* Khái niệm về an ninh biển
An ninh biển là một bộ phận của an ninh quốc gia, khu vực và thế giới, có mối quan hệ chặt chẽ với các vấn đề an ninh trên đất liền. Với 70% dân số thế giới sống ở các khu vực cách bờ biển khoảng 100 dặm và đa số các khu vực phát triển nhất của thế giới đều nằm sát biển, an ninh biển ngày càng có ảnh hưởng lớn đến an ninh đất liền nói riêng và an ninh của các quốc gia nói chung.
Cho đến nay, trên thế giới chưa có thuật ngữ chính thức được thừa nhận về an ninh biển. Tuy nhiên, khái niệm về “an ninh biển” có thể được hiểu là trạng thái ổn định, an toàn, không có các mối đe dọa xuất phát từ biển và các vùng đất đối với các hoạt động bình thường của các nước, các tổ chức, cá nhân trên biển hoặc các mối đe dọa từ biển đối với các hoạt động bình thường của các nước, các tổ chức, cá nhân trên đất liền.
Như vậy, nội hàm của an ninh biển cũng giống như an ninh trên đất liền, bao gồm an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Các vấn đề an ninh truyền thống trên biển liên quan đến chiến tranh, xung đột, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển. Các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển bao gồm: khủng bố, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, di dân bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường biển, thảm họa thiên nhiên…
* Một số vấn đề cơ bản trong chính sách an ninh biển của Việt Nam
Việt Nam có ba mặt giáp biển là phía Đông, Nam và Tây Nam, có bờ biển dài 3.260km; có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; có gần 3.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, an ninh biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với Việt Nam về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã xác định mục tiêu tổng quát của Chiến lược biển Việt Nam là: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Đảng ta nhấn mạnh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế biển đã trở thành lĩnh vực mũi nhọn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước. Đồng thời, vùng biển, hải đảo cũng là hướng phòng thủ chiến lược trọng yếu của quốc gia….
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông
Hiện nay có 4 “hồ sơ” chủ yếu ở Biển Đông liên quan tới Việt Nam, đó là:
i) Tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu, quản lý quần đảo Hoàng Sa một cách hòa bình, liên tục từ thế kỷ 16. Năm 1956, Trung Quốc đã đánh chiếm cụm đảo phía Đông và năm 1974, tiếp tục dùng sức mạnh quân sự chiếm các đảo phía Tây quần đảo này của Việt Nam. Cả hai lần, Trung Quốc đều dùng vũ lực để chiếm đóng quần đảo này. Đây là vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc.
ii) Khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ: Sau khi ký Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá năm 2001, hai nước Việt Nam và Trung Quốc thống nhất sẽ đàm phán tiếp để phân định khu vực cửa vịnh. Đến nay hai bên đã qua 7 vòng đàm phán nhưng vẫn chưa thành công. Trong khi đang diễn ra đàm phán, Trung Quốc coi đây là vùng “tranh chấp” và đơn phương tiến hành các hoạt động khảo sát, thăm dò ở phía Tây đường trung tuyến “giả định” (nằm gần Việt Nam hơn).
iii) Tranh chấp ở quần đảo Trường Sa liên quan đến 5 nước (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei) và 1 vùng lãnh thổ là Đài Loan (Trung Quốc). Tháng 3/1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo ở quần đảo Trường Sa.
iv) Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và không được quốc tế công nhận; yêu sách này liên quan đến vùng thềm lục địa và chủ quyền, lợi ích của nhiều nước ven biển cũng như liên quan an ninh và tự do hàng hải quốc tế.
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam cho rằng, các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 , Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải qu yết các vấn đề tranh chấp. Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng vì nó sẽ là cơ sở pháp lý để các bên liên quan trao đổi giải quyết vấn đề trên biển. Trong điều kiện lập trường của các nước còn khác xa nhau thì Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là chuẩn mực để các quốc gia đối chiếu, xem xét lại các yêu sách của mình cho phù hợp. Nếu tất cả các bên liên quan đều giới hạn các yêu sách chủ quyền của mình trong các chuẩn mực của Công ước thì các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông sẽ sớm được giải quyết, đem lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên cũng như lợi ích của hòa bình ổn định và thịnh vượng của cả khu vực.
