Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Sinh ra lần hai trên ngư trường Hoàng Sa
Ngày cập nhật 10/08/2014
16 thuyền viên sau khi được cảnh sát biển cứu đưa lên tàu.

Mong muốn được trải nghiệm cùng ngư dân đánh bắt hải sản tại vùng biển Hoàng Sa (Khánh Hòa), Đặng Tiến Long (CTV Báo Tuổi trẻ tại Huế) cùng một phóng viên khác ra đảo Lý Sơn. Hành trình ra ngư trường Hoàng Sa, tàu QNg 96084 đã gặp nạn…

Tôi gặp Tiến Long khi anh vừa trở về sau chuyến đi biển định mệnh. Nét mặt Long vẫn còn phảng phất sự mệt mỏi, làn da rám nắng sau gần một ngày lênh đênh, chống chọi với sóng to, gió lớn, nắng rát bỏng da. Câu chuyện được Long kể lại như một cuốn phim quay chậm đầy cảm động.

Sự việc xảy ra quá nhanh

Long kể, ước mơ được trải nghiệm cùng ngư dân đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa có từ hồi mới vào đại học. Tuy nhiên, từ lúc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Hoàng Sa, ước mơ ấy lại thôi thúc anh đến với biển Hoàng Sa hơn để chứng kiến ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển giàu có của Việt Nam. Sau khi liên hệ được “đầu mối”, Long cùng đồng nghiệp ra đảo Lý Sơn và được anh Nguyễn Chí Thạnh –thuyền trưởng tàu QNg 96084 đồng ý.

9 giờ sáng 9/6, tàu QNg 96084 từ Lý Sơn xuất phát đi vùng biển Hoàng Sa mang theo niềm hy vọng về một chuyến đánh bắt dài ngày thành công. Còn đối với Long, ước mơ được ra ngư trường Hoàng Sa cùng ngư dân với bao dự định sắp thành hiện thực. Long kể, sau 6 giờ vươn khơi, khoảng 15 giờ cùng ngày, khi tàu chạy hơn 30 hải lý vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - cách đảo Tri Tôn (Hoàng Sa 50 hải lý) thì mọi người trên tàu ngủ để dưỡng sức sau bữa cơm. Trên tàu chỉ còn lại thuyền trưởng Thạnh. Bỗng nhiên, thuyền trưởng Thạnh thét lớn: “Cháy rồi! Mọi người dậy mau”. Mọi người trên tàu vùng dậy, không kịp mặc áo, tất cả chạy về phía sau đuôi thuyền, lấy nước ngọt xối tới tấp vào buồng máy chữa cháy, số khác dùng vòi nước phun, khống chế đám cháy lan nhưng không có kết quả vì trên tàu mang theo gần 4 tấn dầu và 7 bình gas. Sau một hồi chữa cháy bất thành, các thuyền viên được lệnh nhảy xuống biển và bơi xa cách tàu 200-300m đề phòng tàu nổ.

Sự việc xảy ra quá nhanh. Các anh nhảy xuống biển chỉ kịp mang theo can nhựa, phao, một thùng mì tôm và hai chai nước lọc. 16 thuyền viên lênh đênh dưới biển bất lực nhìn chiếc tàu cháy ngùn ngụt. Thuyền trưởng Thạnh với kinh nghiệm đi biển chỉ huy tất cả anh em bơi gần lại, kết nhau thành vòng tròn bằng dây thừng để không ai bị sóng đánh dạt ra xa và tránh lửa cháy lan trên mặt nước.

Đêm dài giữa biển khơi

Ba giờ sau đó, mọi người vừa vật lộn với sóng biển. Đến hơn 18 giờ, khi con tàu hết cháy và lửa dầu trên biển tắt đi, các ngư dân mới lần lượt bám vào mũi tàu. Lúc này, tàu chìm hẳn phần đuôi, chỉ còn phần mũi nổi dập dềnh trên mặt nước. Sức lực ai cũng gần như cạn kiệt. Mui tàu chưa đầy 4m2 là chiếc phao duy nhất cho 16 mạng người bám víu. Long và anh bạn đồng nghiệp lúc này cũng mệt lả và đói được các ngư dân ưu tiên nằm nghỉ trên mui tàu.

