Đài Truyền thanh cơ sở có 2 chức năng chính là phương tiện để cấp ủy, chính quyền xã, phường chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ địa phương. Chức năng thứ 2 là tiếp sóng chương trình phát thanh của đài Truyền thanh thị xã, tỉnh và Đài tiếng nói Việt Nam.
Trước năm 2011, khi Đài Truyền thanh thị xã chưa chia tách và hoạt động độc lập, hệ thống đài truyền thanh cơ sở bị xuống cấp, chi phí duy trì hoạt động và sửa chữa còn hạn chế, tổ chức bộ máy điều hành hoạt động không hoàn chỉnh. Do vậy rất nhiều hệ thống hoạt động không đủ công suất, nhiều đài ngừng hoạt động, chất lượng thông tin thấp đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyên truyền của hệ thống này.
Trong những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chủ trương, Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà đã quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của ngành phát thanh. Cụ thể đã chỉ đạo việc nâng cao hoạt động phát thanh tại địa phương, hằng năm cấp kinh phí để xây dựng và sửa chữa hệ thống truyền thanh. Hiện toàn thị xã Hương Trà có tổng số 16 đài truyền thanh cơ sở, trong đó có 13 đài truyền thanh vô tuyến và 03 đài truyền thanh hữu tuyến là phường Hương Văn, Hương An và xã Hải Dương. Năm 2013 đã nâng cấp và xây dựng mới đài Truyền thanh phường Tứ Hạ và Hương Vân. Tháng 8 năm 2014 xây dựng mới đài Truyền thanh xã Hồng Tiến. Trong thời gian còn lại của năm 2014, Ủy ban nhân dân thị xã sẽ đầu tư xây dựng và chuyển đổi sang truyền thanh vô tuyến đối với Đài truyền thanh phường Hương Văn và Hương An từ kinh phí thị xã và đối ứng của địa phương. Nâng tổng số đài truyền thanh vô tuyến toàn thị xã lên 15/16 đài. Riêng Đài truyền thanh xã Hải Dương ở vùng biển, không thuận lợi cho hệ thống vô tuyến nên Ủy ban nhân dân thị xã sẽ bổ sung thêm một số cơ sở vật chất tại phòng máy như vi tính, bàn trộn âm thanh, mic co rô ghi âm và thêm một số cụm loa…đầy đủ điều kiện vật chất, kỹ thuật để có thể xây dựng chương trình thời sự địa phương.
Cùng với sự quan tâm về cơ sở vật chất, thời gian qua, Đảng ủy và Ủy ban nhân dân các xã, phường cũng đã quan tâm đến cán bộ quản lý, vận hành Đài truyền thanh cơ sở. Ngoài công chức văn hóa - xã hội phụ trách chung, một số đơn vị đã bố trí được cán bộ bán chuyên trách Văn hóa - thông tin để trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động Đài truyền thanh. Trực tiếp và vất vả nhất vẫn là cán bộ vận hành đài. Nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ vận hành đài là mở và tắt đài theo khung thời gian phát sóng chương trình địa phương và tiếp sóng đài thị xã, tỉnh và đài Trung ương theo lịch được Ủy ban nhân dân xã phê duyệt. Đồng thời phải hiểu biết cơ bản về kỹ thuật để có thể trực tiếp sửa chữa những hỏng hóc nhỏ tại phòng máy cũng như các cụm thu sóng, các cụm loa. Tuy công việc nhiều, phải thức sớm và về muộn nhưng phụ cấp hằng tháng thấp, có đơn vị bố trí cán bộ chuyên trách với mức phụ cấp từ 800 nghìn đồng đến cao nhất 1.150.000 đồng, có đơn