Do các tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp nên cần phải thông qua đàm phán cả song phương và đa phương để giải quyết. Đối với tranh chấp trên biển chỉ liên quan đến hai bên, cần thực hiện đàm phán song phương để giải quyết. Đối với tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì các bên liên quan phải ngồi lại với nhau để cùng giải quyết. Đối với các vấn đề liên quan đến tự do hàng hải và quyền lợi của các bên cả ở trong và ngoài khu vực thì cần có sự tham gia rộng rãi của các quốc gia có liên quan. Trong trường hợp này, nếu chỉ đàm phán song phương mà không có sự tham gia của các bên khác có thể dẫn đến sự hiểu lầm, nghi kỵ và làm cho đàm phán đi vào bế tắc.
Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định vùng biển chồng lấn ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ. Hai bên cũng đang tiến hành đàm phán và đạt được kết quả tốt đẹp trong việc hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm. Đây là các vấn đề chỉ liên quan đến hai nước và các kết quả đạt được là rất tích cực, không chỉ bảo đảm lợi ích của Việt Nam và Trung Quốc mà còn góp phần xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực.
Trong thời gian qua, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trở nên phức tạp với nhiều vụ va chạm giữa các nước, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, ngang nhiên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời, do đó Việt Nam kiên quyết không để cho bất kỳ quốc gia, thế lực nào xâm phạm chủ quyền đó. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, phù hợp với các quy định và thực tiễn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đối với vấn đề giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống trên Biển Đông
Gần đây, các vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung và an ninh phi truyền thống trên biển nói riêng có xu hướng gia tăng và đang tạo ra thách thức mới đối với an ninh và ổn định của khu vực, đe dọa đến sự phát triển của các quốc gia. Trong những năm qua, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thảm họa thiên nhiên gây ra.
Để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển, một mặt Việt Nam chủ trương phát huy nội lực là chủ yếu, mặt khác tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với tất cả các nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân về tính nguy hại của thách thức an ninh phi truyền thống, quyền lợi, trách nhiệm của công dân trong phòng, chống thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm phát triển bền vững. Giải quyết hài hòa, đúng đắn mối quan hệ tương tác giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa và ứng phó với an ninh phi truyền thống một cách chủ động.
Tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo kịp thời tác động của an ninh phi truyền thống trên biển, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, buôn bán phụ nữ và trẻ em… Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội trên biển, kết hợp với chú trọng phát triển môi trường xanh, bền vững, đồng thời tăng cường đầu tư các nguồn lực và hoạch định cơ chế chính sách xã hội hóa trong phòng, chống thảm họa thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Tham gia tích cực và có trách nhiệm vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực trong phòng chống thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó chú trọng hợp tác đa phương trong phòng chống thách thức an ninh phi truyền thống.
Tích cực tham gia các cơ chế đối thoại khu vực và quốc tế để tăng cường, mở rộng hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác trong phòng chống thách thức an ninh phi truyền truyền thống trên biển. Hiện nay, tại khu vực đang có các diễn đàn, hội nghị đối thoại đa phương quan trọng của ASEAN như: Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng ASEAN (ACDFIM), Hội nghị các Tư lệnh hải quân, không quân, cảnh sát biển, tình báo ASEAN, diễn đàn đối thoại của quan chức quốc phòng các nước ASEAN…; các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế quan trọng mà ASEAN đóng vai trò trung tâm như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+1, ASEAN+3; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); Đối thoại Shangri-La, Hội thảo hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS)… Đây là các kênh đối thoại tầm chiến lược để các nước ASEAN và ASEAN với các nước đối tác đối thoại trao đổi quan điểm, tạo sự đồng thuận trong nhận thức; xác định cơ chế, chính sách hợp tác trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống nói chung và an ninh phi truyền thống trên biển nói riêng.
Đặc biệt, Việt Nam đánh giá cao và tích cực tham gia các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ với 6 lĩnh vực ưu tiên gồm: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, chống khủng bố, an ninh biển, quân y, gìn giữ hòa bình, hành động mìn nhân đạo, trong đó có 3 nhóm liên quan đến an ninh phi truyền thống trên biển. Trong thời gian qua, với nỗ lực của ASEAN và các nước đối tác đối thoại, khuôn khổ hợp tác này ngày càng đi vào thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực trong thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại vì mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định và phát triển.
Việc duy trì bảo đảm an ninh trên Biển Đông hiện nay và trong thời gian tới sẽ phải giải quyết nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các nước trong khu vực. Trong duy trì bảo đảm an ninh trên Biển Đông, các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua thương lượng hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, xây dựng Biển Đông thành một khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác, góp phần xây dựng môi trường hòa bình và thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương.
(Theo Báo Tin Tức)