Niềm hy vọng được cứu sống vơi dần trong đêm cùng với sự lênh đênh giữa mênh mông sóng biển. 16 con người chia nhau từng vốc mì nhai ngấu nghiến, dốc từng giọt nước ngọt cầm hơi. Mặc dầu rất mệt nhưng để trấn an các thuyền viên trong cơn hoạn nạn, chốc chốc Long lại cất lên những câu hát về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa như một nguồn động viên tinh thần các ngư dân can trường vượt qua thử thách.

Khi ánh bình minh nơi chân trời ló dạng thì hy vọng sống của 16 con người bắt đầu le lói. Sóng biển bắt đầu mạnh dần lên, mũi thuyền chao đảo bởi phần thân máy quá nặng bị chìm xuống biển càng lúc càng kéo mũi thuyền dựng đứng. Anh Thạnh phân công anh em, chia phần việc để cứu lấy tính mạng.

Hải quân sinh ra chúng tôi lần hai

Khoảng 7 giờ sáng 10/6, hy vọng chợt lóe lên khi các anh phát hiện từ rất xa một chấm nhỏ của một thuyền đánh cá. Đến 9 giờ sáng 10/6, khi sự chịu đựng dường như đã quá giới hạn thì các thuyền viên reo mừng, ôm lấy nhau vì tàu HP17 phát hiện và hướng về chiếc tàu gặp nạn. Tất cả 16 người như không tin vào mắt, họ ôm lấy nhau, ai cũng ứa nước mắt hét lên vì sung sướng: “Sống rồi, sống rồi!”.

Long bảo, sau này hỏi ra mới biết, lẽ ra tàu HP17 đã rẽ hướng tây - bắc để tiếp tục làm nhiệm vụ. Đó cũng là lúc đổi ca trực nên người vào thay ca phải cầm ống nhòm lướt một vòng trên biển trước khi chuyển hướng. Người nhận ca mới phát hiện các ngư dân gặp nạn liền quay tàu lại cứu.

Đến khi được tàu hải quân HP17 cứu và đưa về cảng Lý Sơn, 16 thuyền viên, trong đó có Long và đồng nghiệp mới tin mình được sống. Các thuyền viên và bà con xóm làng, vợ con họ xúc động ôm nhau khóc mừng rỡ như được các anh hải quân sinh ra lần hai. Khi trở về đến đất liền, hành trang trải nghiệm vùng biển Hoàng Sa của một phóng viên mang theo với máy ảnh, máy tính xách tay giờ đã vĩnh viễn nằm lại trong vùng biển Hoang Sa. Long bảo, không buồn vì mất hết đồ nghề trên biển mà chỉ buồn vì chuyến đi không có sản phẩm cho báo.

Đặng Tiến Long sinh năm 1991, học Báo chí k33- trường Đại học khoa học Huế. Từ hồi sinh viên năm 2, Long đã tham gia viết bài cộng tác báo Tuổi trẻ và trở thành phóng viên học việc năng nỗ, xông xáo ở Văn phòng Huế. Bước chân của Long trải qua các vùng ở miền Trung, Tây Bắc, Tây Nguyên, vùng đầm phá để cho ra nhiều tác phẩm hay, bức ảnh có chất lượng trên báo Tuổi trẻ. Có thể kể đến loạt bài, ảnh về lũ lụt ở miền Trung; đám tang đại tướng Võ Nguyên Giáp; Cha con ông Kèn; Người không tay thần kỳ… Nhiều phóng sự ảnh được bạn đọc đánh giá cao như: “Bình minh sau bão Chan Chu”, “Xuống Âm phủ tìm nước”, “Ám ảnh cầu treo Chu Va 6A”… Mới đây, bức ảnh “Tình cha” của Tiến Long trong chuyên mục “Nhịp đời qua ống kính” trên Báo Tuổi trẻ đoạt giải nhất cuộc thi tháng 5/2014.

theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 28