Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh
Sở, ban, ngành
UBND huyện, thị xã
UBND phường, xã
Quan điểm nhất quán đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Ngày cập nhật 14/09/2014

        Hiến pháp năm 2013 khẳng định, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn nội lực, nguồn vốn to lớn của đất nước, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống… có ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, và“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 53).

        Căn cứ Hiến pháp, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của Nhà nước và quản lý nhà nước đối với đất đai, gồm: Quyền của Nhà nước trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định hạn mức sử dụng đất; thời hạn sử dụng đất; quyết định giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất; quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết; quyết định giá đất và chính sách thu, chi tài chính về đất đai… Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai là Quốc hội, Chính phủ, HĐND và UBND các cấp.
 
        Bên cạnh những quy định về quyền của Nhà nước, Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định rõ trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo hộ các quyền của người sử dụng đất, như bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất; có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất… Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, cung cấp thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai. Đồng thời để thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của người sử dụng đất, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai, khoản 2 Điều 54 Hiến pháp quy định “Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ”.
 
        Về khoản 3 Điều 54 Hiến pháp quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Căn cứ Hiến pháp, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định chi tiết các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 61) và thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62), qua đó đã thể hiện 02 quan điểm lớn. Thứ nhất, trong điều kiện cần thiết Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo sự phù hợp với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Thứ hai việc quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, lợi ích chung của cộng đồng nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất cũng như hạn chế các hành vi lợi dụng, lạm quyền trong thu hồi đất. Ngoài ra, khoản 3 Điều 54 quy định “việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật” nhằm khẳng định một cách rõ ràng nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ trong công tác thu hồi đất thông qua các quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; trình tự, thủ tục thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất còn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất cũng như đảm bảo những quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước trao các quyền và nghĩa vụ tại Khoản 2, Điều 54.
 
        Để Hiến pháp thực sự đi vào cuộc sống, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến; các ngành, các cấp cần căn cứ vào nội dung của Hiến pháp và chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức thực hiện tuyên truyền rộng rãi; mở chuyên mục, đăng tin, bài viết, chuyên đề trên các báo, trang thông tin điện tử của tỉnh, địa phương và Website của từng đơn vị.
 
        Về phía ngành Tài nguyên và Môi trường: Căn cứ Hiến Pháp; căn cứ Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định trước đây không còn phù hợp để trình UBND tỉnh ban hành đảm bảo đúng thời gian, quy định và phù hợp với thực tế của địa phương, gồm các quy định sau: Quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất; Quy định hạn mức giao đất ở; hạn mức công nhận đất ở đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao cho hộ gia đình, cá nhân…
 
        Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung các danh mục thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường (Quyết định số 2298/QĐ-UBND ngày 05/12/2012 và Quyết định số 472/QĐ-UBND ngày 06/3/2013 của UBND tỉnh). Đồng thời, Sở đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, Luật Đất đai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong đó chú trọng phân tích mối quan hệ giữa Hiến pháp và pháp luật đất đai để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ và thực thi theo đúng quy định./.
Nguyễn Đình Đấu - Giám đốc Sở TNMT(Báo Thừa Thiên Huế đã đăng số 6145 ngày 09/9/2014)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 448.206
Truy câp hiện tại 108