Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 19-23/5/2014
Ngày cập nhật 26/05/2014
Ảnh minh họa

 (Chinhphu.vn) - Xử lý nghiêm những người có hành vi tuyên truyền kích động; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; thưởng công trình phúc lợi cho 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu biểu... là những thông tin văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 19-23/5/2014.

 Xử lý nghiêm những người có hành vi tuyên truyền kích động

Theo Thông báo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh trật tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi tuyên truyền kích động.

Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân không tham gia biểu tình trái pháp luật, hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, giữ gìn an ninh trật tự và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành chức năng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thông báo đến các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài: Chính phủ Việt Nam và chính quyền các địa phương kiên quyết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và các cam kết quốc tế của Việt Nam để bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Vừa qua, nhân dân cả nước đã cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Một số người biểu tình đã có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chống người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và sản xuất kinh doanh.

Tại Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, sớm trở lại sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan hướng dẫn doanh nghiệp bảo hiểm xác định và đưa thiệt hại của các doanh nghiệp vào phạm vi được bảo hiểm; khẩn trương xác định giá trị thiệt hại để thực hiện bồi thường theo thủ tục đơn giản, rút gọn; ứng trước tiền bồi thường đối với những trường hợp đã xác định rõ thuộc phạm vi, đối tượng được bảo hiểm. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan căn cứ thiệt hại thực tế của doanh nghiệp, thực hiện việc gia hạn thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước đối với số phát sinh trước tháng 5 năm 2014 mà chưa nộp, tương ứng với mức độ thiệt hại. Thời gian gia hạn tối đa là 2 năm, không phạt chậm nộp đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan hải quan thực hiện việc miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định và hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với những khoản thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hoá bị tổn thất; cho phép thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp bị thiệt hại đang có nợ thuế; chỉ đạo cơ quan thuế khẩn trương thực hiện việc khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hoá, dịch vụ bị thiệt hại mà không được bồi thường, bao gồm cả trường hợp không còn chứng từ, hoá đơn; chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn doanh nghiệp kê khai vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần giá trị thiệt hại không được bồi thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường và phần trả lãi vay góp vốn điều lệ cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại.

Ngoài ra, hướng dẫn giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2014 nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến  năm 2015, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trên các lĩnh vực: gia nhập thị trường, xuất nhập khẩu, tiếp cận nguồn vốn, tín dụng, thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng, tài nguyên môi trường, lao động… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động.

Đồng thời, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; tạo lập liên kết ngành, vùng, giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn, phát triển bền vững; bảo đảm không phân tán nguồn lực và hiệu quả hoạt động hỗ trợ...

Thưởng công trình phúc lợi cho 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu biểu

Thủ tướng Chính phủ quyết định thưởng 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới tiêu biểu, đã có nhiều thành tích trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mỗi xã 1 công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng theo Quyết định 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011.

Hỗ trợ ổn định đời sống khi nhà nước thu hồi đất

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó quy định hỗ trợ ổn định đời sống cho đối tượng khi nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.

Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng.

Diện tích đất thu hồi nêu trên được xác định theo từng quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định nêu trên được tính bằng tiền tương đương 30 kg gạo trong 1 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương.

5 phương pháp định giá đất

Theo Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, sẽ có 5 phương pháp định giá đất gồm: So sánh trực tiếp; chiết trừ; thu nhập; thặng dư; hệ số điều chỉnh giá đất.

Nghị định quy định rõ điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất. Trong đó,  phương pháp so sánh trực tiếp được áp dụng để định giá đất khi trên thị trường có các thửa đất so sánh đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Phương pháp chiết trừ được áp dụng để định giá đối với thửa đất có tài sản gắn liền với đất trong trường hợp có đủ số liệu về giá các bất động sản (gồm đất và tài sản gắn liền với đất) tương tự với thửa đất cần định giá đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Còn phương pháp thu nhập được áp dụng để định giá đối với thửa đất xác định được các khoản thu nhập, chi phí từ việc sử dụng đất.

Đối với thửa đất có tiềm năng phát triển do thay đổi quy hoạch hoặc chuyển mục đích sử dụng đất khi xác định được tổng doanh thu phát triển giả định và tổng chi phí ước tính thì được áp dụng phương pháp thặng dư để định giá.

Quy định giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác

Nghị định quy định giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển quy định rõ, việc giao khu vực biển phải bảo đảm sự quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành, liên vùng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường biển; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững.

Đồng thời, phải bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích của tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển hợp pháp trong khu vực biển được giao; đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; bảo đảm phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển.

Nghị định cũng quy định, một khu vực biển chỉ được giao cho một tổ chức, cá nhân.

Giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp Nhà nước việc chấp hành pháp luật trên 6 lĩnh vực

Theo Nghị định 49/2014/NĐ-CP, thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật trên 6 lĩnh vực:

1- Quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước; chế độ tài chính và giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2- Sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp.

3- Tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, chính sách tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện và người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

4- Quy định của pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh; quy định, quy trình về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

5- Các quy định của pháp luật về việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả hoạt động và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

6- Các quy định của pháp luật khác theo yêu cầu của chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

13 địa phương cần giải quyết dứt điểm GPMB Quốc lộ 1 và đường HCM

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 13 địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên theo tiến độ cam kết.

13 địa phương trên gồm: Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Hậu Giang, Đắk Lắk, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Phó Thủ tướng yêu cầu các chủ công trình hạ tầng kỹ thuật (VNPT, Viettel, FPT, EVN, các chủ công trình nước sinh hoạt) tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư và chủ động bố trí kinh phí, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ di dời công trình xong trước ngày 31/5/2014.

Tập trung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) trong 2 năm 2014-2015

Để tăng cường quản lý đất đai, xây dựng hệ thống quản lý đất đai bền vững và bảo đảm tăng tỷ lệ cấp GCN đối với những địa phương có loại đất cấp GCN đạt thấp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương đẩy mạnh việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp đổi GCN, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội; trong hai năm (2014-2015) ưu tiên tập trung các nguồn lực để thực hiện và hoàn thành cơ bản việc cấp đổi Giấy chứng nhận ở những nơi đã có bản đồ địa chính, đồng thời hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho mỗi tỉnh ít nhất một đơn vị cấp huyện để làm mẫu nhằm rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng trong những năm tới.

Đồng thời rà soát tình hình sử dụng đất, xác định ranh giới, mốc giới và đo đạc lập bản đồ địa chính, giao đất, cấp GCN cho các công ty nông, lâm nghiệp để quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất của các công ty và xử lý dứt điểm các tồn tại, vi phạm đất nông, lâm trường.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương còn loại đất chưa hoàn thành (dưới 85%) thì tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ cấp GCN trong năm 2014.

Hoàng Diên

Nguồn: chinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 1.089