Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nâng cao chất lượng hoạt động Ca Huế để trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc
Ngày cập nhật 20/06/2018
Lễ đón nhận Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ca Huế, đặc biệt là Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô Huế, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú, thưởng ngoạn những đền đài lăng tẩm, ai ai cũng mong được một lần tựa mạn thuyền để nghe những làn điệu Ca Huế ngọt ngào sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương giang. Để phát huy được giá trị độc đáo của ca Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Ca Huế, đưa ca Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc.
 

 

 

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế

Để ca Huế trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Huế; đồng thời, sớm đưa Ca Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế giai đoạn 2017 -  2022. Theo đó tỉnh sẽ tiến hành kiểm kê, nhận diện giá trị và hiện trạng thực hành di sản nghệ thuật Ca Huế; Tổ chức truyền dạy, đào tạo cho thế hệ trẻ về kỹ năng đàn, ca, sáng tác bài bản Ca Huế; Tạo điều kiện, môi trường cho các nghệ nhân, câu lạc bộ và cộng đồng thực hành di sản nghệ thuật Ca Huế; Tổ chức khai thác di sản nghệ thuật Ca Huế phục vụ phát triển du lịch; Tuyên truyền, quảng bá di sản nghệ thuật Ca Huế.

Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2017 – 2022 được tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra là tổ chức ít nhất 02 Liên hoan nghệ thuật Ca Huế cấp tỉnh vào dịp Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế hoặc kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11); tổ chức 01 hội thảo khoa học quốc tế về nghệ thuật Ca Huế; hằng năm, mở ít nhất 02 lớp đào tạo chuyên ngành liên quan đến nghệ thuật Ca Huế tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế; duy trì các câu lạc bộ Ca Huế hiện đang sinh hoạt; ban hành một số cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản nghệ thuật Ca Huế để đến năm 2020 hoàn thiện số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật Ca Huế; tiến hành biên soạn, xuất bản 3 ấn phẩm nghiên cứu về di sản nghệ thuật Ca Huế; đến năm 2022 hoàn thành bộ hồ sơ đề nghị vinh danh nghệ thuật Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động ca Huế

Thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động biểu diễn ca Huế. Do đó, hoạt động ca Huế trong thời gian qua cơ bản đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của du khách.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động ca Huế vẫn còn một số tồn tại làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch như: tình trạng cắt xén thời lượng, biểu diễn không đúng chương trình theo  giấy phép; nạn chèo kéo, tranh giành khách, bán các loại vé trá hình không đúng quy định; diễn viên, nhạc công và chủ thuyền có những hành vi gây phản cảm, làm cho du khách bất bình...

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương là hoạt động thu hút khách du lịch mỗi khi đến Huế tham quan

Liên quan đến những tồn tại trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung cho biết, nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý dứt điểm những tồn tại trên, đưa hoạt động ca Huế đi vào nề nếp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động ca Huế. Tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành các quy định về ca Huế; Tăng cường quản lý, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các hoạt động về tổ chức và biểu diễn ca Huế, đặc biệt là ca Huế trên sông Hương theo đúng quy định về biểu diễn nghệ thuật và và tổ chức dịch vụ ca Huế; Công bố đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của du khách về hoạt động ca Huế. Bênh cạnh đó tỉnh sẽ tổ chức đào tạo và thẩm định nội dung chương trình, diễn viên và nhạc công ca Huế đồng thời đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất để hoạt động ca Huế hoạt động hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung  khẳng định, Ca Huế, đặc biệt là ca Huế trên sông Hương là sản phẩm văn hóa không thể thiếu để phục vụ du khách trong nước và quốc tế khi đến Huế, là hoạt động văn hóa sôi nổi về đêm của Huế. Loại hình nghệ thuật độc đáo này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên và người lao động, góp phần giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

(Nguồn www.thuathienhue.gov.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 474