vị sử dụng cán bộ bán chuyên trách văn hóa thông tin hoặc cán bộ bán chuyên trách khác làm công việc vận hành đài và được trả thêm với mức phụ cấp 300.000/tháng. Do vậy, ngoài những người phục vụ lâu năm và yêu nghề, còn lại đều có tư tưởng muốn tìm công việc khác đỡ vất vả và có lương hoặc phụ cấp cao hơn. Đây cũng là khó khăn để có được đội ngũ cán bộ ổn định, thuận tiện cho việc tập huấn hướng dẫn nghiêp vụ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Trong hoạt động của hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở thời gian qua, ngoài những điểm mạnh như hệ thống loa, các cụm thu gần như đã phủ sóng hầu hết các xã, phường; được cấp kinh phí sửa chữa hằng năm; đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thanh có nhiều cố gắng, việc tiếp phát sóng ngày càng đảm bảo và nâng cao. Tuy nhiên, đài truyền thanh cơ sở vẫn còn những hạn chế nhất định như đội ngũ cán bộ không ổn định và chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thấp; một số đơn vị chưa quan tâm nhiều đến hoạt động của đài, do vậy chưa có sự phân công rõ ràng trách nhiệm trong công tác quản lý, theo dõi hoạt động. Thời gian trước, hầu hết các đài cơ sở chỉ thực hiện chức năng thứ hai là tiếp phát sóng và thông báo các văn bản liên quan đến chỉ đạo điều hành, chưa biên tập và sản xuất được chương trình thời sự địa phương có chất lượng để phát thường xuyên trên sóng, trên hệ thống truyền thanh.
Để nâng cao hoạt động Đài Truyền thanh cơ sở, các xã, phường phải thực hiện tốt 04 nội dung giải pháp sau đây:
Thứ nhất phải hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý và tổ chức hoạt động của Đài Truyền thanh cơ sở. Đối với nội dung này các đơn vị phải xây dựng hệ thống văn bản, tổ chức bộ máy, quan tâm chế độ chính sách và phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng.
Thứ hai, tăng cường trang thiết bị, máy móc tại phòng máy, thiết bị phụ trợ như bàn ghế, máy vi tính, kết nối iternet và thiết bị truyền, thu thanh.
Thứ ba, đào tạo, phát triển nhân lực cho đội ngũ cán bộ đài truyền thanh. Các kỹ năng cần phải hướng dẫn, đào tạo gồm: kỹ năng khai thác và viên tập tin bài; kỹ năng xử lý, lưu trữ thông tin; sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin trong truyền thanh; nghiệp vụ phát thanh hoặc tuyên truyền.
Thứ tư, là nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Theo chúng tôi, đây là nội dung quan trọng nhất để nâng cao hoạt động đài truyền thanh cơ sở. Bởi lẽ nếu các đơn vị hằng tuần xây dựng được chương trình thời sự địa phương thì sẽ giải quyết được những nội dung khác như văn bản điều hành hay tổ chức bộ máy; đồng thời cũng sẽ tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để nâng tỷ lệ hộ dân nghe đài; và nếu xây dựng chương trình thời sự địa phương cũng sẽ ngày càng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng truyền thanh. Bởi lẽ đó, trong thời gia qua, Đài Truyền thanh thị xã quan tâm việc hướng dẫn, giúp đỡ đài cơ sở xây dựng chương trình thời sự địa phương.
