các phương án riêng lẻ, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo ban hành cần phải kèm theo danh mục DNNN cụ thể cùng với phân loại và hình thức sắp xếp đi kèm, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Danh mục này sẽ nhằm cung cấp thông tin một cách tổng quan cho các nhà đầu tư và xã hội, làm cơ sở quyết định đầu tư và quá trình giám sát DNNN trên thực tế. Bên cạnh đó, Dự thảo đưa một số ngành quan trọng vào danh mục cổ phần hóa với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ giảm từ mức trên 75% xuống trên 65% đối với các lĩnh vực như chế biến dầu mỏ, vận chuyển hàng không, cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông,…
Tại Hội thảo, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 37/2014/QĐ-TTg và trình bày nội dung, kết cấu Dự thảo cũng như các vấn đề cần tiếp tục tập trung xin ý kiến để hoàn thiện Dự thảo.
Nhìn chung, việc đánh giá, phân loại DNNN trong năm 2014 và kế hoạch năm 2015 tại các bộ ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty đã bám sát theo nội dung của Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg. Theo phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN đã được phê duyệt, trong 2 năm 2014-2015, cả nước phải hoàn thành sắp xếp 479 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 432 doanh nghiệp; bán, giao, giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 25 doanh nghiệp. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, năm 2014, cổ phần hóa 143 doanh nghiệp, 8 tháng năm 2015 cổ phần hóa 93 doanh nghiệp. Giai đoạn 2011-2015, cổ phần hóa 335 doanh nghiệp, đạt 63% kế hoạch đề ra. Như vậy, số lượng doanh nghiệp chuyển đổi, cổ phần hóa trong 4 tháng cuối năm 2015 còn rất lớn, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và nỗ lực rất cao của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Kết cấu của dự thảo Quyết định gồm 04 điều và phụ lục kèm theo, quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng, tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành Quyết định. Nội dung cụ thể của tiêu chí, danh mục phân loại DNNN gồm: Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực; Những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 65% tổng số cổ phần trở lên ; Những doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham gia ý kiến, thảo luận các nội dung liên quan đến điều chỉnh đối tượng, kết cấu của Dự thảo, điều chỉnh một số ngành trong danh mục và cách thức triển khai thực hiện.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu có chọn lọc các ý kiến góp ý và hoàn thiện Dự thảo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo lần này cần ban hành nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu DNNN gắn với thực tế trong thời gian tới và phát huy được tính hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện./.