Máu thịt Hoàng Sa
Giữa những ngày căng thẳng khi Trung Quốc dựng dàn khoan trái phép trên biển Hoàng Sa là chủ quyền của Việt Nam, những ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng trên những con tàu nhỏ bé vẫn mải miết tiến ra Hoàng Sa, không hề run sợ.
“Có chi mà sợ? Bao đời nay cha ông vẫn ở đó, đến chừ chúng tôi vẫn ở đó. Hoàng Sa với chúng tôi như máu thịt. Mấy chục năm ni, mỗi ngư dân chúng tôi là cột mốc sống chủ quyền ở Hoàng Sa” – lão kình ngư Trần Em (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam, thuyền viên tàu QNa 90659) khẳng định.
Đoàn tàu của ngư dân Tam Hải, Tam Quang, huyện Núi Thành liên kết thành đội xuất bến ra Hoàng Sa
Theo ông Trần Em, suốt mấy ngày qua, nhiều tàu Trung Quốc rượt đuổi tàu ngư dân trên biển Hoàng Sa.
“Nhưng chẳng hề hấn chi. Bọn chúng cậy tàu to súng lớn, nhưng khó mà khuất phục được những con tàu nhỏ bé của bà con ngư dân tui” – vẫn lời ngư dân Trần Em nói.
Trong buổi chiều nắng rát nơi ‘làng biển Chanchu’, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), tôi gặp thanh niên trẻ Nguyễn Xuân Anh đang chuẩn bị lên tàu ra Hoàng Sa.
Xuân Anh bảo, Hoàng Sa đối với ngư dân trẻ như là máu thịt. Bởi ở đó cha, chú của anh đã nằm lại vì cơn bão Chanchu không trở về.
“Cuộc sống của tụi tui bây chừ không thể thiếu biển Hoàng Sa! Mỗi chuyến biển trở về dăm ba ngày là lại ra khơi. Mỗi năm sợ nhất mùa biển động nằm bờ, nhớ biển Hoàng Sa da diết”.
Tựa lưng nhau làm cột mốc sống
Trước giờ xuất bến thẳng tiến Hoàng Sa, đội tàu 15 chiếc của xã Tam Hải, Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) hình thành tổ đánh bắt hỗ trợ nhau và không đi đơn lẻ như những năm trước đây.
Bên cạnh ngư dân ở Hoàng Sa, luôn có lực lượng cảnh sát biển hỗ trợ
Ông Trần Anh – chủ tàu cá QNa 90659 bảo: Không thể để Trung Quốc cậy tàu to súng lớn hà hiếp dân lành. Nghìn đời ni biển Hoàng Sa là nơi chốn đi về của bao thế hệ bà con tui. Không thể để bọn chúng cướp miếng cơm manh áo, không thể để mất đất, mất biển của cha ông để lại!
Rút kinh nghiệm từ những lần đối mặt với tàu Trung Quốc, theo ông Anh, lần này các tàu quyết định đi thành từng đoàn. Nếu bị ức hiếp thì sát cánh bên nhau. Đằng sau ngư dân còn có các lực lượng bảo vệ biển nên chẳng hề run sợ.
“Trước giờ xuất bến, chúng tôi đã tổ chức lễ ăn thề và cùng nhau ăn bữa cơm nghĩa tình cùng sống chết. Đoàn tàu của Tam Hải 10 chiếc, liên kết với xã Tam Quang 5 chiếc cùng xuất bến. Liên lạc trên các tàu được kết nối, cứ thế mà đi. Chẳng có chi phải sợ!” – ông anh khẳng định.
Theo ông Ngô Tấn – Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam, đến thời điểm này, tại Quảng Nam đã hình thành 120 tổ, đội đoàn kết ngư dân trên biển với hơn 8.000 ngư dân trên 873 tàu cá.
Ngoài ra, còn có 6 tổ chức nghiệp đoàn nghề cá đóng vai trò kết nối, đảm bảo sự đoàn kết, tương hỗ lẫn nhau giữa các ngư dân và chính họ là những cột mốc sống chủ quyền giữa Biển Đông.
Còn tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bà con ngư dân đã bắt đầu liên kết hình thành những đoàn tàu cá lớn đủ sức chống lại sự ức hiếp của tàu Trung Quốc trên biển Hoàng Sa.
"Biển Hoàng Sa với bà con tui như máu thịt. Mấy trăm năm qua, từ đời cha ông đến bây giờ mỗi ngư dân là cột mốc sống chủ quyền. Ở đó là máu thịt bao thế hệ, nên cho dù có chết bà con tui cũng không thể bỏ"
Chỉ tính tại xã An Hải đã có 72 tàu công suất lớn liên kết thành đoàn thẳng tiến ra Hoàng Sa.
Theo ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, đoàn tàu đánh bắt theo mô hình tổ đội, mỗi tổ đội từ 5-15 tàu cá, để chống lại sự gây hấn của tàu Trung Quốc.
“Mỗi khi gặp sự cố thì các tàu liên kết với nhau để ứng phó. Nhờ vậy, mà suốt trong những ngày qua, mặc dù tàu Trung Quốc khiêu khích, gây hấn nhưng bà con ngư dân vẫn yên tâm bám biển Hoàng Sa!” – ông Chinh khẳng định.