Ngay từ đầu năm 2014, Đài thị xã đã hướng dẫn các xã, phường thành lập Ban Biên tập đài truyền thanh cơ sở với số lượng từ 9 đến 15 người do Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch làm Trưởng ban, đến nay đã có 16/16 đơn vị có Ban Biên tập và xây dựng được quy chế hoạt động. Bên cạnh đó, Đài Truyền thanh thị xã đã tổ chức được 07 lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ về khai thác thông tin; cách viết tin, bài cho báo phát thanh và xây dựng chương trình thời sự địa phương với nội dung đảm bảo như một chương trình của đài thị xã. Để đài cơ sở có nghiệp vụ trong xây dựng chương trình thời sự địa phương, Đài truyền thanh thị xã gửi công văn đến Ủy ban nhân dân các xã, phường về việc hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng từ 4 đến 6 chương trình thời sự địa phương. Mỗi đơn vị mới bắt đầu xây dựng 01 tuần 1 chương trình thời sự với thời lượng từ 20 đến 25 phút, cơ cấu từ 5 đến 7 tin và 1 đến 2 bài viết. Trong việc giúp đỡ, Chương trình 01 và chương trình thứ 2, lãnh đạo, phóng viên và kỹ thuật Đài thị xã trực tiếp hướng dẫn thực hiện. Đối với Chương trình thứ 03 thì Ban biên tập mail tin, bài về Đài Truyền thanh thị xã để biên tập; đài cơ sở tự ghi và phát. Chương trình thứ tư: Ban biên tập mail tin, bài (bao gồm cả vỏ chương trình) về Đài Truyền thanh thị xã để biên tập; đài cơ sở tự ghi và phát. Sang Chương trình 05 và 06 đài cơ sở thực hành toàn bộ và mail tệp đã ghi xong đến Đài thị xã để kiểm tra. Các chương trình tiếp theo đài thị xã chỉ đôn đốc, theo dõi. Trong việc giúp đỡ đài cơ sở xây dựng chương trình thời sự địa phương, một số đơn vị khó khăn về bài viết, Đài thị xã cử phóng viên giúp đỡ để viết bài phản ánh hoạt động địa phương. Ngoài ra, Đài địa phương có thể sử dụng các chuyên mục, chuyên đề để tuyên truyền như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Phổ biến pháp luật; Sức khỏe cộng đồng; Xây dựng nông thôn mới..v..v
Tuy nhiên, để thực hiện và xây dựng được chương trình đảm bảo, các xã, phường cũng phải lưu tâm những nội dung công việc như: Họp phân công nhiệm vụ BBT, mỗi thành viên Ban Biên tập mỗi tuần có 01 tin, nộp trước khi xây dựng Chương trình thời sự địa phương 1 ngày. Thành viên Ban Biên tập có thể luân phiên nhau viết 01 bài về hoạt động của địa phương, của các ban, ngành, đoàn thể; có thể sử dụng bài viết của cộng tác viên không phải là thành viên Ban Biên tập. Hoặc cách làm khác là có thể giao nhiệm vụ thành viên Ban Biên tập mỗi tháng có 4 tin và 02 tháng có 01 bài. Để tin bài được đều đặn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã phải thông qua cuộc họp Đảng ủy, UBND, Khối dân vận để chỉ đạo, động viên cán bộ, thành viên Ban Biên tập viết tin, bài. BBT hội ý 01 tháng/lần để đôn đốc, chỉ đạo viết tin, bài; đột xuất có thể triệu tập. Cuối năm cần có sơ kết, khen thưởng. Để động viên cán bộ tham gia xây dựng chương trình, lãnh đạo ủy ban nhân dân cũng cần quan tâm chế độ nhuận bút, theo tính toán của chúng tôi, tất cả kinh phí bao gồm hỗ trợ tin, bài, phát thanh viên, ghi âm, biên tập thì mỗi năm chỉ hơn 9 triệu đồng. Với những nỗ lực cố gắng của lãnh đạo và cán bộ đài Truyền thanh thị xã, đến nay một số Đài truyền thanh cơ sở đã chủ động xây dựng được chương trình và phát thường xuyên trên sóng phát thanh như: Đài Truyền thanh phường Tứ Hạ, Hương Xuân, Hương Vân, Đài xã Hương Bình, Hương Thọ, Hương Toàn. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã đăng ký Đài Truyền thanh thị xã hướng dẫn nghiệp vụ, giúp đỡ việc xây dựng chương trình địa phương trong thời gian tới như: xã Hương Phong, Hương Vinh, Bình Thành, phường Hương Hồ, Hương Văn.
Trên đây là một vài kinh nghiệm để nâng cao hoạt động truyền thanh ở cơ sở, góp phần giúp đài cơ sở thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình, đồng thời giúp cấp ủy, chính quyền nâng cao công tác chỉ đạo điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.