Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về sự cố môi trường gây cá chết ở một số khu vực đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên Huế đến ngày 5.5.2016
Ngày cập nhật 11/05/2016
Các điểm quan trắc tại các bãi tắm

        Ngày 5/5/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên Huế đã có Báo cáo số 68/BC-TNMT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh về sự cố môi trường gây cá chết bất thường ở một số khu vực đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên Huế.
 

        Nội dung Báo cáo như sau:

       Thời gian vừa qua (từ ngày 15/4/2016 đến ngày 04/5/2016), các huyện dọc ven biển từ phía Bắc vào phía Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra tình trạng cá biển và cá nuôi trong một số vùng đầm phá ở các khu vực cửa biển (Thuận An, Tư Hiền, Chu Mới, Lăng Cô) đã bị chết; ảnh hưởng lớn đến môi trường, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng như các hoạt động khác liên quan đến đời sống của nhân dân các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà... Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành khảo sát, quan trắc, lấy các loại mẫu (nước mặt, trầm tích đáy, cá biển, cá nuôi trong đầm phá) và xin tổng hợp báo cáo một số kết quả như sau:

       1. Sự cố môi trường xảy ra từ ngày 15/4/2016 đến ngày 04/5/2016 ở tỉnh Thừa Thiên Huế được chia thành 03 đợt cụ thể như sau:

       + Đợt 1: Từ ngày 15/4/2016 đến ngày 24/4/2016, sự cố xảy ra tại vùng ven bờ thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và ở khu vực các cửa biển: Thuận An (huyện Phú Vang), Tư Hiền và Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cũng như đầm Lập An (huyện Phú Lộc).
Khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc không có hiện tượng cá  chết hàng loạt, chất lượng nước trong đầm phá bình thường;

       + Đợt 2: Từ ngày 26/4 đến ngày 29/4/2016, sự cố chỉ xảy ra ở đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và khu vực cửa biển Chu Mới, xã Lộc Vĩnh cũng như cửa biển Lăng Cô thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc). Trong đợt này các loài thủy sản tự nhiên chết ở gần khu vực cửa biển có khối lượng khá lớn.

       Ngày 30/4 và 01/5/2016, sự cố cá chết giảm hẳn ở hầu hết các địa phương và không có các hiện tượng lạ, khác thường xảy ra ở vùng biển cũng như khu vực đầm phá của Thừa Thiên Huế.

       + Đợt 3: Từ đêm ngày 02/5 đến ngày 04/5/2016, sự cố bất ngờ phát sinh trở lại ở khu vực: các xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền); xã Hải Dương (thị xã Hương Trà); cửa biển Thuận An; các xã Phú Thuận, Phú Hải và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang); xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc).

       Tại xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), trong quá trình đánh bắt ở ven bờ, ngư dân địa phương đã phát hiện một loài rong lạ xuất hiện. Theo phản ánh của nhân dân trong vùng: đây là loài rong lạ lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy mẫu và gửi Trung tâm quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) để phân tích, xác định danh tính...

       2. Từ ngày 28/4/2016, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành quan trắc, lấy mẫu tại các cửa biển, các bãi tắm và các điểm lấy nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; kết quả đo đạc và phân tích thu được như sau:

       - Kết quả quan trắc nước biển ven bờ tại các cửa biển: Tại thời điểm quan trắc, hầu hết các thông số quan trắc (pH, DO, TSS, NH4+-N, PO43- - P, Cyanua, As, Mn, Fe, Cu, Zn) ở các điểm quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục nước biển ven bờ) – QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy, hải sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm và thể thao dưới nước.

       - Kết quả quan trắc nước biển ven bờ tại các bãi tắm: Tại thời điểm quan trắc, tất cả các thông số quan trắc (pH, DO, TSS, NH4+-N, PO43- - P, Cyanua, As, Mn, Fe) đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục nước biển ven bờ) – QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đảm bảo cho mục đích bãi tắm và thể thao dưới nước.

       - Kết quả quan trắc nước biển ven bờ tại các điểm lấy nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản: Tại thời điểm quan trắc: Hầu hết các thông số quan trắc (pH, DO, TSS, NH4+-N, PO43- - P, Cyanua, As, Mn, Fe) ở các điểm quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển (mục nước biển ven bờ) – QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy, hải sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm và thể thao dưới nước.

       3. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổng hợp các thiệt hại do sự cố môi trường gây ra trong thời gian qua.

       4. Các hoạt động chỉ đạo khắc phục sự cố về hiện tượng cá chết bất thường:

       + Sáng ngày 01/5/2016, dưới sự chủ trì của ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương đã họp để triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ và thống nhất các nội dung: Khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do sự cố thủy sản chết hàng loạt tại các tỉnh Bắc trung bộ; Thống nhất các nội dung tuyên truyền tạo sự an dân, bình ổn thị trường; Tăng cường quan trắc: các bãi tắm, các khu du lịch biển; các khu vực thủy sản chết; các điểm cấp nước biển phục vụ nuôi thủy sản; đầm Lập An; đầm phá Tam Giang - Cầu Hai... và thông báo kịp thời đến nhân dân cũng như các doanh nghiệp; Phương án thu mua thủy sản, tiêu hủy hoàn toàn thủy sản biển chết, tuyệt đối không để người dân đưa vào chế biến...

       + Ngày 02/5/2016, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế dưới sự chủ trì của đồng chí bí thư Tỉnh ủy đã họp với các ngành, các địa phương để thống nhất các phương án tạo sự an dân, ổn định xã hội và triển khai các giải pháp đồng bộ để khắc phục sự cố cá chết hàng loạt.

       + Ngày 04/5/2016, đồng chí Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì họp với các ngành để bàn phương án triển khai ngay công tác hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân; tăng cường tuyên truyền để nhanh chóng ổn định xã hội và không để các hoạt động quá khích xảy ra; mở rộng phạm vi và đối tượng quan trắc (môi trường, hải sản) và tích cực phối hợp với các bộ ngành điều tra, khảo sát nhằm sớm xác định được nguyên nhân...

       + Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã có công văn số 365/TNMT ngày 21/4/2016 về việc hiện tượng cá chất bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế; Công văn số 386/TNMT-MT ngày 25/4/2016 về việc thu gom, xử lý cá chết; Công văn số 445/TNMT ngày 5/5/2016 về việc thu gom, chôn lấp thủy, hải sản chết để phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo hướng dẫn của Tổng cục Môi trường gửi các huyện, thị xã vùng ven biển của tỉnh; Báo cáo số 55/BC-TNMT ngày 25/4/2016 về hiện tượng cá chết bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế.

  

Các điểm quan trắc tại các bãi tắm


 
Các điểm quan trắc tại các cửa biển


 
Các điểm quan trắc tại các điểm lấy nước phục vụ cho nuôi trồng thủy hải sản

BBT+L.T.Hạnh -CCBVMT
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 83